Cơ quan tình báo Mỹ được yêu cầu báo cáo về tài sản của ông Tập Cận Bình

Chia sẻ Facebook
19/12/2022 19:00:40

Dự kiến ​​​​vào tuần này, Tổng thống Mỹ Biden sẽ ký “Đạo luật Ủy quyền Tình báo” (National Defense Authorization Act) cho năm tài chính 2023, trong đó yêu cầu cơ quan tình báo Mỹ báo cáo trước Quốc hội về tài sản của các quan chức cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong đó có ông Tập Cận Bình.

Ông Tập Cận Bình tại Đại hội 20 của ĐCSTQ (Ảnh: Cắt từ video trực tiếp của CCTV)


Ngày 26/10/2012, phóng viên David Barboza của New York Times trú tại Thượng Hải – Trung Quốc đã công bố điều tra, cáo buộc các thành viên trong gia đình Ôn Gia Bảo, khi ông này còn là Thủ tướng ĐCSTQ, đã biển thủ ít nhất 2,7 tỷ USD.


Năm 2012, Bloomberg từng đưa tin rằng trong nhiệm kỳ Phó chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình đã tích lũy được hơn 375 triệu USD tài sản thông qua các kênh như thành viên gia đình.


Ông Tập không trực tiếp kiểm soát tiền, tuy nhiên giới phân tích quốc tế về Trung Quốc phổ biến cho rằng nhà lãnh đạo này giúp người thân làm giàu như một cách tích lũy của cải gián tiếp. Ví dụ, chị gái Tề Kiều Kiều (Qi Qiaoqiao) và anh rể Đặng Gia Quý (Deng Jiagui) của ông Tập nắm giữ cổ phần tại Công ty Đầu tư Yuanwei Thâm Quyến trị giá 288 triệu USD và sở hữu hoàn các công ty khác trong tập đoàn Yuanwei trị giá 84,8 triệu USD – tổng cộng là 372,8 triệu USD. Ông Đặng Gia Quý gián tiếp nắm giữ 18% cổ phần của Tập đoàn Vonfram kim loại đất hiếm Giang Tây – công ty có vốn hóa thị trường là 1,7 tỷ USD.


Theo một thông tin của hãng truyền thông The Print (Ấn Độ) vào tháng 9/2021, Công ty Yuanwei đã tăng trưởng bùng nổ sau khi được chính quyền địa phương ưu đãi cấp đất.


Năm 2014, Hiệp hội Phóng viên Điều tra quốc tế (ICJU) đã cáo buộc ông Đặng Gia Quý là một trong những nhân vật thuộc giới quyền quý của Trung Quốc sở hữu tài khoản ngân hàng nước ngoài được giấu kín. Nguồn tin cho biết đến khi đó vấn đề tài sản tài chính của ông Tập vẫn là vấn đề bí ẩn.


Tháng 9/2021, cựu giám đốc điều hành quỹ tư nhân Trung Quốc Desmond Shum đã xuất bản cuốn hồi ký “Canh bạc Đỏ: Chuyện nội bộ Trung Quốc ngày nay về của cải, quyền lực, tham nhũng và báo thù” (Red Roulette: An Insider’s Story of Wealth, Power, Corruption, and Vengeance in Today’s China), sách đã gây tiếng vang đáng kể ở phương Tây. Ông Desmond Shum cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street JournalFinancial Times trước khi xuất bản cuốn sách mới của ông: “Trung Quốc thực sự thuộc về ai? Bây giờ tôi nhận ra rằng nó bị kiểm soát bởi ‘huyết thống Đỏ’”. Ông cho rằng các doanh nhân giàu có của Trung Quốc giống như ‘nguồn siêu lương’ của các gia đình quan chức ĐCSTQ.


Vợ chồng Desmond Shum có nhiều quan hệ trong giới chức sắc cấp cao ĐCSTQ đã lên kế hoạch cho vợ ông Ôn Gia Bảo và giúp ông Tôn Chính Tài thăng tiến. Họ thậm chí là đối tượng kết thân của quan chức hàng đầu ĐCSTQ Vương Kỳ Sơn, họ cũng từng nâng chén với vợ chồng ông Tập Cận Bình, nhưng sau này họ bị quan chức ĐCSTQ ‘lãng quên’.


Cuốn sách còn tiết lộ chuyện cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ là ông Hàn Chính (mới nghỉ hưu) có một tài khoản ngân hàng bí mật trị giá 20 triệu đô la Úc.


Trong cuốn sách, tác giả Desmond Shum viết rằng chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập là một công cụ để loại bỏ các đối thủ chính trị nhằm củng cố quyền lực, tiêu biểu như thanh trừng những nhân vật hàng đầu trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị như Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang…


Theo một báo cáo hồi tháng 9 của tổ chức tư vấn Jamestown Foundation , tham nhũng của quan trường ĐCSTQ đã trở nên kinh khủng hơn bao giờ hết kể từ thời kỳ cải cách và mở cửa của ông Đặng Tiểu Bình vào những năm 1980. Cựu cảnh sát Hồng Kông Martin Purbrick cho biết trong báo cáo rằng quyền lực tuyệt đối của ĐCSTQ được coi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tham nhũng không ngừng lan rộng ở Trung Quốc, do đó ĐCSTQ không có cách nào có thể diệt trừ được tham nhũng.

Vấn đề quan trọng khác trong “Đạo luật Ủy quyền Tình báo”


“Đạo luật Ủy quyền Tình báo” dự kiến ​​​​thông qua vào tuần này bao gồm nhiều điều khoản liên quan đến Trung Quốc, ví dụ như yêu cầu các cơ quan tình báo Mỹ đưa ra các báo cáo hàng năm về các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc tại Mỹ.


Một phần của dự luật sẽ cập nhật Đạo luật An ninh Quốc gia Mỹ năm 1947 để đánh giá các hoạt động tuyên truyền và ảnh hưởng của ĐCSTQ, bao gồm cả việc sử dụng các kênh truyền thông xã hội và các cơ quan báo chí. Báo cáo cũng sẽ đánh giá cách các cơ quan gián điệp Mỹ phát hiện và chống lại các hoạt động này.


Dự luật yêu cầu các cơ quan tình báo “báo cáo các rủi ro đối với an ninh quốc gia từ các công ty viễn thông, khách sạn và vận tải… đã được nguồn đầu tư lớn từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” . Một phần khác sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm tình báo mới liên ngành chuyên giám sát các vấn đề kinh tế và công nghệ từ Trung Quốc.


Báo cáo sẽ bao gồm danh sách công khai các cơ quan, doanh nghiệp và chương trình hỗ trợ các mục tiêu công nghệ, quân sự… của ĐCSTQ.


Phía Mỹ cáo buộc ĐCSTQ đang gây nạn diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ, do đó dự luật yêu cầu báo cáo hàng năm về các “trại cải tạo” ở Tân Cương – nơi Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính có tới 2 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị cầm tù. Các báo cáo sẽ tìm cách xác định nạn nhân, nguồn tài chính và vai trò của các công ty Trung Quốc liên quan hoạt động đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.


Dự luật cũng yêu cầu Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ báo cáo trước Quốc hội về khả năng cạnh tranh toàn cầu của ĐCSTQ trong lĩnh vực bán dẫn; qua đó yêu cầu trong vòng 90 ngày CIA cần cung cấp cơ sở quan trọng trong khoản đầu tư của ĐCSTQ vào vùng Caribe (đặc biệt về cơ sở hạ tầng năng lượng và viễn thông) gây rủi ro với an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế của Mỹ.


Một phần khác của dự luật sẽ yêu cầu báo cáo về sự hỗ trợ của ĐCSTQ đối với Nga trong cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine.


Tiêu Nhiên, Vision Times

Di sản tiêu cực của Giang Trạch Dân Giang Trạch Dân là một nhân vật gây nhiều tranh cãi, thực sự nắm quyền ở Trung Quốc hơn 20 năm và để lại một di sản tiêu cực to lớn.

Chia sẻ Facebook