Cổ phiếu của ngân hàng cho FLC vay tăng mạnh
Chủ tịch FLC Group - ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Một số thông tin cho rằng vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến cổ phiếu của những ngân hàng cho FLC vay. Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy.
Phiên giao dịch sáng nay (31/3), cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hóa khi một nửa tăng giá, nửa còn lại đứng giá tham chiếu hoặc giảm nhẹ.
Mã ngân hàng tăng mạnh nhất đang là NVB của Ngân hàng Quốc dân (NCB) với mức tăng 4,2% lên 37.300 đồng/cp. Tuy nhiên, chưa có gì chắc chắn khi trong các phiên trước, NVB biến động rất mạnh, tăng vọt buổi sáng nhưng đến chiều lại quay đầu đóng cửa trong sắc đỏ.
NCB gây chú ý thời gian gần đây khi là một trong những ngân hàng cho FLC vay nhiều nhất. Được biết, NCB là ngân hàng có dư nợ cho vay FLC nhiều thứ 4, sau Sacombank, BIDV, OCB. Khoản vay của NCB cho FLC là 634 tỷ đồng và được đảm bảo bởi 60 triệu cổ phần BAV (Bamboo Airways).
Phản ứng với thông tin lãnh đạo của FLC bị bắt vì hành vi thao túng chứng khoán, cổ phiếu NVB lại không chịu nhiều ảnh hưởng khi phiên 28/3 tăng 3,1%, phiên 29/3 giảm nhẹ 0,3% và phiên 30/3 giảm 1,9%. Như vậy, từ đầu tuần đến nay, NVB đã tăng 5%.
Mới đây, NCB cũng đã lên tiếng về các khoản vay của tập đoàn FLC. Nhà băng này nhấn mạnh các khoản vay đều có tài sản bảo đảm và trong trường hợp phát sinh rủi ro, NCB sẽ chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo đúng quy định để thu hồi nợ. Nhà băng cũng cho rằng FLC đang hoạt động kinh doanh bình thường, có nguồn thu và dòng tiền để tái đầu tư cho kinh doanh và thực hiện các nghĩa vụ với ngân hàng.
Ngoài NCB, 2 chủ nợ lớn nhất của FLC là ngân hàng Sacombank (STB) và BIDV (BID) cũng ghi nhận giá cổ phiếu phục hồi mạnh mẽ trong 2 phiên trở lại đây.
Trong 2 ngày 29-30/3, BID đã tăng 4,7% và trong sáng 30/3 là một trong những mã duy trì được sắc xanh. Mức tăng này đã bù lại được phiên giảm 4,4% hôm đầu tuần.
Cổ phiếu STB cũng không ghi nhận sự biến động mạnh ngoại trừ phiên giảm 5,5% hôm đầu tuần. STB đã hồi phục trở lại trong 2 phiên 29-30/3 với mức tăng 1,2%. Đáng chú ý, dù xuất hiện thông tin bất lợi, cổ phiếu này vẫn hút nhà đầu tư nước ngoài khi được mua ròng liên tục từ đầu tuần đến nay (khối lượng mua ròng gần 1,5 triệu cp).
Sacombank cũng đã thông tin về các khoản vay của FLC. Nhà băng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, FLC Group đang hoạt động bình thường và thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký với Sacombank. Và như nguyên tắc thông thường trong hoạt động cấp tín dụng đối với các khoản vay có tài sản đảm bảo, trường hợp có phát sinh rủi ro, Sacombank sẽ chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật để thu hồi nợ, đảm bảo an toàn cho hoạt động.
Ngân hàng khác có dư nợ lớn của FLC là OCB cũng tương tự, giá cổ phiếu chỉ dao động quanh mức 25.500-26.000 đồng/cp từ đầu tuần đến nay, thanh khoản tăng 2-3 lần so với tuần trước. Sáng nay (31/3) cổ phiếu OCB tăng giá 0,4%.
Lãnh đạo OCB cũng cho rằng khoản vay với FLC không đáng ngại khi có tài sản đảm bảo tốt. Nếu có rủi ro xảy ra, chỉ riêng xử lý tài sản đảm bảo là ngân hàng đã đảm bảo khả năng thu hồi nợ. Ngoài ra, từ trước đến nay, FLC luôn trả nợ đúng hạn, chưa bao giờ xảy ra nợ xấu. Mặc dù lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp bị bắt là thông tin xấu, song hoạt động của FLC hiện đang khá ổn, giai đoạn khó khăn nhất đã qua.
Tại chương trình "Bí Mật Đồng Tiền" ngày 30/3, ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI cho rằng, với những câu chuyện xấu của doanh nghiệp, cần đánh giá xem lượng tài sản đảm bảo như thế nào, có tỷ lệ ra sao với khoản vay. Nếu tài sản đảm bảo tốt, doanh nghiệp có xảy ra chuyện gì thì ngân hàng bị ảnh hưởng rất ít. Chưa kể, tỷ lệ bao nợ xấu của các ngân hàng hiện nay đang rất cao, phần lớn trên 2 lần nên ảnh hưởng là khá hạn chế.