Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt đảo chiều, 2 mã tăng kịch trần gần 15%

Chia sẻ Facebook
30/09/2022 16:12:15

Đây là phiên hiếm hoi tăng giá với nhiều mã ngân hàng, sau khoảng 1 tuần liên tục chìm trong sắc đỏ trước đó.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một phiên giao dịch (30/9) đầy biến động. VNIndex có lúc giảm tới 26 điểm và mất mốc 1.100 điểm trong chiều nay, nhưng sau đó nhanh chóng đảo chiều hồi phục, không chỉ thoát khỏi sắc đỏ mà còn kết phiên tăng 6,04 điểm lên 1.132,11 điểm .

Nhóm cổ phiếu ngân hàng có 12 mã tăng giá, 6 mã đứng giá tham chiếu và 9 mã giảm giá.

Trong đó, PGB tăng kịch trần 14,7% lên 20.300 đồng/cp. Mã chứng khoán này là mã duy nhất trong nhóm ngân hàng tăng giá suốt phiên giao dịch.

SGB gây bất ngờ khi lội ngược dòng trong phiên ATC, từ mức giảm tới 4% trong phiên đến khi đóng cửa tăng kịch trần 14,4%.

Loạt cổ phiếu khác cũng chìm trong sắc đỏ sáng nay và đầu giờ chiều rồi bất ngờ đảo ngược tăng mạnh. STB kết phiên ở giá 20.600 đồng/cp, tăng 4,6% dù có lúc giảm 1%. Tương tự, CTG có thời điểm giảm 0,6% rồi lại bật tăng và đóng cửa tăng 2,7%.

Một số cổ phiếu khác cũng tăng giá hôm nay như BAB (2,6%), BID (1,2%), TPB (1,2%), MBB (1%), ACB (0,9%), SHB (0,4%), SSB (0,2%).

Nhiều cổ phiếu có lúc giảm tới 5% trong phiên như VPB, giảm 3,1% như HDB, giảm 3,3% như OCB,…cũng nỗ lực kết phiên về giá tham chiếu.

Chiều ngược lại, vẫn có nhiều cổ phiếu giảm giá hôm nay như EIB, MSB, TCB, VCB, VIB, NAB,…Trong đó, EIB giảm sàn 6,9% xuống 34.200 tỷ đồng. Cổ phiếu này bất ngờ điều chỉnh mạnh sau khi diễn biến khá tích cực 2 tuần trở lại đây. Tính từ đầu tháng 9 đến nay, trong khi hàng loạt cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh thì EIB vẫn tăng 12,6%.

Đáng chú ý, EIB ghi nhận giao dịch thỏa thuận đột biến, với khoảng 70 triệu được trao tay ở giá trần 39.300 đồng/cp, giá trị 2.700 cp. Chỉ trong tuần này, đã có 95 triệu cp EIB được giao dịch thỏa thuận, giá trị tới hơn 3.500 tỷ đồng, số cổ phiếu này chiếm đến 7,7% cổ phần ngân hàng.

Khối ngoại vẫn đang chủ yếu “xả” cổ phiếu ngân hàng, trong đó CTG hôm nay bị bán ròng hơn 800.000 cp, tiếp đến là BID (hơn 300.000 cp), HDB (hơn 200.000 cp),…

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài gom mạnh một số mã như STB (mua ròng hơn 900.000 cp), SHB (hơn 100.000 cp),…

Chia sẻ Facebook