"Cơ trong nguy" của các ông lớn kinh doanh xăng dầu

Chia sẻ Facebook
06/11/2022 08:40:06

SSI Research cho rằng mặc dù những diễn biến bất ổn trên thị trường gần đây có thể gây áp lực lên lợi nhuận của PLX và OIL, nhưng đây cũng có thể là cơ hội để các công ty dẫn đầu thị trường nâng cao vị thế trong dài hạn.


Trong bối cảnh giá xăng giảm mạnh, các công ty lớn trong ngành cũng trải qua một quý kinh doanh không mấy khả quan. Đơn cử, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) vừa báo cáo chỉ số quý 3/2022 lỗ nặng.

Cụ thể, Công ty ghi nhận doanh thu thuần 25.962 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ năm trước. Song, giá bán lẻ xăng dầu trong quý 3 liên tục đi xuống khiến lãi gộp của công ty giảm sâu và kết quả PV OIL bị lỗ sau thuế 373,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước có lãi gần 57 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng, OIL đạt doanh thu thuần 79.617 tỷ đồng, gấp 2,1 lần và lãi sau thuế hơn 431 tỷ đồng.

Theo giải trình của Công ty, 6 tháng đầu năm 2022 giá thế giới liên tục tăng. Tuy nhiên từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 9, giá thế giới đảo chiều giảm liên tục do lo ngại suy thoái kinh tế, lạm phát...

OIL ghi nhận hàng tồn kho cuối quý 3/2022 là 3.603 tỷ đồng, giảm 35% so với cuối quý 2/2022 nhưng vẫn tăng 34% so với đầu năm. Trong đó, Tổng Công ty đã phải trích lập dự phòng 150 tỷ đồng giảm giá hàng tồn kho, tăng 133 tỷ đồng so với cuối quý trước.

OIL là doanh nghiệp xăng dầu thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và chỉ đứng sau Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) trong hệ thống phân phối. Tính đến hết quý 3/2022, tổng số cửa hàng xăng dầu của OIL nâng lên 648 cửa hàng trong toàn hệ thống và hơn 3.000 cửa hàng đại lý.


Tương tự, Petrolimex (PLX) cũng chịu lỗ mảng xăng dầu trong quý, dù chỉ số chung tăng mạnh nhờ hoạt động khác. Cụ thể, trong quý 3/2022, PLX ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 73.700 tỷ đồng tăng 113% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ chi phí, PLX thu về lãi ròng 99 tỷ - tăng 30% so với quý 3/2021.

Theo PLX, thực chất lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh xăng dầu quý 3/2022 phát sinh lỗ, trong khi cùng kỳ có lãi nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu thế giới diễn biến bất thường theo xu hướng giảm. Kèm theo chi phí khâu tạo nguồn, khâu lưu thông thực tế tăng cao hơn chi phí định mức theo quy định được tính trong giá cơ sở.

Ngược lại, lợi nhuận từ hoạt động lĩnh vực khác quý 3/2022 tăng so với cùng kỳ nhờ một số công ty con kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, nhiên liệu bay,… đã trở lại hoạt động ổn định hậu Covid.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của PLX đạt 225.700 tỷ đồng - tăng 88% so với cùng kỳ; trong khi lãi ròng giảm mạnh 86% xuống còn 312 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối tháng 9, hàng tồn kho của PLX đạt 14.692 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm; trong đó PLX trích lập khoản dự phòng tới 432 tỷ đồng, con số này là 224 tỷ đồng thời điểm đầu năm.


Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ (TLP) dù đạt doanh thu 7.631 tỷ đồng, gấp 4,5 lần song giá vốn tăng cao hơn nên lỗ gộp gần 25 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ quý 3/2021 có lãi gộp gần 49 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, TLP lỗ sau thuế gần 169 tỷ đồng trong quý 3/2022, lũy kế 9 tháng lỗ 70 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 51 tỷ đồng.

Thalexim cho biết, quý 3/2021, giá thế giới đảo chiều giảm liên tục, Nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong quý 3 dẫn đến kết quả kinh doanh lỗ. Trong khi đó nguồn hàng khan hiếm, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về cảng tăng cao, đồng thời các chi phí lãi vay, tỷ giá ngoại tệ cũng ngày càng tăng cao.


Cơ trong nguy

Theo kết quả sơ bộ của Tổng cục Hải quan, lượng nhập khẩu xăng và dầu diesel trong quý 3 năm 2022 giảm lần lượt 40% và 35% so với quý trước, với chỉ 19 trong tổng số 33 đầu mối nhập khẩu xăng dầu trong quý này. Điều này có thể do tín dụng bị thắt chặt, giá dầu thế giới biến động mạnh, phụ phí nhập khẩu tăng và chi phí vận hành tăng đáng kể trong bối cảnh áp lực lạm phát.

Những yếu tố này ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận và sức khỏe tài chính của các đầu mối, khiến họ phải giảm hàng tồn kho và giảm giá chiết khấu cho các cửa hàng bán lẻ, dẫn đến việc một số cửa hàng xăng dầu tư nhân ở một số tỉnh phía Nam phải tạm đóng cửa. (Lượng xăng dầu nhập khẩu thường chiếm khoảng 20-30% nhu cầu trong nước).

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã tăng mức phí premium trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu lên 350 đồng/lít đối với xăng và 40 đồng/lít đối với dầu diesel. Chi phí vận chuyển tiêu chuẩn từ các nhà máy lọc dầu trong cơ cấu giá cũng được điều chỉnh tăng 40-70 đồng trong kỳ điều chỉnh giá gần đây, nhằm điều chỉnh giá bán lẻ theo hướng tương quan chặt chẽ hơn với giá thị trường và chi phí kinh doanh thực tế.

Theo Bộ Công Thương, lượng tồn kho tại một số nhà cung cấp chính như PLX, OIL, TLP vẫn được duy trì ở mức an toàn để đáp ứng nhu cầu trong nước. Trong thời gian tới, việc tăng phí premium và chi phí vận chuyển trong việc cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu có thể giúp lợi nhuận của các nhà phân phối xăng dầu như PLX và OIL trong quý 4 tăng so với quý 3.

Ngoài ra, sự phục hồi gần đây của giá dầu thế giới cũng có thể giúp cho các công ty này về hưởng lợi về hàng tồn kho.

Chia sẻ Facebook