Cơ thể khiếm khuyết, thầy giáo tạo nên điều phi thường khi dạy học

Chia sẻ Facebook
12/12/2022 13:09:24

Dù thiếu cánh tay phải từ khi còn nhỏ nhưng thầy vẫn quyết tâm vượt khó, làm nên điều phi thường. Trong suốt thời gian đi dạy, thầy đã dùng tay trái và vai để kẻ bảng.

Công việc dạy học đặc thù hơn cả khi nó không chỉ truyền đạt kiến thức cho học trò mà còn gánh vác trách nhiệm dạy các con nên người. Vì vậy, với thầy, cô, cái tâm khi đi dạy học là điều không thể thiếu.

Người thầy kẻ bảng bằng tay trái và vai. (Ảnh: Vietnamnet)


Người thầy 13 năm kẻ bảng bằng tay trái và vai


Vietnamnet đã đưa tin về câu chuyện của thầy Thế Tùng, dù không còn tay phải từ khi lên 5 nhưng vẫn nỗ lực trở thành sinh viên sư phạm rồi về những tỉnh vùng cao để công tác. Thầy kể: “Buổi đầu tôi lên lớp, học sinh nhìn tôi cười hiếu kỳ khi thấy ông thầy giáo có một tay. Nhưng khi thấy tôi đặt bút viết bằng tay trái, các em vỗ tay rất to. Là giáo viên trẻ, mới, lại không được toàn vẹn về thân thể, tràng vỗ tay của các em khiến tôi cảm động vô cùng”.

Thầy luôn nỗ lực hoàn thành tốt công việc. (Ảnh: Vietnamnet)


Việc thầy có thể sử dụng tay trái thành thạo lại dùng vai giữ thước kẻ hình khi dạy Toán, Lý, khiến học sinh trầm trồ. Sau mỗi giờ dạy, bờ vai của thầy phủ phấn trắng xóa. Khó khăn là thế nhưng thầy chưa bao giờ ngừng cố gắng, nỗ lực, điều này cũng đã truyền cảm hứng tới học trò. Thầy Tùng chia sẻ: “ Chứng kiến cách tôi kiên trì vẽ một cách thuần thục các đường kẻ, góc..., các em đã nhận ra rằng khi có quyết tâm, con người ta có thể làm được nhiều điều phi thường, ngoài sức tưởng tượng”.

Thầy luôn cố gắng đưa đến cho học trò những kiến thức mới. (Ảnh: Vietnamnet)

Sau 2 năm công tác tại vùng biên giới đặc biệt khó khăn của Lạng Sơn, thầy được điều chuyển về Trường PTDT bán trú THCS xã Lâm Ca. Tại đây, thầy từng có kỷ niệm đặc biệt khi dạy Vật Lý quy tắc bàn tay phải, bàn tay trái. Bởi, khi dạy quy tắc bàn tay phải, thầy vô thức giơ bàn tay trái lên để minh họa. Khi nhận thức được điều này, thầy đã nhờ một em học sinh đưa tay phải của em lên làm mẫu cho cả lớp. Thầy cho rằng việc dạy dỗ các em cũng như xây một ngôi nhà, cần phải tỉ mỉ, kiên trì và chăm chút từ những viên gạch đầu tiên.

Sau mỗi buổi dạy, vai thầy đều bám đầy phấn trắng. (Ảnh: Vietnamnet)

Không chỉ truyền đạt kiến thức, thầy còn dạy các em về bài học cuộc sống, nghị lực vượt qua mọi khó khăn. Trong năm học 2019-2020, học sinh do thầy dạy thi vào lớp 10 đã đạt thành tích xuất sắc khi có 2 em thủ khoa huyện và điểm trung bình Toán của các em đứng đầu huyện. Trong khi đó, bản thân thầy cũng đạt thành tích tốt khi tại hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh đã đạt danh hiệu thí sinh tiêu biểu xuất sắc nhất.

Không chỉ qua lời nói mà chính bản thân thầy là minh chứng cho việc chỉ cần chịu khó, kiên trì, nỗ lực bản thân sẽ làm nên được điều phi thường. Đây là bài học quý giá mà mỗi em học sinh cần học và thấu hiểu để vươn lên trong cuộc sống.

Thầy là tấm gương truyền nghị lực cho các em. (Ảnh: Vietnamnet)


Người thầy viết chữ bằng miệng và lớp học đặc biệt

Trước đây, dân tình từng xôn xao trước câu chuyện của người thầy đặc biệt Phùng Văn Trường (sinh năm 1979) khi bị teo cả chân và tay. Vì bệnh từ lúc nhỏ nên người đàn ông này phải ngồi xe lăn cả đời và đôi tay không có cả sức để cầm bút. Việc không thể cầm bút ghi chép khiến anh nhiều lúc tự ái, bất lực. Cuối cùng, anh Trường đã chọn phương pháp viết chữ bằng miệng. Sau một vài tháng luyện tập, anh đã có thể tự làm chủ cây bút của mình.

Lớp học của người thầy đặc biệt.

Anh Trường viết chữ bằng miệng.


Cũng từ đó, vì thương đám trẻ nhỏ trong thôn, anh Trường mở lớp dạy học. Cứ mỗi khi tan trường, các em lại chạy ào tới nhà thầy rồi tự giác lấy sách vở ra học bài. Lớp học của anh có khoảng 20 em đa dạng học từ lớp 1 đến lớp 5. Dạy em này xong, anh Trường lại cặm cụi quay sang hỗ trợ em khác. Anh chia sẻ với chúng tôi: “Bọn trẻ thấy tôi viết chữ đẹp bằng miệng thì thích lắm. Mình mà viết xấu thì không hướng dẫn chúng được. Có khi bọn trẻ lại bảo, bác còn chẳng viết được mà lại bắt cháu viết đẹp”.

Gửi con tới cho anh Trường, phụ huynh không chỉ mong dạy con học chữ mà còn hi vọng bọn trẻ có thể noi gương người thầy đầy nghị lực này. Từ anh, các em nhỏ sẽ biết được việc cố gắng, nỗ lực có thể tạo ra kỳ tích.

Những tác phẩm của anh Trường.

Những người thầy đặc biệt đã tạo ra kỳ tích khiến người khác phải ngưỡng mộ. Còn bạn có suy nghĩ, cảm nhận gì về những tấm gương vượt khó này hãy chia sẻ ngay nhé.


Cùng cập nhật nhiều thông tin hấp dẫn tại YAN.

Không phải ai sinh ra cũng may mắn có được cơ thể lành lặn như bao người khác. Việc khiếm khuyết đi điều gì đó sẽ khiến con đường họ đi khó khăn hơn người thường rất nhiều lần. Tuy nhiên, những tấm gương đó chưa bao giờ ngừng cố gắng hay chìm trong sự trách móc. Chính sự cố gắng vượt khó, nghị lực của họ đã làm nên điều phi thường. Để bây giờ nhìn vào, ai cũng phải thừa nhận và ngưỡng mộ những tấm gương đó.


Cùng cập nhật thêm nhiều thông tin hấp dẫn tại đây.

Chia sẻ Facebook