"Cô voi" sống gần 3 thập kỷ cô đơn giữa núi rừng

Chia sẻ Facebook
20/09/2022 09:32:17

Tại Vườn quốc gia Pù Mát thuộc tỉnh Nghệ An, có những cá thể voi vô cùng đặc biệt. Vì những người bạn của chúng không còn nên nó chỉ còn cách lủi thủi biết bao năm.

Bất kể là con người hay động vật đều không hề thích sự cô đơn. Ai cũng mong muốn có một người bạn, có gia đình để chia sẻ những câu chuyện, cảm xúc vui buồn, giận hờn với họ. Thế nhưng, có một con voi sống tại Nghệ An được mệnh danh là cô độc nhất Việt Nam.


"Cô voi" sống đơn độc trong rừng già

Báo Tuổi Trẻ đăng tải, tại xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An có một con voi cái đã sống đơn độc gần 3 thập kỷ qua ở vườn quốc gia Pù Mát. Nó vì quá cô đơn mà nhiều lần trêu người dân sống trong khu vực này một phen hú vía.

"Cô voi" đã cô đơn suốt 26 năm nay. (Ảnh: Tuổi Trẻ)


Đơn cử như một lần nó bắt con trâu đực trong đàn trâu của bà con xã Châu Khê chỉ bởi vì muốn tìm một “người bạn". Báo Tuổi Trẻ dẫn lời chị Lương Thị Hoa kể lại câu chuyện khi đó: “Gia đình tôi vẫn thường thả đàn trâu ở bìa rừng, nhưng có lần phát hiện thiếu mất một con trâu đực. Tôi ngay lập tức gọi dân làng để vào sâu trong rừng tìm kiếm. Bất ngờ lại thấy cảnh con trâu đực đang đứng cạnh một con voi cái to lớn”.

Khi ấy, rất nhiều người tiến lại gần nó để chụp ảnh nhưng nó cũng không hề sợ hay lảng tránh mà chỉ giữ khư khư con trâu đực ở bên, không cho nó đi đâu. Mãi nhiều tiếng sau nó mới chịu thả chú trâu đực ra để chị Hoa dắt về nhà.

Khu vực Vườn quốc gia Pù Mát có 12 cá thể voi sinh sống. (Ảnh: Dân Trí/Thanh Niên)

Trước đây, ở Vườn quốc gia Pù Mát khu vực xã Châu Khê còn có 1 chú voi đực bầu bạn với con voi cái nói trên. Thế nhưng vào năm 1996 voi đực không may gặp sự cố và không còn nữa. Kể từ đó, “cô voi” này cứ thế đơn độc một mình giữa núi rừng rộng lớn suốt 26 năm.

Bình thường con voi sẽ vô cùng lành tính, không bao giờ làm tổn thương con người. Thế nhưng khi đến mùa sinh sản, nó sẽ trở nên vô cùng hung dữ, cứ mỗi lần như vậy nó lại ra khỏi rừng để tìm đến những đàn trâu của người dân, đặc biệt là những con trâu đực to lớn.

"Cô voi" phải đi tìm trâu để bầu bạn. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Nghệ An là tỉnh được ghi nhận có cá thể voi tự nhiên nhiều thứ 3 cả nước. Tỉnh có 6 đàn voi, nhưng có đến 4 đàn chỉ còn đúng duy nhất 1 con sống độc lập, trong đó có “cô voi” làm bạn với trâu này.

Có lẽ vì sống cô độc suốt nhiều năm như vậy nên nó cũng đánh hơi được sự tồn tại của đàn voi ở bên kia Pù Mát hay cảm nhận được một con voi cái khác cũng sống đơn độc như nó ở huyện Quỳ Hợp. “Cô voi” ở Châu Khê được mọi người cho biết đã nhiều lần bắt gặp nó vượt quãng rừng xa để tìm đồng loại. Tuy nhiên, khi đến khu vực huyện Anh Sơn, nó bị ngăn lại bởi sông Lam.

Voi thường sống theo bày đàn. (Ảnh: Giáo Dục và Thời Đại)

Vườn quốc gia Pù Mát đã tính phương án sáp nhập con voi đơn lẻ này với hai đàn cùng sống trong vườn. Tuy nhiên, Vườn quốc gia Pù Mát với diện tích hơn 94.275ha nằm trải rộng trên 3 huyện Tương Dương, Con Cuông và Anh Sơn, hơn nữa quãng đường từ xã Châu Khê đến đàn voi ở tây bắc Pù Mát mất hai ngày đường, qua rất nhiều sông suối. Do vậy, phương án này dường như là một điều bất khả thi. Trong khi đó, nếu để con voi cái đến được với đàn voi 6 con ở phía đông nam khu vườn thì lại bị ngăn cách bởi sông Giăng.

Vườn quốc gia Pù Mát có diện tích rất lớn. (Ảnh:Vườn quốc gia Pù Mát)

Con voi sống một mình, chọn cách đặc biệt để gây sự chú ý vì quá cô đơn

Cũng trong Vườn quốc gia Pù Mát còn có một “cô voi” khác cũng đơn độc, một mình như con voi ở xã Châu Khê nói trên. Báo Tuổi Trẻ viết, con voi cái này sống ở khu vực Vườn quốc gia Pù Mát thuộc địa phận xã Nam Sơn, huyện Quỳ Hợp. Khoảng 30 năm trước, những cánh rừng già bao quanh xã Nam Sơn vẫn còn đàn voi rừng hàng chục con. Tuy nhiên, khoảng 20 năm trở lại đây, đàn voi ngày nào nay chỉ còn mỗi con voi cái đơn độc.

Ở khu vực xã Nam Sơn từng có hàng chục con voi sinh sống. (Ảnh: Báo Nghệ An)

Để giải tỏa sự cô đơn, con voi đã nhiều lần mò vào bản của người dân. Thông thường nó sẽ chẳng làm gì nhưng cũng có lúc lại quậy phá khiến cuộc sống của người dân xã Nam Sơn bị gián đoạn. Có vài lần nó đã phá hoại ruộng hoa màu, ruộng mía rồi trêu cả những con bò của nhà bà con. Huyện Quỳ Hợp ước tính chỉ năm 2021 con voi này đã gây thiệt hại 120 triệu đồng cho dân xã Bắc Sơn và Nam Sơn.

Một gia đình bị voi vào phá.  (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Voi vào phá ruộng mía của người dân ở huyện Anh Sơn (Nghệ An). (Ảnh: Tài Nguyên và Môi Trường)

Những cá thể voi châu Á sống trong Vườn quốc gia Pù Mát đều rất quý hiếm. Do vậy, dù nhiều lần những con voi trên xông vào “phá làng phá xóm” nhưng người dân cũng chỉ dùng chiêng, dùng trống rồi tạo khói xua chúng đi.


Cùng cập nhật nhiều thông tin hấp dẫn tại YAN !

Voi là động vật có vú thuộc họ Elephantidae. Nó còn là loại  động vật trên cạn lớn nhất trong giới động vật hiện nay. Voi ở Vườn quốc gia Pù Mát là loài voi châu Á. Chúng thường sinh sống theo bầy đàn và sống ở rừng thứ sinh (rừng hỗn giao tre nứa). Thức ăn của những chú voi này được Vườn quốc gia Pù Mát thống kê có 62 loài, trong đó có 51 loài cây rừng và 11 loài cây trồng. Hiện nay, do ảnh hưởng của môi trường và nhiều biến đổi khác nhau mà việc bảo tồn môi trường sống cho đàn voi gặp nhiều thách thức.


Cùng tìm hiểu những thông tin thú vị khác TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook