Cơ quan nắm giữ sự sống của cơ thể, nhiều người "vừa dùng vừa phá" vì các thói quen xấu
Thận là một trong những cơ quan trọng yếu trong cơ thể con người nhưng lại dễ bị tổn thương bởi lối sống kém lành mạnh và chế độ ăn uống bất hợp lý.
Thận - cơ quan nắm giữ sự sống của cơ thể
Thận nắm giữ các chức năng như:
- Lọc máu và đào thải chất thải, độc tố nội sinh cũng như ngoại sinh: Đây là chức năng chính quan trọng nhất của thận. Thông qua hoạt động của tiểu cầu thận, các chất độc được loại bỏ và thải ra ngoài, từ đó giữ cho cơ thể luôn khoẻ mạnh.
- Sản xuất nước tiểu.
- Điều hòa cân bằng môi trường bên trong cơ thể (nội môi).
- Điều hòa thể tích máu trong cơ thể.
- Điều hòa huyết áp của cơ thể.
- Tham gia vào quá trình tạo hồng cầu.
- Tham gia tổng hợp vitamin D và quá trình tạo xương.
- Điều hòa quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể thông qua việc phân giải hormone và enzym.
Vì nắm giữ nhiều chức năng ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của cơ thể nên thận được coi là một trong những tạng quan trọng nhất trong cơ thể con người. Tuy nhiên, thận cũng rất dễ bị tổn thương bởi những thói quen sinh hoạt, vận động hằng ngày, điển hình là 4 thói quen xấu dưới đây.
Thói quen hại thận, nhiều người biết mà vẫn làm
1. Bổ sung nước sai cách
Giữ cho cơ thể đủ nước sẽ giúp thận của bạn loại bỏ natri và chất độc ra khỏi cơ thể dễ dàng hơn. Tuy nhiên, có rất nhiều người lười uống nước, chỉ đến khi khát mới uống một lượng nhỏ nước.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến chức năng chuyển hóa nước của thận, làm giảm lượng nước tiểu tạo ra, từ đó khiến các chất thải và chất độc hại trong cơ thể khó được đào thải ra ngoài theo đường nước tiểu. Các chất độc hại này có thể xâm nhập vào cơ thể và làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận, viêm thận hoặc thậm chí là suy thận.
Bên cạnh thói quen uống ít nước của nhiều người, một số người lại uống quá nhiều nước do nghĩ rằng uống càng nhiều nước càng tốt. Tuy nhiên, uống quá nhiều nước ngược lại có thể khiến thận gặp vấn đề. Nạp quá nhiều nước vào cơ thể làm gia tăng gánh nặng cho thận, tình trạng này kéo dài có thể gây suy thận và có thể dẫn đến nhiều hệ luỵ khác.
Do đó, để giúp thận luôn khoẻ mạnh, lượng nước một người nên uống mỗi ngày là 1,5 - 2 lít. Lượng nước này bao gồm nước lọc, nước hoa quả và cả các món ăn ở dạng lỏng như canh, súp...
2. Ăn mặn
Hiện nay, người Việt Nam đang ăn khoảng 9,4g muối mỗi ngày, con số này gần gấp đôi so với lượng muối được khuyến cáo của WHO là 5g muối/người/ngày, tương đương với khoảng một muỗng cà phê muối.
Nhiều người Việt có thói quen ăn mặn vì cho rằng món ăn phải đậm đà mới ngon miệng. Tuy nhiên, ăn quá nhiều muối có thể dẫn đến lượng natri nạp vào cơ thể quá nhiều, các nguyên tố natri này lại cần được thận chuyển hóa, từ đó làm tăng gánh nặng cho thận.
Ngoài ra, ăn nhiều muối cũng có thể gây ra tình trạng tăng huyết áp, làm tăng thêm áp lực lên thận, từ đó khiến thận dễ bị tổn thương. Quá trình này diễn ra trong thời gian dài có thể gây ra bệnh thận mãn tính và suy thận.
3. Thức khuya
Thức khuya là thói quen phổ biến hiện nay của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ hoặc dân văn phòng luôn bận rộn với công việc. Thỉnh thoảng thức khuya sẽ không gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ nhưng nếu điều này diễn ra thường xuyên trong một thời gian dài thì có thể sẽ gây mất cân bằng nội tiết trong cơ thể con người.
Việc thức khuya thường xuyên còn khiến đồng hồ sinh học của cơ thể bị rối loạn, tăng gánh nặng bài tiết và giải độc của thận. Các chuyên ra cho biết tốt nhất bạn nên đi ngủ vào khoảng 10 giờ tối và ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày để giữ cho thận và các cơ quan khác trong cơ thể khoẻ mạnh.
4. Nghiện rượu bia
Những người nghiện rượu nặng thường có nguy cơ mắc bệnh thận mãn tính cao hơn so với người bình thường. Uống nhiều hơn 4 - 5 ly rượu (mỗi ly 150ml) trong vòng chưa đầy 2 giờ có thể gây ra tình trạng tổn thương thận cấp tính và làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh thận mãn tính.
Dấu hiệu thận bị tổn thương
1. Cơ thể sưng phù
Thận có chức năng chuyển hóa nước, khi chức năng thận suy yếu, cơ thể bị giữ nước sẽ gây sưng phù. Các biểu hiện rõ nhất là sưng phù ở quanh mắt, ở mặt, chân hoặc mắt cá chân.
2. Đi tiểu bất thường
Thận bị tổn thương cũng sẽ khiến lượng nước tiểu của người bệnh thay đổi bất thường. Dấu hiệu cảnh báo giai đoạn đầu thường là đi tiểu ít.
3. Các triệu chứng khác
Ngoài ra người bệnh cũng có thể xuất hiện các triệu chứng lú lẫn, khó thở, buồn nôn, đau hoặc luôn cảm thấy nặng ngực, cơ thể luôn trong trạng thái uể oải, mệt mỏi. Trường hợp thận bị tổn thương nghiêm trọng, bệnh nhân còn có thể xuất hiện tình trạng động kinh hoặc hôn mê.
Thận là cơ quan quan trọng của cơ thể và dễ bị tổn thương. Vì vậy, để giữ cho thận luôn khoẻ mạnh, mọi người cần thay đổi các thói quen xấu và khi có bất kỳ dấu hiệu khác thường, cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.
Nguồn: Aboluowang, WebMD, Clevelandclinic