Có thể nâng mũi bằng sụn tai của người khác hay không?
Vừa qua, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện hình ảnh một cô gái được cho là đi nâng mũi bằng sụn tai của bạn trai, điều này bỗng thu hút sự quan tâm của dư luận, đồng thời nhiều người cũng bày tỏ sự nghi ngờ về tính xác thực của bức hình. Tuy nhiên, theo chuyên gia, điều này là không mấy khả thi.
Bức ảnh tưởng 'không có gì' lại gây tranh cãi trên mạng xã hội. Ảnh: MXH Facebook
Mới đây, trên mạng xã hội facebook xuất hiện hình ảnh được cho là của một cặp đôi kèm dòng chú thích “Nếu anh ấy thực sự yêu bạn, anh ấy sẽ sẵn sàng cho bạn tất cả” nhận được nhiều sự quan tâm và bình luận của cộng đồng mạng. Thoạt nhìn, bức ảnh không có gì đặc biệt, trong bức ảnh là hình ảnh của cô gái giống như vừa được nâng mũi, bên cạnh là một chàng trai với vành tai được băng lại.
Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng tinh ý cho rằng chàng trai trong bức hình đã cho sụn tai để bạn gái nâng mũi. Vì thế, câu chuyện tưởng chả có gì bỗng trở nên “hot”, nhận được hàng nghìn lượt like, bình luận cũng như chia sẻ. Nhiều cô gái tỏ ra khá bất ngờ khi có thể lấy sụn tai của người khác để nâng mũi cho mình và bông đùa xin bạn trai của mình sụn tai để nâng mũi.
Tuy nhiên, TS.BS Tống Hải, Chủ nhiệm khoa Vi phẫu và Tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia (Hà Nội), BS chính tại Thẩm mỹ Như Hoa lại cho rằng, có thể lấy sụn tai tự thân để nâng mũi tuy nhiên ông chưa từng gặp trường hợp nào nâng mũi bằng sụn tai của người khác.
Đã từng phẫu thuật nâng mũi cho hàng ngàn khách hàng, theo BS Hải, về lý thuyết có thể lấy sụn tai người khác để nâng mũi nhưng thực tế không bác sĩ nào chọn làm vì quy trình xử lý phức tạp, cộng thêm hiện nay có nhiều phương pháp khác thay thế.
“Việc hiến và ghép mô, bộ phận cơ thể của người này cho người kia (ghép đồng loại) đã được pháp luật và Bộ Y tế cho phép ở một số lĩnh vực như ghép thận, ghép gan, ghép tim phổi… Tuy nhiên để ghép được cần có sự tương đồng về nhóm máu, HLA, tiền mẫn cảm...”, BS Hải phân tích.
Với ghép da đồng loại, da chỉ sống tạm một thời gian sẽ đào thải bong da (trừ trường hợp sinh đôi cùng trứng cho nhau). Để ghép xương, sụn sườn, trung bì da đồng loại thì xương và sụn sườn, trung bì da đều được xử trí loại bỏ đi hết các yếu tố kháng nguyên bề mặt, sụn sườn sau xử trí phải bảo quản trong dung dịch giữ tươi thì khi đó mới có thể sử dụng được. Và điều kiện tiên quyết là phải được cơ quan quản lý cho phép.
Trước đây, lấy sụn tai tự thân để nâng mũi là khá phổ biến. Ưu điểm là sụn tai tự thân có nhiều đặc điểm tương đồng sụn vùng mũi như mềm, đủ độ dày, có thể bọc đầu mũi, dựng trụ mũi, ghép cánh mũi, dễ lấy. Nhược điểm, khi dựng trụ sẽ không cứng như sụn sườn, bọc đầu mũi có thể tiêu, hoặc gây co đầu mũi sau thời gian muộn. Việc lấy sụn ở tai gây khuyết sụn ở tai, lấy nhiều có thể gây biến dạng tai không hồi phục.
Theo BS Hải, hiện nay có nhiều phương pháp nâng mũi. Về kỹ thuật có thể nâng mũi thường, nâng mũi bán cấu trúc, nâng mũi cấu trúc. Tương ứng cũng nhiều vật liệu sử dụng như nâng mũi bằng vật liệu nhân tạo hoàn toàn như sụn silicon, sụn Fureform. Có thể nâng mũi bằng sụn tự thân hoàn toàn, sụn sườn, sụn sườn kết hợp sụn tai và cân thái dưới, trung bì. Ngoài ra, có thể nâng mũi sụn nhân tạo kết hợp sụn tự thân (sụn tai, sụn sườn…).
“Hiện nay, phổ biến nhất là nâng mũi thường kết hợp sụn nhân tạo và cân của cơ thể hoặc cân trung bì. Lý do là phẫu thuật nhanh, kỹ thuật đơn giản, ít biến chứng, nhưng có thể không đáp ứng được hết những yêu cầu về dáng mũi của khách hàng”, BS Hải phân tích.
Vì thế, để lựa chọn vật liệu phù hợp nhất với dáng mũi của mình, BS Hải khuyến cáo khách hàng cần tìm đến các sơ uy tín, đã được cấp phép, đảm bảo tiêu chuẩn y tế, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ, có kinh nghiệm, vật liệu sử dụng được cho phép của Bộ Y tế.