Cơ quan Vũ trụ Úc "săn tìm" phi hành gia bản địa đầu tiên trên thế giới
Động thái mới đây của Cơ quan Vũ trụ Úc là ra mắt Học viện Vũ trụ Quốc gia dành cho người bản địa.
NISA sẽ cho phép 5 sinh viên bản địa Úc đến Mỹ thực tập trong 10 tuần tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA ở Pasadena, California. Cơ hội được áp dụng cho các sinh viên bậc đại học và sau đại học là người bản địa Úc (tộc người Aboriginal và người dân đảo Torres Strait), và đang theo học một văn bằng về khoa học, công nghệ, kỹ thuật hoặc toán học. 5 sinh viên sẽ được chọn từ nhóm ứng viên dựa trên thành tích học tập và được sắp xếp với các cố vấn để tham gia chương trình thực tập tại NASA/JPL trong năm 2023.
Thế giới - Cơ quan Vũ trụ Úc "săn tìm" phi hành gia bản địa đầu tiên trên thế giới" style="width: 740px; height: 493px;" src="http://media1.nguoiduatin.vn/m24/upload/1-2023/images/2023-03-25/image1-1679745786-239-width2048height1365-1679746105-945-width740height493.jpg?v=1679746801" />
Từ phải sang trái lần lượt là Enrico Palmero (Cơ quan Vũ trụ Úc), Giáo sư Christopher Lawrence (Đại học Monash) và thượng nghị sĩ Mỹ Bill Nelson (NASA) trong buổi ra mắt Học viện Vũ trụ Quốc gia dành cho người bản địa (NISA).
Trước khi tới Mỹ, sinh viên sẽ tham gia chương trình chuẩn bị thực tập mang tên “Trại Khởi động Không gian” tại Khoa Công nghệ Thông tin của Đại học Monash (Úc). Chương trình này giúp họ làm quen với khí động học, robot học, vật lý thiên văn, khoa học hành tinh, kỹ thuật, máy tính và khoa học Trái đất cũng như tìm hiểu về những nhiệm vụ thám hiểm không gian trong quá khứ và hiện tại ở NASA.
Lãnh đạo của NISA là Giáo sư Christopher Lawrence - Phó Chủ nhiệm (người bản địa) khoa Công nghệ Thông tin của Đại học Monash. Giáo sư Lawrence cho rằng, đây là con đường để sinh viên bản địa tham gia vào các dự án độc đáo của NASA/JPL, như chế tạo robot để khám phá các phần bí ẩn của thế giới đại dương, kiểm soát nhận thức robot, trí tuệ nhân tạo (AI) và hoạch định chuyển động cũng như vệ tinh.
“Chúng tôi chia sẻ tầm nhìn với Cơ quan Vũ trụ Úc trong việc bồi dưỡng sự nghiệp cho người bản địa trong lĩnh vực vũ trụ với mục tiêu sau cùng là được nhìn thấy phi hành gia người bản địa Úc đầu tiên trên thế giới”, Giáo sư Lawrence nói.
Người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Úc, Enrico Palmero cho biết: “Chúng tôi cam kết phát triển một lực lượng lao động đa dạng, không chỉ đóng góp riêng cho lĩnh vực không gian mà còn cho toàn bộ lĩnh vực khoa học và công nghệ. Tôi mong muốn những sinh viên này mang những gì họ học được trở lại Úc, trở thành một phần của cộng đồng công nghệ - không gian".
Khoa Công nghệ Thông tin của Đại học Monash sẽ điều hành và quản lý NISA với sự hỗ trợ tài chính từ Cơ quan Vũ trụ Úc (ASA) cùng với tiến sĩ Adrian Ponce, người quản lý các chương trình thực tập tại JPL của NASA ở Pasadena, California, Mỹ.
Học viện Vũ trụ Quốc gia dành cho người bản địa (NISA) được thành lập vào năm 2019 bởi Giáo sư Christopher Lawrence với sự hợp tác của NASA/JPL. Học viện đã hỗ trợ 3 sinh viên bản địa Úc ngành STEM (Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán học) hoàn thành xuất sắc kỳ thực tập tại NASA/JPL.
Sắp tới, NISA sẽ còn hợp tác với nhiều đối tác hơn trong lĩnh vực không gian tại Úc và trên toàn cầu để đảm bảo có thêm kinh phí trong tương lai và tăng quy mô của chương trình, nhằm hỗ trợ các start-up và doanh nghiệp trong lĩnh vực không gian do người bản địa Úc thành lập và vận hành.