Cổ phiếu ngân hàng nào giảm mạnh nhất tháng 9?
Sắc đỏ bao trùm lên hầu hết cổ phiếu ngân hàng trong tháng qua với 25/27 mã giảm giá. Trong đó có hàng loạt mã mất hơn 15%.
Hàng loạt cổ phiếu giảm trên 15% trong tháng 9
Đầu tháng 9, Ngân hàng Nhà nước chính thức thông báo đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho nhiều ngân hàng thương mại.
Đây vốn là thông tin được thị trường chờ đợi từ lâu, trong bối cảnh nhiều nhà băng chật vật vì hết “room” tín dụng từ quý 2. Tuy nhiên, giá cổ phiếu dòng ngân hàng lại phản ứng khá tiêu cực với thông tin này, do mức nới thêm ít hơn nhiều so với kỳ vọng.
Và đến 23/9, khi loạt lãi suất điều hành tăng lên, không chỉ cổ phiếu ngân hàng mà nhiều cổ phiếu lĩnh vực khác cũng lao dốc mạnh. Giới đầu tư cho rằng, thời kỳ "tiền rẻ" đã chính thức chấm dứt từ đây.
Trong tháng 9, chỉ có 2 mã ngân hàng tăng giá là EIB (12,7%) và SGB (3,6%). Cổ phiếu EIB tăng giá trong bối cảnh ngân hàng chuẩn bị chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, đây cũng là lần đầu ngân hàng thực hiện tăng vốn sau 1 thập kỷ.
Đáng chú ý, EIB ghi nhận giao dịch thoả thuận "khủng" trong tháng 9 với hơn 127,4 triệu cp EIB được trao tay giữa các nhà đầu tư, giá trị 4.600 tỷ đồng. Số cổ phiếu này chiếm hơn 10% vốn cổ phần ngân hàng.
Sau thời gian liên tục điều chỉnh, hiện 14 cổ phiếu ngân hàng đã rớt về dưới 20.000 đồng/cp, trong đó có 2 mã là VBB, VAB về dưới mệnh giá (tức chưa đến 10.000 đồng/cổ phiếu).
Những cổ phiếu như HDB, VPB, LPB, SHB đều đã thấp hơn 20.000 đồng/cp. MBB cũng có lúc giảm xuống dưới mốc này.
Giới đầu tư lo ngại về triển vọng ngành ngân hàng trong ngắn hạn khi mặt bằng lãi suất huy động tăng mạnh, khiến chi phí vốn cao lên, ảnh hưởng tới biên lãi ròng. Việc giới hạn tăng trưởng tín dụng cũng khiến các nhà băng khó bứt phá về lợi nhuận bởi đây vẫn là nguồn thu chính, chiếm đến 70-90% thu nhập hoạt động.
Bên cạnh đó, việc phát hành cổ phiếu để chia cổ tức cũng là yếu tố khiến cho thị giá cổ phiếu ngân hàng bị điều chỉnh mạnh. Từ đầu năm đến nay, hàng loạt ngân hàng đã thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ phổ biến là 20-30% và thậm chí có nơi như VPB chia tới 50%. Các đợt phát hành thêm hàng trăm triệu, hàng tỷ cổ phiếu đã dẫn đến áp lực "pha loãng" quá lớn.
Về động thái của khối ngoại, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 600 tỷ đồng cổ phiếu ngân hàng tháng qua. Trong đó, STB bị "xả" mạnh nhất, ghi nhận hơn 22 triệu cp bị bán ròng, tương đương 456 tỷ đồng. Ngoài ra, CTG cũng bị bán ròng 5,9 triệu cp, OCB hơn 2,4 triệu cp, BID hơn 1,9 triệu cp,…
Ở chiều ngược lại, HDB được mua ròng nhiều nhất, với 2,4 triệu đơn vị, giá trị 68 tỷ đồng. Ngoài ra, SHB cũng được khối ngoại mua ròng 1,3 triệu cp, giá trị 28,6 tỷ đồng.
Bao giờ cổ phiếu ngân hàng về lại đỉnh cũ?
Ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập công ty cổ phần FIDT cho biết, 1 chu kỳ điều chỉnh của thị trường chứng khoán thường sẽ mất 1,5-2 năm. Chúng ta đã đi qua gần một năm của chu kỳ điều chỉnh. Để thị trường phục hồi có thể cần ít nhất trên 2 năm trở lên. Ví dụ nền kinh tế bắt đầu phục hồi giai đoạn năm 2015, phải đến cuối năm 2017 thị trường mới phục hồi. Còn khoảng 2 năm để cổ phiếu ngân hàng có thể quay về đỉnh cũ.
Hiện cổ phiếu ngân hàng đã có mức giá trên giá trị sổ sách (P/B) quanh 1 lần, thậm chí có những mã có P/B nhỏ hơn 1. Các ngân hàng cũng đã chiết khấu các rủi ro về nợ xấu, lãi suất tăng lên và suy giảm tăng trưởng. Vùng giá hiện tại có thể gọi là vùng đáy của cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn đang khá yếu. Vì vậy đây là thời điểm phù hợp để đầu tư trung hạn từ 1 năm trở lên của cổ phiếu ngân hàng.