Có tiền tỷ lúc này nên mua đất hay gửi tiết kiệm?
Các kênh đầu tư truyền thống trải qua thời kỳ “sóng gió”, nhiều nhà đầu tư hoang mang trước chứng khoán liên tục "thủng mốc", trái phiếu doanh nghiệp đang bị mất niềm tin. Trong khi đó, kênh bất động sản và gửi tiết kiệm ngân hàng là kênh đầu tư đang được nhiều người cân nhắc.
Là nhà đầu tư nhiều năm trên thị trường chứng khoán, anh Phạm Tuấn (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, từ đầu năm tới nay, tài khoản bị "thổi bay" tương đương trị giá một căn chung cư hạng sang ở Hà Nội. Chưa kể, anh Tuấn đang mắc kẹt trái phiếu của một số doanh nghiệp khi có nhu cầu tất toán nhưng đơn vị môi giới tạm dừng mua lại.
Thay vì chọn kênh đầu tư có lợi nhuận cao đi kèm rủi ro, anh Nguyễn Vũ (Long Biên, Hà Nội) chọn cách bảo toàn vốn. Câu chuyện "không bỏ trứng vào một giỏ" được anh áp dụng nhiều năm nay. Trong khi người quen khóc ròng trên thị trường chứng khoán hay bất động sản thì anh nhất quyết phương án mua ngoại tệ, cùng lắm gửi tiết kiệm ngân hàng.
“Tôi chia nhỏ ra kênh đầu tư. Không có nhiều vốn nên không thể chạy theo đám đông; đặc biệt hạn chế vay tiền ngân hàng để đầu tư. Tuy lợi nhuận thấp nhưng tôi sẽ được ngủ ngon, tập trung trí lực cho công việc chính trong bối cảnh thị trường nhiều biến động. Cùng lắm, tôi mua ngoại tệ hoặc vàng làm nơi trú ẩn”, anh Vũ nói.
Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá, hiện nay thị trường chứng khoán sụt giảm nghiêm trọng, tính thanh khoản thấp. Thị trường bất động sản gần như đóng băng. Gửi tiết kiệm ngân hàng có độ an toàn tương đối lớn. Tuy nhiên, thời gian qua có một số vụ việc khiến niềm tin của người gửi tiền bị lung lay. Một số ngân hàng hoạt động ngoài ngành như môi giới cung cấp sản phẩm khác ảnh hưởng tới uy tín. Trái phiếu doanh nghiệp như quả bom nổ chậm. Trong khi đó, Nghị định 65/2022 mới ban hành chưa có nhiều tác động. Việc đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp trước khi phát hành trái phiếu chưa thực hiện tốt.
“Thị trường tài chính tiền tệ hiện rất khó khăn, tiềm ẩn một số bất ổn. Nhiều người có tiền nhàn rỗi nhưng băn khoăn chưa biết lựa chọn kênh đầu tư nào. Trong bối cảnh hiện nay, lời khuyên tốt nhất cho nhà đầu tư trước khi quyết định đầu tư kênh nào là hiểu rõ bản chất hoạt động của kênh đó. Nhà đầu tư không nên đầu tư theo phong trào, theo số đông”, chuyên gia Ngô Trí Long khuyến cáo.
Ông Long dẫn ví dụ, khi nhà đầu tư vào chứng khoán dù thị trường giảm nhưng vẫn có những mã cổ phiếu của doanh nghiệp làm ăn tốt. Vì vậy, mỗi nhà đầu tư cần rèn luyện cho mình trở thành nhà đầu tư thông minh bằng cách học hỏi, thuê chuyên gia tư vấn của lĩnh vực.
“Việc đầu tư tài chính hiện nay càng phải thận trọng hơn bao giờ hết. Nhà đầu tư chưa am hiểu chứng khoán, còn trái phiếu doanh nghiệp chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, bất động sản đóng băng; nếu lựa chọn an toàn, nhà đầu tư có thể chọn gửi tiết kiệm ngân hàng", ông Long nói.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, nền kinh tế khó khăn, đầu tư bất động sản xuất hiện nhiều rủi ro. Nhà đầu tư bất động sản nên thận trọng. Việc kiếm lợi nhuận cao đột xuất từ kênh đầu tư bất động sản gần như không còn. Trong khi đó, kênh gửi tiết kiệm với lợi nhuận vừa phải nhưng độ an toàn cao.
Nhiều chuyên gia kinh tế khác cho rằng, nếu có vài tỷ đồng tiền mặt, trước mắt, người dân nên tìm hiểu ngân hàng uy tín và gửi gắm. Bảo toàn đồng vốn, làm "vua tiền mặt" chờ thời cơ đầu tư các kênh có lợi nhuận trong dài hạn.
Theo Quỳnh Nga