Cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm những đơn vị vận tải "chỉ có tăng mà không có giảm"
Bên cạnh bị xử lý vi phạm hành chính về giá, doanh nghiệp có thể phải trả lại tiền cho khách hàng nếu thu quá và thậm chí có thể bị thu hồi phù hiệu.
Mức giá xăng, dầu hiện nay đã tương đương với thời điểm tháng 1/2022, tuy nhiên giá của nhiều mặt hàng thiết yếu như giá thịt lợn, cước vận tải hành khách, vận tải hàng hoá, lương thực, thực phẩm… vẫn giữ giá neo cao.
Tình trạng này đã diễn ra nhiều lần và lần này không phải ngoại lệ, " Xăng dầu giảm, giá hàng hóa không giảm " là chủ đề được các vị chuyên gia đến từ Bộ Tài chính, Bộ GTVT, chuyên gia kinh tế cùng bàn luận và giải đáp trong buổi tọa đàm của cổng Thông tin Chính Phủ ngày 4/8 vừa qua.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), bà Đinh Thị Nương lý giải, do một số mặt hàng chịu ảnh hưởng của giá xăng dầu, khi điều chỉnh giá giảm có độ trễ vì phải rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá, từ đó mới xác định giá bán giảm theo giá xăng.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đồng tình với ý kiến về độ trễ của giá cả thị trường. Ông Lực cũng đưa ra một số nguyên nhân khác. Theo ông Lực, thông thường các doanh nghiệp tính toán giảm ngay giá mặt hàng khác có liên quan đến xăng dầu thì họ ngại, thời gian sau đó tăng lên sẽ rất khó. Người tiêu dùng có thể phản đối hoặc không đồng tình.
"Tôi cho rằng đó là sự thận trọng nhưng không đủ thuyết phục, bởi rõ ràng là nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền xuống. Tôi đồng ý có độ trễ nhưng không thể là cả tháng vài tháng, mà rõ ràng chỉ sau một vài tuần, giá cả cần điều chỉnh ngay", ông Lực nói.
Giá dịch vụ vận tải không giảm là 1 trong những bức xúc của người dân thời gian vừa qua, vì đây được cho là ngành liên quan mật thiết với giá xăng dầu. Khi giá xăng dầu tăng, giá cước vận tải lập tức tăng theo. Nhưng khi giá xăng dầu giảm, giá cước vận tải mãi chùng chình đứng yên.
Theo ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), đối với từng phương thức vận tải khác nhau (đường thủy, đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải) tỷ trọng chi phí nhiên liệu và xăng dầu có khác nhau.
Ngay trong cùng phương thức vận tải đường bộ, xe taxi cũng khác với xe tuyến cố định đường dài, tuy nhiên nếu nói con số ở mức trung bình thì chi phí vận tải chiếm khoảng 30%-40% trong tổng chi phí các yếu tố cấu thành nên giá thành vận tải.
Vấn đề đặt ra là, vậy tại sao khi giá xăng dầu liên tiếp giảm như hiện nay, cước vận tải không có dấu hiệu điều chỉnh giảm, thậm chí vẫn còn được neo cao hơn, ông Ngọc giải thích:
Thứ nhất, có nhiều yếu tố hình thành nên giá thành vận tải, hay giá thành dịch vụ nói chung. Khi có 1 yếu tố biến động, các đơn vị kinh doanh phải tính toán lại.
Thứ hai, người bán phải xem xét các yếu tố tâm lý khách hàng rồi cả các đối thủ cạnh tranh.
Thứ ba, đối với vận tải đường bộ, chẳng hạn như taxi, người ta sẽ phải thực hiện kê khai giá với Sở GTVT, điều chỉnh đồng hồ tính tiền, in lại tờ niêm yết giá, những cái đó cũng có độ trễ nhất định.
"Nhưng tôi đồng tình với quan điểm, chúng ta không nên trễ quá" - ông Ngọc bày tỏ - "Những cái đó đòi hỏi thời gian nhưng cũng phải kịp thời để đáp ứng khi nhiên liệu đã giảm rồi, là yếu tố chiếm đến 30% - 40% chi phí cấu thành mà anh chưa kịp giảm hoặc giảm chậm, như vậy cũng là không đúng".
Ông Ngọc cũng cho biết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải thực hiện đầy đủ các quy định trong công tác quản lý giá, ví dụ như phải kê khai giá, hoặc đối với những lĩnh vực Nhà nước có quy định về khung giá thì không được tăng giá quá khung. Kê khai giá rồi thì phải thực hiện niêm yết giá đầy đủ. Niêm yết giá rồi thì phải thực hiện bán theo giá niêm yết kê khai... Biện pháp mạnh trong thời gian hiện nay và sắp tới là phải tăng cường công tác thanh kiểm tra.
Khi thanh kiểm tra đã phát hiện có vi phạm thì sẽ sử dụng những công cụ về Nghị định, quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá hoặc Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực vận tải để xử lý nghiêm.
Ông Ngọc nói thêm, đối với những đơn vị "chỉ có tăng mà không có giảm", không phù hợp với tình hình nhiên liệu giảm, sẽ áp dụng những quy định pháp luật, có thể phải trả lại tiền cho hành khách nếu thu quá, thậm chí các cơ quan chức năng còn có thể thu hồi phù hiệu.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế