Cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM từ ngày 20/2

Chia sẻ Facebook
15/02/2023 23:38:09

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa ra quyết định hủy niêm yết đối với cổ phiếu Tập đoàn FLC từ ngày 20/2, với lý do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.

“Lộ liễu” tăng vốn ảo, FLC Faros vẫn khuynh đảo trên sàn chứng khoán gần 6 năm

Cổ phiếu FLC gây lao đao cho hơn 64.700 nhà đầu tư khi bị hủy niêm yết trên sàn HoSE từ ngày 20/2. (Ảnh: BTV tổng hợp/CafeF)

Theo đó, gần 710 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC) sẽ bị hủy niêm yết từ ngày 20/2/2023 vì vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết.

Quyết định này được cho là mang đến tác động không nhỏ đến nhà đầu tư cổ phiếu này. Bởi tại phiên họp bất thường diễn ra vào đầu năm nay, phía Tập đoàn FLC cho biết doanh nghiệp này có hơn 64.700 cổ đông.

Sau khi hủy niêm yết khỏi sàn chứng khoán TP.HCM, cổ phiếu FLC vẫn còn có thể giao dịch trên sàn UpCOM.

Trước đó, do liên tục vi phạm quy định công bố thông tin, cổ phiếu FLC đã bị HoSE đình chỉ giao dịch từ tháng 9/2022.

Mặc dù ở thời điểm tháng 2/2023 nhưng doanh nghiệp vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021 và báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022. Doanh nghiệp cho hay do chưa tìm được đơn vị kiểm toán, chưa thể tổ chức đại hội đồng cổ đông 2022.

Ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam vì thao túng thị trường chứng khoán

Sau khi ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC bị bắt vào tháng 4/2022 để điều tra về hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”, hầu hết các công ty thuộc hệ sinh thái FLC cũng bị xuống dốc.

Do doanh nghiệp vi phạm, nên hàng loạt cổ phiếu “họ FLC” cũng bị xử phạt trên sàn chứng khoán. Trong đó mã ROS (Xây dựng FLC Faros) đã bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM; cổ phiếu HAI (Nông dược HAI) và ART (Chứng khoán BOS) đều bị đình chỉ giao dịch.

Mã AMD (Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone) bị đưa vào diện kiểm soát. GAB (Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC) và KLF (Đầu tư thương mại và Xuất nhập khẩu CFS) bị hạn chế giao dịch.

Trừ mã GAB vốn hiếm khi xuất hiện giao dịch nên giá vẫn neo cao, các mã khác thuộc “họ FLC” đã bị giảm từ 80 – 90% giá trị kể từ mốc đỉnh đã lập vào tháng 1/2022, hiện chỉ còn quanh mốc 900 – 3.600 đồng/cổ phiếu.

Về tình hình kinh doanh, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn FLC ghi nhận doanh thu thuần đạt khoảng 2.090 tỷ đồng, giảm 63% so với 9 tháng/2021 và lỗ trước thuế lên đến 1.888 tỷ đồng. Khoản đầu tư vào CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) với giá gốc 4.015 tỷ đồng đang bị lỗ khoảng 1.260 tỷ đồng.


Tuấn Minh

Một siêu xe Rolls-Royce khác của FLC bị mang ra đấu giá thu hồi nợ Thêm một ngân hàng thu hồi nợ của doanh nghiệp thuộc FLC bằng việc bán đấu giá siêu xe Rolls-Royce với giá khởi điểm 28 tỷ đồng.

Chia sẻ Facebook