'Cơn ác mộng' của Credit Suisse chưa kết thúc
Giá cổ phiếu của Credit Suisse tiếp tục đi xuống trong khi chi phí hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của ngân hàng này lập kỷ lục mới. Một số chuyên gia phân tích vẫn giữ quan điểm lạc quan khi so sánh tình hình hiện tại của Credit Suisse với một số ngân hàng lớn khác trong quá khứ.
Chỉ số đo lường rủi ro tín dụng của Credit Suisse tăng cao kỷ lục trong bối cảnh giá cổ phiếu của ngân hàng này lập đáy mới trong ngày 3/10 khi những nỗ lực trấn an thị trường không mang lại nhiều tác dụng.
Theo đó, chi phí hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của ngân hàng này tăng lên 2,93%, mức cao nhất từng được ghi nhận, cao hơn gấp hơn 5 lần so với hồi đầu năm, theo ICE Data Service. Trong khi đó, giá cổ phiếu của Credit Suisse có thời điểm giảm tới 10% trong phiên giao dịch đầu tuần và gần 60% tính từ đầu năm 2022, hướng tới năm giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử hình thành.
Trong khi mức phí CDS vẫn cách xa ngưỡng đáng quan ngại và một phần đà tăng có thể được giải thích thông qua làn sóng bán tháo các sản phẩm tài chính gần đây nhưng nó cũng phần nào phản ánh sự sụt giảm uy tín tín dụng của Credit Suisse. Hiện xác suất ngân hàng này vỡ nợ trái phiếu trong vòng 5 năm tới là 23%.
Credit Suisse từ chối đưa ra bình luận.
Ulrich Koerner, người được bổ nhiệm làm CEO của Credit Suisse cuối tháng 7 vừa qua, phải đối mặt với một loạt các vấn đề bên ngoài cũng như nội bộ trong quá trình xây dựng định hướng phát triển cho ngân hàng này trong tương lai. Chiến lược phát triển dự kiến được công bố cùng với báo cáo kết quả kinh doanh quý III vào cuối tháng 10 tới, được dự báo sẽ bao gồm nhiều thay đổi lớn trong đó có việc cắt giảm hàng ngàn nhân sự trong một vài năm tới, theo thông tin thu thập bởi Bloomberg .
Trong tuần trước, Credit Suisse cho biết đang lên kế hoạch bán tài sản và một số lĩnh vực kinh doanh. Nhóm chuyên gia tới từ KBW ước tính Credit Suisse vẫn cần thêm khoảng 4 tỷ USD sau khi bán bớt một số tài sản để phục vụ quá trình tái cấu trúc và hoạt động trong tương lai.
Nhóm nghiên cứu này so sánh tình hình hiện tại của Credit Suisse với cuộc khủng hoảng niềm tin của Deutsche Bank 6 năm về trước. Ngân hàng của Đức khi đó đối diện với sự hoài nghi lớn đối với chiến lược kinh doanh trong khi phí CDS tăng vọt, mức độ tín nhiệm suy giảm và sự quay lưng từ phía một số khách hàng.
Tuy nhiên, sự căng thẳng chỉ kéo dài trong vài tháng sau khi Deutsche Bank kêu gọi thêm được 7,8 tỷ USD tiền đầu tư mới đồng thời công bố những thay đổi quan trọng trong chiến lược phát triển của mình.
Trong khi đó, chuyên gia Boaz Weinstein tới từ Saba Capital Management đăng tải trên twitter dòng trạng thái “hãy hít thở thật sau” đồng thời so sánh tình hình hiện tại với trường hợp tương tự của Morgan Stanley trong các năm 2011 và 2012, khi phí CDS của ngân hàng này tăng mạnh.
Theo Thái Bình