Còn 4 ngày đăng ký nguyện vọng đại học: Ưu tiên số 1 cho ngành yêu thích
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh còn thời gian đến 17h ngày 20/8 để đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học. Kể cả đã đủ điều kiện trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm, thí sinh vẫn cần ghi nguyện vọng đã trúng tuyển lên hệ thống chung.
Ở thời điểm hiện tại, các bạn có thể kiểm tra lại thông tin nguyện vọng đã đăng ký, thay đổi thứ tự nguyện vọng, bổ sung nguyện vọng mới phù hợp để đảm bảo cơ hội trúng tuyển. Dù chọn xét tuyển học bạ, xét điểm thi ĐGNL hay dồn sức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cũng cần ưu tiên cho ngành học mình yêu thích nhất - điều kiện tiên quyết để học tốt ở đại học.
Đã trúng tuyển sớm đúng ngành yêu thích, có thể đặt vào nguyện vọng 1
Đối với thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển ở các phương thức xét tuyển sớm như xét tuyển học bạ hay xét tuyển điểm thi ĐGNL, các bạn cần đăng ký lại nguyện vọng đã trúng tuyển theo đúng quy định. Và nếu đã trúng tuyển đúng ngành yêu thích, các bạn hoàn toàn có thể đặt nguyện vọng đã trúng tuyển này vào vị trí nguyện vọng 1 để chắc chắn trúng tuyển chính thức.
Với một số thí sinh còn băn khoăn về sự khác biệt giữa các phương thức xét tuyển, các bạn có thể liên hệ trực tiếp với trường đại học để được tư vấn, hỗ trợ thông tin chính xác. Nên đảm bảo việc trúng tuyển theo học bạ THPT hay điểm thi ĐGNL bình đẳng với trúng tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, thuận tiện cho quá trình học tập sau này.
Như tại Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), dù trúng tuyển theo phương thức nào, thí sinh cũng hoàn toàn bình đẳng. "Sinh viên học cùng lớp, cùng chương trình đào tạo, cùng thụ hưởng hệ thống tiện ích đào tạo,... với chính sách học phí như nhau. Chính vì vậy, thí sinh đã trúng tuyển học bạ hay điểm thi ĐGNL có thể yên tâm đặt nguyện vọng 1 mà không cần lo lắng về biến động điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT", ThS. Trần Hải Nam - Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh HUTECH cho biết.
Còn thí sinh nếu muốn ưu tiên cho phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT thì có thể đưa phương thức này lên đầu. Nhưng sau đó các bạn vẫn cần ghi đầy đủ các nguyện vọng đã trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm vào danh sách nguyện vọng xét tuyển, nếu không sẽ bị coi là không hợp lệ.
Xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT: Cần tham khảo kỹ điểm sàn - điểm chuẩn
Đối với phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần lưu ý ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào (tức điểm sàn) chưa phải là điểm chuẩn cuối cùng. Tùy theo chỉ tiêu xét tuyển, số nguyện vọng và phổ điểm của thí sinh đăng ký, điểm chuẩn có thể bằng hoặc cao hơn so với điểm sàn. Do đó, điểm bằng sàn không chắc chắn là trúng tuyển.
Thí sinh nên tham khảo điểm sàn - điểm chuẩn của ngành và trường mình chọn trong 2-3 năm liên tục để chọn nguyện vọng phù hợp. Trường hợp quá yêu thích một ngành nhưng điểm xét tuyển của mình chỉ vừa bằng sàn, các bạn nên chọn thêm nguyện vọng vào ngành đó ở các trường khác có điểm sàn thấp hơn hoặc điểm chuẩn dự kiến ít biến động hơn.
Như với các ngành kinh tế, thí sinh có điểm xét tuyển 20 điểm thì ngoài ĐH Kinh tế, ĐH Kinh tế - Luật có thể chọn HUTECH, UEF,... Hoặc với các ngành "hot" thuộc nhóm Khoa học xã hội như Ngôn ngữ Anh, Truyền thông đa phương tiện, Quan hệ quốc tế... thí sinh đạt 20 điểm ngoài ĐH KHXH&NV có thể chọn nguyện vọng vào HUTECH. Ưu tiên ngành yêu thích, "dự phòng" nguyện vọng hợp lý sẽ giúp thí sinh nắm chắc cơ hội trúng tuyển.
Với thí sinh có điểm xét tuyển không "đụng trần", hãy lưu ý những trường đại học uy tín với điểm chuẩn các năm không quá cao, qua đó đảm bảo cơ hội học ngành yêu thích cho bản thân. Bạn cũng nên tìm hiểu khái quát về định hướng đào tạo, chính sách học bổng, học phí, môi trường ngoại khóa, hoạt động kết nối doanh nghiệp để có thêm căn cứ "chốt" trường, đảm bảo thuận lợi trong suốt quá trình học đại học.