Cổ phiếu ngân hàng được kéo mạnh, STB gây chú ý
Kết phiên 28/7, nhóm ngân hàng ghi nhận 24 mã tăng giá, 1 mã đứng giá tham chiếu và 2 mã giảm. Trong đó, STB ghi nhận mức thanh khoản cao nhất kể từ tháng 3, còn BID là mã đóng góp nhiều nhất cho VN-Index.
Cổ phiếu ngân hàng bật tăng
Sau nửa đầu phiên giao dịch cầm chừng quanh mốc 1.200 điểm, tâm lý nhà đầu tư tích cực hơn và dòng tiền được cải thiện mạnh mẽ đã giúp cả 3 chỉ số chính tăng mạnh trong phiên sáng 28/7.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 355 mã tăng và 78 mã giảm, VN-Index tăng 19,82 điểm (+1,66%), lên 1.210,86 điểm. HNX-Index tăng 5,23 điểm lên 289,75 điểm, toàn sàn có 148 mã tăng và 48 mã giảm; UpCoM-Index tăng 0,6 điểm (+0,67%), lên 89,46 điểm. Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với sáng hôm qua.
Cùng xu hướng với thị trường chung, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng diễn biến tích cực trong phiên sáng. Kết phiên, toàn ngành có 21 mã tăng giá, 3 mã đứng giá tham chiếu và chỉ 3 mã giảm. Trong đó, STB dẫn đầu toàn ngành khi tăng sát trần 6,7% lên 24.600 đồng/cp với hơn 25 triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh chỉ trong phiên sáng. Đây cũng là mã có thanh khoản cao nhất thị trường trong sáng nay.
Cùng với STB, một loạt cổ phiếu ngân hàng khác cũng tăng trên 3% như ABB (+6,5%), CTG (3,7%), VPB (+3,6%), SHB (+3,5%), BID (+3,4%). Khối lượng giao dịch những mã này cũng ghi nhận ở mức cao hơn nhiều so với các phiên sáng gần đây.
Ở chiều ngược lại, SSB và NVB lại đi ngược xu hướng chung khi cùng giảm 2,8%. PGB cũng góp mặt trong danh sách các mã giảm với chỉ 4.600 cổ phiếu được giao dịch.
Sáng nay cũng chứng kiến giao dịch thỏa thuận sôi động tại OCB và VPB với khối lượng lần lượt đạt hơn 3,8 triệu và 2 triệu đơn vi.
Với khối ngoại, nhóm này mua ròng mạnh tại nhiều mã ngân hàng ngay trong phiên sáng như STB, CTG, HDB, BID.
Đà hưng phấn lan rộng, 24 mã ngân hàng đóng cửa trong sắc xanh
Cổ phiếu ngân hàng kết phiên chiều với 24 mã ngân hàng đóng cửa trong sắc xanh, 2 mã giảm và 1 mã đứng giá tham chiếu.
Trong đó, ABB đã thay thế STB trở thành mã có diễn biến tốt nhất ngành ngân hàng với mức tăng giá 6,5%. Sau khi chạm trần vào đầu giờ chiều, STB của Sacombank đã hạ nhiệt vào cuối phiên nhưng vẫn ''xanh'' gần 6,1% với khối lượng giao dịch khớp lệnh cao nhất kể từ tháng 3.
Mặt khác, với mức tăng 2.7%, BID là mã có đóng góp lớn nhất vào VN-Index khi kéo chỉ số này tăng 1,2 điểm. Kết quả kinh doanh của BIDV hiện chưa được công bố nhưng theo dự báo của SSI, lợi nhuận trước thuế trong quý II/2022 có thể đạt 5.500 tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ), nhờ hệ số LDR tăng lên (tăng trưởng tín dụng đạt 9-10% và tăng trưởng huy động là 2,6%) và chi phí tín dụng giảm. Nếu đạt kỳ vọng của SSI Research, lợi nhuận 6 tháng của BIDV có thể chạm ngưỡng 10.000 tỷ đồng.
Ngoài những mã kể trên, nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng ghi nhận cũng tăng giá trên 2% như VBB (+3,9%), VIB (+3,1%), SHB (+2,8%),MBB (+2,6%),...
Ở chiều ngược lại, PGB giảm thêm 2,3% xuống còn 21.400 đồng/cp. Đây là phiên giảm giá thứ hai liên tiếp của cổ phiếu này, đồng thời thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp với chỉ 21.100 cổ phiếu được sang tay.
EIB cũng đóng cửa trong sắc đỏ khi giảm 0,2% trong khi BAB kết phiên ở mức giá tham chiếu.
Cùng với giá, thanh khoản nhóm ngân hàng phiên hôm nay cũng tăng mạnh. Trong đó, STB đứng đầu thị trường khi có hơn 40,2 triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh trực tiếp, giá trị hơn 970 tỷ đồng. Đứng kế sau lần lượt là VPB (18,9 triệu cp), SHB (15,8 triệu cp), LPB (12,3 triệu cp), MBB (9,3 triệu cp), CTG (9,2 triệu cp),...
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng mạnh nhiều cổ phiếu ngân hàng. Theo đó, nhóm này vừa ''gom'' thêm hơn 3,8 triệu cổ phiếu STB, 883.000 cổ phiếu CTG, 558.000 cổ phiếu BID, 247.000 VCB.
Ngoài ra, khối ngoại cũng bước sang phiên mua ròng thứ tư liên tiếp tại OCB với tổng khối lượng lũy kế đạt gần 720.000 đơn vị; qua đó đưa tỷ lệ sở hữu lên sát trần cho phép (22%). Với tỷ lệ sở hữu hiện ở mức gần 21,8%, khối ngoại chỉ còn được mua thêm hơn 3,5 triệu cổ phiếu này.
Tương tự, khối ngoại cũng đã gom ròng HDB trong 4 phiên liên tiếp với tổng khối lượng hơn 809.000 đơn vị. Qua đó, nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoại tại HDBank lên gần 343,4 triệu đơn vị, tương đương 17% cổ phần. Do ngân hàng đã khóa ''room'' ngoại ở mức 18%, nhà đầu tư nước ngoài còn có thể mua thêm gần 21,5 triệu cổ phiếu HDB.