Cổ phiếu ngân hàng hồi phục mạnh mẽ, thanh khoản tăng vọt

Chia sẻ Facebook
05/12/2022 08:05:44

Thanh khoản thị trường nói chung và nhiều mã ngân hàng nói riêng tăng mạnh đã cho thấy tâm lý của nhà đầu tư phần nào được cải thiện. Một số công ty chứng khoán đã có nhận định về cổ phiếu ngân hàng với triển vọng khả quan.


Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có tuần giao dịch đầy tích cực với sắc xanh lan tỏa ở hầu hết các nhóm ngành. VNINdex nối dài mạch tăng điểm của tuần trước và kết phiên 2/12 ở mức 1.080 điểm. Công ty chứng khoán VCBS nhận định, thanh khoản thị trường được cải thiện đáng kể và chủ yếu xuất hiện ở chiều mua chủ động cho thấy sự lạc quan đã trở lại trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, việc tăng điểm mạnh mẽ của nhiều cổ phiếu lớn thuộc VN30 cũng tạo ra tiền đề tích cực dẫn sóng thị trường phục hồi.

Cổ phiếu ngân hàng cũng là nhóm có giao dịch đầy khởi sắc với 26/27 mã tăng giá tuần qua (28/11-2/12), trong đó hơn một nửa đạt mức tăng hơn hai chữ số. Đặc biệt, cổ phiếu ngân hàng “bùng nổ” trong phiên giao dịch cuối tuần 2/12 khi đảo chiều tăng vọt buổi chiều, kết phiên ngập sắc xanh và thậm chí có 4 mã tăng kịch trần là STB, CTG, VIB, TCB.

Trong nhóm VN30, các cổ phiếu ngân hàng đều tăng mạnh, trong đó TCB tăng mạnh nhất tuần qua (25%). Ngoài ra, nhiều mã tăng trên 10% như VPB (11,6%), TPB (12,3%), MBB (16%), VCB (16,3%), VIB (16,9%).

Đáng chú ý, nhiều cổ phiếu hồi phục mạnh mẽ đi kèm với thanh khoản tăng mạnh giúp tổng giá trị giao dịch khớp lệnh toàn ngành ngân hàng tuần qua đạt gần 16.500 tỷ đồng, tương đương bình quân gần 3.300 tỷ đồng/phiên, tăng tới 77% so với tuần trước.

Trong đó, một số mã ghi nhận thanh khoản cao gấp 2-3 lần so với tuần trước. Chẳng hạn, cổ phiếu TPB có khối lượng giao dịch đạt hơn 58 triệu đơn vị, giá trị giao dịch trên 1.200 tỷ đồng tuần qua, cao gấp 3 lần so với tuần trước. Theo đó, TPB lọt top 7 cổ phiếu có thanh khoản cao nhất trong nhóm ngân hàng.

Trong 7 phiên gần nhất, TPB có tới 6 phiên đóng cửa trong sắc xanh, chỉ riêng phiên 1/12 giảm giá nhẹ (-0,91%). Hiện thị giá TPB ở mức 22.800 đồng/cp, cao nhất trong 1 tháng trở lại đây.

Mới đây, một số công ty chứng khoán đã có nhận định về triển vọng cổ phiếu ngân hàng. Trong đó, theo chứng khoán BSC, nhiều cổ phiếu ngân hàng đang có mức chiết khấu tương đối sâu so với giai đoạn lịch sử, trong khi đó, sức khoẻ tài chính của các nhà băng vẫn tương đối tốt, do đó xứng đáng có mức định giá cao hơn so với thời điểm hiên tại.

Tuy nhiên, một số cơn gió ngược chiều vẫn có thể ảnh hưởng lên ngành ngân hàng trong năm 2023 như suy thoái kinh tế thế giới, xu hướng tăng tỷ lệ chi phí tín dụng và tỷ lệ trích lập dự phòng sẽ hạn chế phần nào triển vọng định giá và tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng quý 4/2022 và năm 2022.

Tương tự, Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết đợt sụt giảm mạnh của thị trường đã đưa giá cổ phiếu ngân hàng về vùng hấp dẫn. Tại ngày 23/11, ngành ngân hàng được giao dịch ở P/E là 7,1 lần và P/B là 1,3 lần, tương đương với vùng đáy Covid-19 đợt 1 vào tháng 3/2020. Mức định giá này thấp hơn lần lượt 38,1% và 29,6% so với trung bình lịch sử giai đoạn 2010 – 2022.

Mặc dù đánh giá lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng chậm lại trong quý 4/2022 và nửa đầu năm 2023, tuy nhiên, với định giá đang ở mức thấp, ACBS đánh giá cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ là những cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn.

Trong khi đó, VNDirect nhận định, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện hơn nhiều so với trước đây, và ngân hàng vẫn được hưởng lợi nhiều nhất từ câu chuyện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn. Do đó, định giá ở mức thấp nhất lịch sử 1,0 lần P/B năm 2023 đang mở ra một cơ hội đầu tư hết sức hấp dẫn. Với bối cảnh hiện tại, nhóm phân tích này ưu tiên các ngân hàng có khả năng phòng thủ trước những biến động.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, vấn đề thanh khoản vẫn đang được quan tâm chặt chẽ. Do đó, để có cái nhìn tổng quan hơn về năng lực thanh khoản của từng ngân hàng, VNDirect dựa trên một vài tiêu chí về thanh khoản “L-Liquidity” trong mô hình CAMELS để đưa ra bảng so sánh đánh giá khả năng đáp ứng rủi ro thanh khoản của 17 ngân hàng niêm yết.

Theo bảng xếp hạng này, TPBank (TPB) đang là ngân hàng đứng đầu trong 17 ngân hàng về 4 tiêu chí: Tỷ lệ tài sản thanh khoản/huy động khách hàng (Liquid asset/Customer deposits), Tỷ lệ Cho vay khách hàng/Huy động khách hàng (Gross LDR); Tỷ lệ Tài sản thanh khoản/ Tổng tài sản (Liquid asset/Total Asset), Tỷ lệ huy động tiền gửi từ tổ chức/tổng huy động khách hàng (Non- Individuals/Customer deposits).

VNDirrect đánh giá, TPB có LDR ở mức thấp, đồng nghĩa với việc áp lực lên huy động và chi phí vốn là không quá nhiều trong thời gian tới. Tỷ lệ LDR đo lường mức độ dồi dào của thanh khoản, nếu tỷ lệ này càng cao thì ngân hàng đã tối ưu nguồn huy động của mình, vì vậy, chỉ số này càng thấp sẽ càng tốt.

Đối với tiêu chí Tỷ lệ cho vay ngắn hạn/Dư nợ cho vay (Short-term loans/Net loans), BIDV, ACB, Eximbank đang là những ngân hàng có xếp hạng tốt nhất.

Chia sẻ Facebook