Còn ai nhớ: 'Hồi đó...'
Ngay lúc này, giở lại những cánh thiệp đã xếp vào một góc khá lâu, tôi thầm cảm ơn cái thời tươi đẹp ấy của mình.
Có những món kỉ vật, quà tặng đôi khi ta gần như lãng quên. Nếu nghĩ một cách thực dụng thì ai đó nói rằng “có mới nới cũ” hẳn cũng không sai gì cả. “Vận” vào các vật kỉ niệm mà chiều nay tôi đi tìm lại càng thấy nó đúng. Bao nhiêu kỉ niệm của một thời thời nghèo khó trọ học ùa về bên tôi qua những cánh thiệp giở ra đọc lại...
Hơn 20 năm trước, chúng tôi là nhóm sinh viên (có bạn khác trường, có bạn khác lớp chung trường) gom lại với nhau ở chung một nhà trọ để chia sẻ kinh phí thuê nhà. Tôi học Sư phạm, các bạn, các em học Báo chí, Ngoại ngữ - Tin học,... Tất cả đã có gần 3 năm gắn bó.
Trong cảm nhận của tôi, có lẽ vì tôi là đứa duy nhất học sư phạm nên trong cái nhìn của các bạn thì tôi khá “chuẩn chỉnh”, nghiêm túc. Lại thêm, lúc bấy giờ, tôi đi làm gia sư vừa để tích lũy kinh nghiệm cho nghề vừa góp phần chia sẻ với gia đình sinh hoạt phí hằng tháng (năm tôi vào đại học là năm đầu tiên nhà nước áp dụng chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm). Những em học trò đầu tiên của tôi là các bé học tiểu học. Các bạn cùng phòng, vì thế, rất quý mến, coi trọng tôi.
Cả nhà trọ chúng tôi gần như không bạn nào có lấy một chiếc xe máy. Chúng tôi đến trường hoàn toàn bằng xe đạp. Cái năm tôi thực tập sư phạm (năm 2002) tôi vẫn cọc cạch xe đạp đến ngôi trường mà tôi tham gia những tiết dạy đầu tiên trên bục giảng. Nhưng mọi thứ với chúng tôi lúc ấy bình dị và bình yên quá đỗi.
Những dịp quan trọng nào đó (sinh nhật, lễ Tết) chúng tôi thường rủ nhau ăn chè. Sài Gòn có hẳn một tiệm chè ở Sư Vạn Hạnh được sinh viên gọi là “chè 500” - vì chủ quán chè bày ra rất nhiều món chè, cho vào từng chén nhỏ xíu, mỗi chén giá 500 đồng. Mấy mươi năm trôi qua, về quê dạy học, tôi không biết cái quán chè sinh viên của chúng tôi ngày ấy giờ ra sao.
Nhưng có lẽ, ngay lúc này, giở lại những cánh thiệp tôi đã xếp vào một góc khá lâu, tôi thầm cảm ơn cái thời tươi đẹp ấy của mình. Cô trò nhỏ vẽ những nét đơn sơ làm một cánh thiệp tặng cho cô giáo gia sư dịp Noel sắp đến; cô bạn chung phòng ghi mấy lời trước khi tôi bắt đầu đợt thực tập sư phạm; một cô bạn khác ghi đôi dòng vào cánh thiệp để lại cho tôi rồi về nghỉ hè (do tôi không nghỉ hè, vẫn tiếp tục công việc làm thêm của mình mỗi khi hè đến). Lúc bấy giờ, chính những lời chúc, lời nhắn nhủ trong các cánh thiệp là nguồn động viên tinh thần rất lớn với tôi.
Giữa lúc các bạn chọn học Ngoại ngữ - Tin học, Báo chí hay ngành Đông phương học đang rất háo hức với những viễn cảnh của tương lai thì tôi lại có sự chông chênh khi nghe một “ tâm sự rất thật” của người thầy trên giảng đường, rằng: “Chọn nghề giáo là chấp nhận sống... nghèo!”.
Cũng không phải nghĩ đến sự cách biệt giữa giàu với nghèo mà tôi rơi vào trạng thái chông chênh. Ngẫm lại, tuổi đôi mươi có lẽ ai cũng có những phút giây như thế. Ngay cả hiện giờ, đã hơn 20 năm “trụ vững” với nghề, nhiều đồng nghiệp (mà hiện giờ vừa đi dạy vừa phải bươn chải bán hàng online cải thiện cuộc sống, giáo giới chúng tôi hay nói vui là “lấy nghề tay trái nuôi nghề tay phải”) cũng hay tự hỏi nếu mình bắt đầu với một cái nghề khác thì sẽ như thế nào nhỉ.
Vậy đấy, những chùng chình, lăn tăn nghĩ ngợi không phải không có. Nhưng có lẽ, cái “gốc” người khoa Văn chúng tôi là sống tình cảm, vậy rồi cứ tự động viên mình.
Tôi cũng nhớ rằng những năm 2000 có hình thức “Quà tặng âm nhạc” qua tổng đài âm nhạc. Một cô bạn chung phòng còn ở lại Sài Gòn tìm việc, khi tôi đã về quê bắt đầu năm đầu tiên chính thức là một nhà giáo, đã nhờ chương trình gửi đến tôi bài hát “Người thầy” của nhạc sĩ Hoài An. Rồi chúng tôi cũng mất liên lạc dần, khi mỗi người một hướng đi, lối rẽ và cả những thành công cũng như thất bại khác nhau.
Có ai trong chúng ta bất chợt nhớ về cái “Hồi đó...”? Tôi thì thỉnh thoảng lật giở những vật kỉ niệm, cứ hay tự hỏi: “Còn ai nhắc: Hồi đó...?".
Đỗ Thị Thùy Dương (Tây Ninh)