Cổ phiếu Dệt may Thành Công (TCM) giảm sâu, cựu sếp Prime mất phần lớn số lãi sau gần 2 năm đầu tư
Số lãi từ khoản đầu tư vào TCM của ông Nguyễn Văn Nghĩa tạm tính đến thời điểm hiện tại chỉ còn khoảng 240 tỷ đồng dù từng có thời điểm lên đến 800 tỷ đồng khi cổ phiếu này đạt đỉnh lịch sử cuối tháng 3/2021.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một phiên đầy biến động với hàng loạt cổ phiếu bị bán mạnh trong đó có TCM của Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công. Cổ phiếu này đã có phiên thứ 2 liên tiếp giảm sàn qua đó rơi xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. So với đỉnh đỉnh đạt được cuối tháng 3/2021, TCM hiện đã mất hơn một nửa thị giá.
Nhắc đến TCM, nhà đầu tư hẳn chưa quên con sóng kéo dài từ cuối tháng 10/2020 đến đầu tháng 4/2021. Liên tục tăng nóng với nhiều phiên trần, TCM đã tăng vọt gấp 5 lần chỉ trong khoảng 5 tháng qua đó leo lên lập đỉnh lịch sử 120.000 đồng/cổ phiếu (chưa điều chỉnh). Bên cạnh yếu tố kinh doanh tích cực, đà tăng của TCM thời điểm đó còn được hỗ trợ bởi sự xuất hiện của "cá mập" Nguyễn Văn Nghĩa, cựu Phó Tổng Giám đốc Prime Group.
Kể từ khi trở thành cổ đông lớn vào tháng 9/2020, ông Nghĩa đã liên tục gia tăng sở hữu, qua đó thúc đẩy đà tăng giá cổ phiếu. Đến thời điểm hiện tại, cá nhân này đã nắm giữ hơn 12,8 triệu cổ phiếu TCM, tương ứng tỷ lệ gần 15,7% và có "chân" trong HĐQT công ty. Ước tính số tiền ông Nghĩa chi ra để sở hữu lượng cổ phiếu TCM như hiện này vào khoảng 300 tỷ đồng và hiện đang tạm lãi 240 tỷ đồng.
Trong quá khứ, khoản đầu tư vào TCM từng có thời điểm đem lại cho ông Nghĩa khoản lãi gấp nhiều lần hiện tại. Khi TCM đạt đỉnh vào cuối tháng 3/2021, ông Nghĩa mới chỉ nắm giữ hơn 8,7 triệu cổ phiếu với giá vốn đâu đó hơn 200 tỷ đồng trong khi giá trị thị trường lên đến cả nghìn tỷ đồng. Ước tính số lãi của khoản đầu tư này thời điểm đó có thể lên đến gần 800 tỷ đồng.
Ông Nghĩa từng chia sẻ việc đầu tư vào TCM mang tính dài hạn và diễn ra sau khi được nghe chia sẻ về chiến lược cũng như tham quan các nhà máy của công ty. Vì thế, số lãi từ khoản đầu tư hiện chỉ còn khoảng 1/3 sau hơn 1 năm có lẽ cũng không làm ông Nghĩa quá bận tâm.
Ngoài TCM, ông Nghĩa còn được biết đến với vai trò cổ đông lớn đồng thời là thành viên HĐQT của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán khác như Licogi 16 (mã LCG) hay Thăng Long Invest (mã TIG). Hiện tại, ông Nghĩa đang nắm giữ 5,1% cổ phần tại Licogi 16 và 12,5% vốn tại Thăng Long Invest.
Giảm mạnh sau khi vào Diamond ETF
Trở lại với TCM, ngoài sự xuất hiện của "tay to", cú nước rút cuối cùng trước khi đạt đỉnh của cổ phiếu này còn được nhắc đến nhiều với câu chuyện lọt rổ Diamond ETF. Nhờ đáp ứng các tiêu chí, TCM đã sớm được dự báo có thể lọt rổ Diamond ETF trong kỳ review quý 1/2021 từ tháng 3, thời điểm cổ phiếu này liên tục tăng nóng.
Nếu được lọt vào danh mục quỹ Diamond ETF, TCM có thể được mua vào hàng trăm nghìn cổ phiếu và con số này sẽ còn gia tăng dựa vào việc hút vốn của quỹ. Và không ngoài dự báo, cổ phiếu này chính thức được thông báo lọt rổ VNDiamond (chỉ số cơ sở của quỹ Diamond ETF) vào ngày 19/4/2021. Thời điểm đó, TCM vẫn đang neo giá quanh vùng đỉnh lịch sử.
Tuy nhiên niềm vui ngắn chẳng tề gang, từ sau khi chính thức được vào rổ Diamond ETF, TCM đã quay đầu chóng vánh và liên tục điều chỉnh sâu. Thi thoảng cổ phiếu này cũng tạo ra một vài nhịp hồi nhưng chưa bao giờ trở lại được vùng đỉnh trước đó. Đến tháng 10/2021, TCM đã bị loại ra khỏi VNDiamond do không đáp ứng được tiêu chí vốn hóa điều chỉnh theo tỷ lệ freefloat.
Ngày 19/4/2022, TCM một lần nữa được chỉ số VNDiamond điền tên vào danh mục trong kỳ cơ cấu tháng 4 và thật trung hợp là cổ phiếu này lại đi theo đúng vết xe đổ trước đó khi ngay lập tức quay đầu lao dốc. Chỉ trong vòng hơn 2 tháng, cổ phiếu này đã mất gần 39% thị giá và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Hiện tại, quy mô danh mục của Diamond ETF ngày 22/6 lên đến gần 17.767 tỷ đồng trong đó TCM đang là cổ phiếu có tỷ trọng nhỏ nhất với 0,17%. Ước tính quỹ ETF này đang nắm giữ khoảng hơn 700.000 cổ phiếu TCM.