Có thật là chúng ta cần thêm hoa hậu?
Dù vậy, tôi luôn băn khoăn với một câu hỏi rằng tại sao chúng ta liệu có thật cần thêm hoa hậu trong thời hiện đại? Trong bối cảnh những cuộc thi hoa hậu bùng nổ chóng mặt, với hơn 20 cuộc thi được tổ chức chỉ trong năm 2022, thì liệu những hoa hậu, Á hậu bước ra từ những cuộc thi đó, sẽ thực sự mang đến những gì cho cuộc sống của chúng ta?
Xin đừng nghĩ rằng bài viết này sinh ra là bởi người viết bài xích hình tượng hoa hậu. Tôi không phải một người quá quan tâm đến hoa hậu, nhưng tôi ghi nhận những nỗ lực của các hoa hậu trong việc lan tỏa một hình ảnh tích cực tới cộng đồng. Họ cũng cố gắng rất nhiều để thoát khỏi cái mác "người đẹp", bằng sự nghiệp riêng hay bằng những hoạt động xã hội. Và tôi tin rằng, hoa hậu vẫn có chỗ đứng đáng được tôn trọng, chừng nào mọi người còn yêu thích hoa hậu.
Sự mâu thuẫn về những giá trị ngoại hình thời hiện đại
Hoa hậu, có thể hiểu đơn giản, là cuộc tranh tài nhan sắc (và cả nội tâm, như một gia vị thêm vào). Đó là cuộc so tài giữa hàng chục cô gái mà kết quả được định đoạt bởi một nhóm người ngồi phân tích và đánh giá tỉ mẩn nhằm tìm xem ai là người hoàn hảo nhất: Đôi chân dài nhất, tỷ lệ cơ thể đẹp nhất, gương mặt đẹp nhất. Cái ý tưởng về việc chấm điểm trên mọi phương diện để rồi tìm ra người được cho là có thể đại diện cho tất cả phụ nữ ngoài kia liệu có công bằng với chính người phụ nữ? Liệu đó có phải là một sự phủ nhận đối với những cô gái không có chiều cao tiêu chuẩn, không có số đo 3 vòng hoàn mỹ, không có một gương mặt ưa nhìn với một bộ phận BGK cuộc thi? Vậy chúng ta có thể ngầm hiểu: Những người phụ nữ không sở hữu những tiêu chuẩn trên thì điều đó đồng nghĩa rằng họ không đủ đẹp và đủ hoàn mỹ để trở thành hoa hậu. Xin hãy nhớ rằng, những người phụ nữ này mới thực sự chiếm số đông áp đảo trong xã hội.
Vậy có mâu thuẫn quá không khi những cuộc thi hoa hậu nói rằng mình đi tìm đại diện cho vẻ đẹp người phụ nữ nói chung, trong khi thực chất lại chỉ là sân chơi cho phần trăm ít ỏi những cô gái sở hữu đủ cả chân dài và mặt đẹp nói riêng? Theo báo cáo của cuộc tổng điều tra dinh dưỡng 2019 - 2020, chiều cao trung bình của phụ nữ Việt Nam là 1m56,2. Từ con số này, chúng ta có thể hiểu rằng đa số phụ nữ Việt Nam không cao hơn 1m60 và có thể coi rằng hình ảnh chung của phụ nữ Việt Nam là nhỏ bé. Thế nhưng, bạn đã thực sự thấy một hoa hậu Việt nào có chiều cao dưới 1m60?
Ngoại hình không chỉ là chiều cao, ngoại hình còn là gương mặt, là các số đo. Vậy nên lẽ dĩ nhiên, những cuộc thi hoa hậu sẽ tìm kiếm những người có vẻ ngoài được cho là đẹp nhất với số đông. Lâu nay, đẹp vốn là một khái niệm mơ hồ. Mỗi thời kỳ lại có một đại diện cho vẻ đẹp được yêu thích, và gout về cái đẹp của mỗi người lại vô cùng khác nhau. Không có một tiêu chuẩn nhất định cho cái đẹp, rằng phải tick đủ những ô trống tiêu chuẩn này thì người đó mới là đẹp. Vậy nên, gần như mùa hoa hậu năm nào chúng ta cũng được chiêu đãi bằng những cuộc tranh cãi về sắc đẹp hoa hậu.
Cái đêm mà Kỳ Duyên đăng quang hoa hậu Việt Nam 2014 lẽ ra là cái đêm mà - như mọi lời giới thiệu về cuộc thi hoa hậu - được sinh ra để tôn vinh vẻ đẹp đại diện cho người phụ nữ Việt. Thế nhưng, câu chuyện diễn ra không hoàn toàn như vậy. Kỳ Duyên, khi đó mới 18 tuổi, gần như ngay lập tức, cô đối mặt với một cơn bão phản đối mạnh mẽ từ dư luận vì không đủ… đẹp. Mọi chi tiết trên gương mặt được mổ xẻ, những tấm hình từ ngày xưa được đào xới, tất cả chỉ để chứng minh rằng Kỳ Duyên không xứng đáng với ngôi vị hoa hậu, và càng không xứng đáng với việc đại diện cho vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam.
Quay ngược lại mốc thời gian cách đây 12 năm, khi Ngọc Hân đăng quang Hoa hậu Việt Nam, cô cũng đã đối diện với rất nhiều những tranh cãi vì nước da ngăm đen, ngoại hình khá lớn, hàm răng có phần khấp khểnh. Cho đến tận bây giờ, vẫn có những netizen thẳng thừng gọi cô là Hoa hậu xấu nhất trong lịch sử vì vẻ ngoài không tiệm cận với những tiêu chuẩn sắc đẹp chung.
Điều đó dẫn đến một sự mâu thuẫn của chính những cuộc thi hoa hậu và những giá trị chúng theo đuổi. Nếu thi hoa hậu để tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ, vậy tại sao những người phụ nữ được tôn vinh lại bị vùi dập về chính ngoại hình nguyên bản của mình? Chúng ta hiểu rằng vào thời điểm Kỳ Duyên hay Ngọc Hân đăng quang, cư dân mạng có những góc nhìn độc hại hơn hiện tại rất nhiều, và khái niệm về tôn trọng vẻ đẹp ngoại hình vẫn còn là điều gì đó xa lạ. Tuy nhiên, trong phần comment về ngoại hình của những cuộc thi sắc đẹp hiện tại, chúng ta vẫn có thể dễ dàng tìm thấy những ý kiến tiêu cực, chê bai và miệt thị ngoại hình của bất cứ thí sinh nào. Điều đó có nghĩa là, body shaming vẫn tồn tại, và sẽ luôn tồn tại chừng nào chúng ta còn coi ngoại hình là một trong những yếu tố đánh giá trong một bảng điểm chung.
Dễ hiểu là chúng ta đều yêu cái đẹp và có những tiêu chuẩn của riêng mình về việc thế nào là đẹp, thế nào là xinh. Nhưng việc tạo ra những cuộc thi sắc đẹp để phụ nữ so tài với nhau và để người khác bình luận, chấm điểm về họ - chẳng phải cũng sẽ tạo ra những thước đo độc hại về ngoại hình phụ nữ đó sao? Trong xã hội hiện đại, chúng ta đề cao tình yêu thương với bản thân và trân trọng vẻ đẹp của mọi người phụ nữ. Chúng ta muốn đề cao giá trị tinh thần và kiến thức thay vì một vẻ đẹp bên ngoài, chúng ta muốn nói không với body-shaming và những tiêu chuẩn siêu thực về ngoại hình, chúng ta muốn tôn vinh sự đa dạng của mỗi cá thể, chúng ta muốn ôm ấp những khiếm khuyết và cả những sai lầm, chúng ta yêu sự không hoàn hảo và nói không với việc đặt phụ nữ lên bàn cân so sánh. Và rồi, những cuộc thi hoa hậu ra đời để quảng bá về những vẻ đẹp được đóng khung và chiều lòng công chúng.
Những tiêu chuẩn siêu thực về ngoại hình trong thời hiện đại đang là thứ mà người ta nỗ lực xóa nhòa, bởi đơn giản, chúng độc hại không chỉ với chúng ta mà còn cả cho thế hệ sau. Không phải ai trong chúng ta cũng được sinh ra với cặp chân dài miên man, chiều cao lý tưởng, không phải ai cũng có một gương mặt với ngũ quan sắc nét hay nước da trắng bóc, nâu óng thời thượng. Nhưng chúng ta phải tự thuyết phục bản thân yêu chính vẻ ngoài của mình như thế nào, nếu vẫn có những cuộc thi tôn vinh và cho rằng chỉ khi bạn như thế này bạn mới được công nhận là đẹp? Và với những hình mẫu hoa hậu được lan tỏa như tiêu chuẩn bất biến về cái đẹp, thì chúng ta phải thuyết phục với con của mình thế nào để chúng tin rằng mình có thể tỏa sáng dù con thấp, mắt con một mí, răng con không đều, gương mặt con tròn, nước da con đen? Hãy nghĩ về điều đó.
Đẹp và gì nữa?
Có một câu nói đùa thế này: Tài năng và trí thông minh của hoa hậu Việt đi thi quốc tế dựa trên việc họ có thể nói được một câu tiếng Anh lưu loát hay không?
Dĩ nhiên câu đùa này có nhiều phần nói quá. Nhưng nó cũng thể hiện sự kỳ vọng của công chúng vào tài năng hay kiến thức của hoa hậu… chỉ cần đến thế thôi. Nếu theo dõi những phần thi ứng xử của các thí sinh hoa hậu, bạn có thể dễ dàng thấy đáp lại những câu hỏi "có vẻ" hóc búa về tình hình chiến sự trên thế giới, bình đẳng giới, môi trường - khí hậu, bạo hành phụ nữ - gia đình, sức khỏe tinh thần… là những câu trả lời cực kỳ chung chung và văn mẫu của hoa hậu. Kiểu như: "Em sẽ cất lên tiếng nói của mình…", "Em cực kỳ phản đối…", "Cùng nhau chúng ta hãy…", nhưng hoàn toàn không nói rằng sẽ cất lên tiếng nói ra sao, cực kỳ phản đối như thế nào, hay cùng nhau ta sẽ làm gì. Chắc bởi thời lượng cho mỗi câu ứng xử đâu đó chỉ gần… 1 phút. Có lẽ cũng vì thế mà có hẳn một khái niệm "trả lời kiểu hoa hậu" để nói về những câu trả lời nước đôi, chung chung, hình thức và kiểu mẫu. Thậm chí, "Tôi đau đớn, tôi gục ngã…" - câu trả lời của Nam Anh trong MUV vừa rồi còn trở thành một dạng meme của cư dân mạng…
Nếu để nói những câu trả lời này đúng, thì chắc chắn là chúng đúng. Cái gì mà vươn tới sự tích cực, lòng nhân ái, tình yêu thương, quan tâm đến môi trường thì mặc định là đúng rồi. Nhưng để nói là những câu trả lời hay hoặc đủ thuyết phục rằng những ứng cử viên hoa hậu thật sự quan tâm và đào sâu tìm hiểu, thì chắc chắn là không. Ấy thế nên, trong suốt nhiều năm hoa hậu Việt mang chuông đi đánh xứ người, thứ khiến người ta vỗ đùi đen đét tâm đắc hay cãi nhau chí chóe trong màn thi Ứng xử không phải là nội dung, mà là cách… phát âm của hoa hậu. Hãy nhớ đến phần trả lời song ngữ hết sức gồng và ấp úng của Hương Ly và Nam Anh đêm chung kết MUV vừa rồi. Phần trả lời thể hiện nỗ lực phi thường để nói 1 câu tiếng Anh trơn tru nhưng lại chỉ cho thấy một sự học vẹt nhằm lấy thêm điểm cộng về khả năng trình bày bằng ngoại ngữ. Trong khi ngay chính câu trả lời tiếng Việt của cả hai cũng chẳng thể hiện được sự sâu sắc hơn.
Chúng ta hiểu rằng, để những cuộc thi của mình trở nên có vẻ ý nghĩa và bớt đi sự hình thức, các nhà tổ chức hoa hậu dĩ nhiên nghĩ ngay ra việc phải nêm nếm vào đó thêm những gia vị như Tài năng, Ứng xử, những triết lý nhân sinh và quyền phụ nữ, kèm theo đó là hàng loạt những hoạt động xã hội.
Vậy điều này có sai không? Thật ra tôi nghĩ là… không. Ở vào lứa tuổi 18, 20, hoặc thậm chí là cả 25 đi, cũng chẳng có gì sai nếu chúng ta không biết hết tất cả mọi thứ hay không có một hoài bão thay đổi thế giới. Nhưng bởi các cô gái bước vào cuộc thi hoa hậu, họ phải chấp nhận một sự đánh giá khắc nghiệt hơn rất nhiều bởi công chúng có một mối quan hệ yêu - ghét cực kỳ phức tạp với những người đẹp. Họ tán thưởng cái đẹp, nhưng đồng thời không coi trọng nó nếu không đi cùng bộ óc. Vậy nên những thí sinh sắc đẹp lại càng phải gồng để thể hiện đời sống tinh thần của mình cũng sâu sắc ra phết đấy. Dù đôi khi, điều đó đến cùng những tai nạn kiểu như… Doraemon đến từ Disney.
Có thật là chúng ta cần thêm hoa hậu
Hãy lục lại trí nhớ của bạn để xem có bao nhiêu hoa hậu/ á hậu thực sự có dấu ấn trong lĩnh vực hoạt động xã hội và có quan điểm rõ ràng về những vấn đề mình theo đuổi?
Thi hoa hậu - nói một cách thẳng thắn, là một bệ phóng hoàn hảo để thay đổi cuộc đời của bất cứ cô gái nào, chỉ sau một đêm. Phút trước, bạn có thể chẳng được nhớ tên. Nhưng phút sau, bạn có thể trở thành ngôi sao hạng A với những hợp đồng quảng cáo lên đến cả tỷ đồng và thậm chí được gọi là niềm cảm hứng mới của giới trẻ. Hãy nhìn Thùy Tiên khi đăng quang Miss Grand, và Hương Giang vào thời điểm mới đăng quang Miss Chuyển giới. Cuộc đời của họ đã lật sang một chương mới khi tên của họ được cất lên ở ngôi vị số 1.
Nhưng, trở thành người nổi tiếng rồi sao nữa? Với tất cả những ngôn từ cao đẹp dùng để tung hô ý nghĩa của một cuộc thi hoa hậu, thì các hoa hậu đã thực sự đại diện hay cất lên một tiếng nói của riêng mình để thực sự hành động vì các vấn đề xã hội? Hay chỉ đơn giản là trở thành gương mặt cho những thương hiệu quảng cáo, những chiến dịch thiện nguyện do các tổ chức bên ngoài vận hành? Nói cách khác, sau những cam kết về sự cho đi và cống hiến, cái lời hứa vào giây phút đăng quang - có bao nhiêu người đã thực sự làm được?
Ngọc Hân mở cửa hàng bán áo dài và bây giờ trở thành doanh nhân, Kỳ Duyên làm vlog và mentor các cuộc thi về sắc đẹp, Tiểu Vy… đi chụp hình thời trang, Bùi Phương Nga quay Tiktok, Dương Tú Anh lấy chồng đại gia,... Sau khi tích cực đi làm từ thiện trong nhiệm kỳ, đa số các hoa hậu tận dụng lợi thế trong việc đã trở thành người của công chúng để tiếp tục khai thác tối đa hình ảnh của mình, đồng thời sống một cuộc đời sạch sẽ tinh tươm để giữ gìn phẩm giá cho chiếc vương miện.
Mà đấy là chúng ta mới chỉ nói qua về những hoa hậu đi ra từ các cuộc thi có tiếng tăm. Còn chưa kể đến không biết bao nhiêu cuộc thi sắc đẹp từ nhỏ đến trung bình được tổ chức nhan nhản (và có khả năng sẽ tăng vọt trong thời gian tới). Một vài cái tên được xướng lên với dòng thông báo rằng đã đăng quang, và thế là xong, chẳng ai quan tâm rồi cô ấy sẽ làm gì tiếp theo cho cộng đồng nữa. (Nhưng sự kiện giải trí thì sẽ đi rất đều). Điều này rõ ràng khiến hình ảnh của các cuộc thi sắc đẹp trở thành một cuộc tuyển chọn người nổi tiếng hơn là nơi để tôn vinh những giá trị phụ nữ và hướng đến cộng đồng.
Các nhà tổ chức, dù nỗ lực đến đâu trong việc tạo ra những hoạt động xã hội để hoa hậu thực hiện, thì cũng không thể phủ nhận rằng, những cuộc thi sắc đẹp đơn thuần sinh ra là để tìm kiếm người nổi tiếng, tạo ra một ngôi sao có sắc đẹp có hình mẫu trong sạch để công chúng yêu mến. Sắc đẹp là cả một ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận dồi dào từ những nhà tài trợ. Đứng trên góc độ kinh doanh, vận hành một chương trình hoa hậu luôn là một khoản đầu tư có lãi.
Nhưng, có thật rằng chúng ta cần hoa hậu để đại diện cho vẻ đẹp của mình hay không, khi ta hiểu rằng hình mẫu tồn tại cũng đồng nghĩa rằng body-shaming sẽ tồn tại. Có thật rằng chúng ta cần hoa hậu để showbiz có thêm một người nổi tiếng nữa cho ta bàn tán và theo dõi? Có thật rằng ta cần hoa hậu, ta phải có hoa hậu để những hoạt động xã hội được tiếp tục vận hành và những chiến dịch vì cộng đồng sẽ được lan tỏa? Tôi thì nghĩ là không.
Dĩ nhiên, chừng nào con người còn yêu cái đẹp, chừng đó chúng ta vẫn sẽ còn những cuộc thi hoa hậu. Và những cô gái xinh đẹp muốn khẳng định vẻ đẹp của mình cũng chẳng có gì là sai. Thế nhưng, chẳng phải đã đến lúc các nhà tổ chức hãy nghĩ về việc đơn giản chỉ là một cuộc thi sắc đẹp thuần túy và đừng gán thêm vào đó những giá trị cao siêu chỉ bởi chẳng ai muốn nhận mình là người ưa hình thức? Hãy trao vương miện cho một cô gái đẹp, chỉ bởi vì cô ấy đẹp nhất trong số những người đẹp đi thi, chứ chẳng phải vì cô ấy đại diện cho phụ nữ hay bất cứ nhóm người cụ thể nào. Hãy thẳng thắn thừa nhận đây là những cuộc thi tìm người đẹp để trở thành ngôi sao, thay vì cố gán cho họ những trách nhiệm để trở thành một học giả hay một nhà hoạt động xã hội. Điều đó không sai, và cũng chẳng ảnh hưởng đến cuộc sống của ai cả. Chỉ là đến cuối ngày, khi ngồi lại với nhau, ta nhắc đến hoa hậu và những cuộc thi sắc đẹp như một thứ phù hoa rực rỡ của showbiz, chứ chẳng phải những gì họ đã thật sự mang đến cho cuộc sống này.