Cơm lươn - món ăn được ví như "vàng trắng" ở Nhật Bản
Ở Nhật Bản, lươn là món ăn tinh tế, đã được con người sử dụng từ hàng nghìn năm nay. Nhưng vì rất được ưa chuộng nên loài lươn đang có nguy cơ biến mất.
Ông Tsuyoshi Hachisuka nhẹ nhàng nướng lươn, chuẩn bị cho món cơm lươn cao cấp của người Nhật có từ thế kỷ 17. Lươn được ăn ở nhiều nước, nhưng không đâu ăn nhiều như ở Nhật Bản, mà người Nhật lại hầu như không biết làm thế nào để lươn sinh sản nhiều hơn.
Ông Tsuyoshi Hachisuka - Chủ nhà hàng chuyên về lươn, TP. Hamamatsu - Nhật Bản cho biết: "Khi tôi mới bán hàng, một đĩa lươn giá từ 1.000 đến 1.200 Yen, nay thì giá gần như gấp 3 rồi. Giá mua vào có lúc còn cao gấp 5, gấp 6".
Năm 2014, lươn Nhật Bản đã được Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên đưa vào danh sách loài bị đe dọa tuyệt chủng. Sau khi trứng nở, ấu trùng lươn trôi về bờ biển, lớn lên thành lươn bơi qua cửa sông vào sông ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Chúng sống trong nước ngọt khoảng 5 đến 15 năm rồi lại bơi ra biển để đẻ trứng rồi chết. Nhưng nhiều con không kịp hoàn thành vòng đời. Chúng bị con người và biến đổi khí hậu tiêu diệt.
Dù Nhật Bản và Liên minh châu Âu đã ra hạn chế đánh bắt, xuất khẩu nhưng lại châm ngòi cho một thị trường chợ đen, đánh bắt trái phép phát triển rầm rộ ở quy mô quốc tế. Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên WWF ước tính, 40-60% lươn ở Nhật Bản có nguồn gốc bất hợp pháp.
Loài lươn ở Nhật trở nên quý giá đến mức đôi lúc nó được gọi là 'vàng trắng', giá lươn nhỏ dao động mạnh từ hơn 11 nghìn USD/kg (tức 250 triệu VNĐ), nên giờ đây lượng tiêu thụ lươn ở Nhật đã giảm 2/3.
Bà Mari Kuroki - Nhà nghiên cứu tại Đại học Tokyo, Nhật Bản bộc bạch: "Vì chúng tôi phụ thuộc 100% lươn nhỏ từ tự nhiên nên cần phải trân trọng từng con lươn khi ăn, nhớ rằng đó là một tài nguyên thiên nhiên quý báu. Người tiêu dùng phải xem xét lại hành vi của mình, coi trọng mỗi con lươn như một thực thể sống quý báu".