Cổ vật triều Nguyễn lập kỷ lục có 'lai Tây'?
Ngày 17-4, tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến tổ chức lễ tiếp nhận hai cổ vật triều Nguyễn gồm mũ quan và chiếc áo cổ đã gây chấn động dư luận trong và ngoài nước khi lập giá kỷ lục ở sàn đấu giá Balclis (Tây Ban Nha).
Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cũng vừa thành lập hội đồng thẩm định cổ vật để đánh giá chất lượng của hai cổ vật này, được công ty đã đấu giá thành công tặng lại cho tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tại TP.HCM, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn - chuyên gia văn hóa cổ vật và là tác giả sách Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn - tỏ ý vui mừng vì các hiện vật quý hiếm được đưa về cố hương.
Từ Hà Nội, nhà nghiên cứu Trịnh Bách - người từng phục chế nhiều áo vua và thành viên hoàng gia nhà Nguyễn - nói rất hoan nghênh việc Công ty CP Tập đoàn Sunshine tặng lại chiếc mũ cho Huế, làm phong phú thêm kho cổ vật triều Nguyễn tại vùng đất cố đô vốn bị thất lạc rất nhiều sau bao cuộc bể dâu, biến cố...
Cốt mũ nguyên vẹn, họa tiết "lai Tây"
Nhà nghiên cứu Trịnh Bách đánh giá chiếc mũ có phần cốt khá nguyên vẹn, thuộc hàng rất quý hiếm. Nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc - người phục chế thành công nhiều mũ của vua quan triều Nguyễn - cũng khẳng định đây là một chiếc mũ quan rất nguyên vẹn, hoàn chỉnh.
Theo ông Lộc, chiếc mũ này thuộc hàm quan trên nhất phẩm (hàng tứ trụ triều đình), là một cổ vật rất độc đáo và có niên đại vào khoảng đầu thế kỷ XX. Sau khi được trực tiếp ngắm, "sờ", ông Lộc nhận xét toàn bộ phần trang sức đính trên mũ là vàng thật, khoảng tám tuổi rưỡi.
Nghệ thuật chế tác kim hoàn cả các trang sức, theo ông Lộc, thuộc hàng đỉnh cao. "Chiếc mũ chỉ thiếu 1, 2 viên pha lê đính kèm trang sức và đạt tình trạng còn nguyên vẹn khoảng 99%", ông Lộc nói.
Nhiều thành viên hội đồng thẩm định và nhà quản lý của Trung tâm di tích Huế từ trước đó nhận được ý kiến của nhà nghiên cứu Trịnh Bách về một vài "vấn đề" của chiếc mũ. Theo ông Bách, "cái mũ này là một sự góp nhặt hơi lộn xộn" và là mũ phác đầu đại triều của quan văn nhất phẩm.
Hoa văn chạm trên các trang trí của mũ này rất lạ, không giống như của các mũ quan nhất phẩm thông thường. Các kim ba có vẻ như không do các nghệ nhân cổ chạm, với vòng hoa viền rất mới, không giống hoa sen thông thường.
Cái kim bác sơn và cái kim ngạch bên dưới là do các nghệ nhân khác nhau làm ra, với kiểu cách không tương đồng. Ông Bách cũng nêu khá nhiều điều "bất bình thường" của các trang sức trên mũ.
Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, chiếc mũ vừa được đưa về Huế có sự khác biệt trên lối trang trí họa tiết so với những chiếc mũ quan nhất phẩm dưới triều Nguyễn. Theo ông Sơn, các hoạt tiết trang sức trên chiếc mũ vừa về Huế có sự lai tạp "hơi Tây Tây".
"Phải chăng đây là mũ do triều đình nhà Nguyễn tặng cho quan chánh sứ của đoàn sứ bộ Pháp hay Tây Ban Nha khi sang Việt Nam yết kiến vua. Hoặc là ai đó có được cốt mũ nguyên vẹn và làm lại hoa văn mới trên mũ", ông Sơn tỏ vẻ hoài nghi.
Riêng nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc sau khi được trực tiếp tiếp cận với chiếc mũ lại có ý kiến khác với hai nhà nghiên cứu nói trên. Theo ông Lộc, với chu vi vòng mũ là 59cm và đường kính khoảng 20cm, tương ứng với khổ đầu của người Việt nên khả năng mũ quan người Việt là có cơ sở.
"Đây là cỡ đầu của người Việt xưa chứ không phải cỡ của người nước ngoài, đặc biệt là người phương Tây. Họa tiết trên mũ có điểm khác với những mũ thông thường là thừa thêm hai con giao long. Tuy nhiên điểm này không có gì đặc biệt bởi có thể đó là đặc ân của nhà vua ban cho chủ mũ", ông Lộc giải thích.
Chiếc áo Nhật Bình bị... cắt tay?
Riêng chiếc áo xưa, nhà nghiên cứu Trịnh Bách cho rằng đây là áo cư tang của công chúa bị cắt phần tay. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn lại cho rằng đây là áo mệnh phụ kiểu Nhật Bình, là lễ phục của vợ một vị quan hàng tam, tứ phẩm.
Nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Hoàng, người đang sở hữu bộ sưu tập áo vua và quan triều Nguyễn nổi tiếng ở Huế, nhận xét chiếc áo là đồ cổ thật, có niên đại khoảng đầu thế kỷ XX và tương đối có giá trị.
Ông Hoàng cho biết: "Ban đầu qua những bức ảnh chụp chiếc áo lan truyền trên mạng, người ta nhận định chiếc áo bị cắt đi phần tay nên không còn nguyên vẹn. Nhưng khi đưa về Việt Nam và được đưa ra giám định thì phần tay đó chỉ bị lận vào bên trong chứ không phải bị cắt".
Dù số tiền cuối cùng để đưa cả 2 cổ vật này về Việt Nam chưa được tiết lộ nhưng theo một số chuyên gia, tổng số tiền mà các bên liên quan phải trả cho 2 món đồ (bao gồm giá trúng đấu giá, thuế và phí) không dưới 35 tỉ đồng.