Có phải con nhà nghèo thường học giỏi?
...chúng ta cũng phải can đảm để thừa nhận một sự thật là trên thế giới và có lẽ cả ở Việt Nam “con nhà giàu ngày càng học giỏi”.
Sau mỗi kì thi như thi vào THPT, thi vào đại học, các tờ báo lại thi nhau giật tít “Bố lượm ve chai con đỗ thủ khoa đại học”, “Mẹ nông dân con đỗ thủ khoa tuyển sinh vào lớp 10”… Hấp dẫn hơn là những tít bài như “Bố sửa khóa con giành học bổng 10 tỉ”, “Mẹ bán vé số con được 10 trường đại học ở Mĩ mời đến học”…
Tất nhiên, những nhân vật được đề cập đa phần đều xứng đáng được kính trọng. Họ đã vượt ra khỏi hoàn cảnh và đạt được thành công ban đầu bằng nỗ lực phi thường của mình. Ai đã từng có trải nghiệm nghèo đói, khó khăn về kinh tế, tất yếu hiểu được, gánh nặng đè lên thể xác và tinh thần lớn đến thế nào.
Tuy nhiên, kiểu giật tít câu “viu” như trên cùng lối viết ca ngợi một chiều với hàm ý “nghèo đói tạo nên thành công”, “khó khăn tạo ra ý chí” cũng có tác dụng phụ của nó. Khi những bài báo đó được xuất bản liên tục lặp đi lặp lại nhiều lần mà không có gì… mới, nó dễ làm cho người đọc hiểu rằng chỉ có nghèo đói mới tạo ra ý chí. Nghèo đói thuận lợi cho nỗ lực và cố gắng và thậm chí là người ta có thể tự hào… về nghèo đói.
Nghe đâu có một cuốn sách có tựa đề “nghèo đói là trường đại học vĩ đại” gì đó của người Trung Quốc.
Quả thật, khi phải đặt trong hoàn cảnh sinh tồn, cá nhân sẽ phải nỗ lực để tồn tại và trải qua khó khăn ý chí sẽ được rèn giũa.
Tuy nhiên không nên hiểu cứ nghèo đói, khó khăn là cá nhân sẽ cố gắng. Những cá nhân cố gắng được để thắng hoàn cảnh không phải là… đa số. Ngoài những trường hợp được nêu gương trên báo như một điển hình sáng chói thì có vô vàn những thanh niên khác không thoát khỏi bàn tay của hoàn cảnh và thậm chí có ý chí rất thấp vì sống trong nghèo đói. Nghèo đói có thể làm cho người ta có ý chí, nhưng có thể làm cho cá nhân suy nghĩ tầm thường và luẩn quẩn. Bần cùng về kinh tế và điều kiện sống rất gần với bần cùng về tư duy và văn hóa.
Những trường hợp ngược lại là hiếm hoi và thường rơi vào những người đặc biệt xuất sắc, những vĩ nhân, những con rồng ẩn mình. Ở đó, đằng sau sự khổ sở, nghèo đói là những bộ óc vĩ đại và ngọn lửa ý chí cháy bỏng.
Tất nhiên, trong hoàn cảnh nhiều gia đình giàu có cũng bế tắc về lẽ sống, tư duy và lý tưởng, cũng như có nhiều thanh niên sinh ra trong gia đình “không có gì ngoài điều kiện” sa ngã, trụy lạc và hư hỏng như hiện tại, người ta dễ có cái nhìn “khoan dung quá mức” với nghèo đói.
Người ta sẽ mĩ hóa “nghèo đói” như là một liệu pháp tinh thần giống như khi bất lực, chán nản trước hiện tại, người ta thường mĩ hóa quá khứ (ôi ngày xưa mới tươi đẹp làm sao!).
Nghèo đói thực chất là một con quái vật.
Những học sinh sinh ra, lớn lên trong các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sống ở nơi cách xa trung tâm đô thị cho dù có thông minh, nỗ lực học tập vẫn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Xin tạm kể vài ví dụ.
– Thiếu điều kiện về kinh tế, thời gian để có thể học các môn nghệ thuật. Không có thầy. Không có tiền. Không có thời gian vì phải giúp gia đình lao động. Vì vậy lớn lên họ không có thói quen thưởng thức văn chương, nghệ thuật, sinh hoạt văn hóa và trân trọng giá trị tinh thần. Những người vượt thoát ra được là người có ý thức lớn lao về hạn chế này và nỗ lực cải thiện. Hoặc một số khác tuy sinh ra ở nông thôn nhưng có ông bà, bố mẹ là những người có tư tưởng.
– Thiếu điều kiện để học các môn thể thao một cách bài bản. Nếu có chơi thể thao cũng thường là tự phát và bản năng. Ở quê khi xưa còn có sông ngòi, bãi cỏ để bơi, để đá bóng. Giờ đây sông ngòi ô nhiễm, đất đai thu hẹp, không gian sinh hoạt, vui chơi không còn nữa.
– Thiếu những người có lý tưởng cao xa, những người có trí tuệ vượt bậc dẫn dắt. Thời nào cũng thế, về cơ bản những bậc thầy trí tuệ, tư tưởng thường tập trung ở các khu đô thị lớn, những trung tâm văn hóa hoặc nơi có truyền thống văn chương, học thuật. Nhiều học sinh nông thôn có tố chất tốt nhưng không có người thầy tốt để dẫn dắt. Khi xưa, thi thoảng sẽ có những bậc cao minh lánh xa đời sống chính trị ở thôn quê và trở thành người chỉ đường cho thanh thiếu niên. Ngày nay thường rất hiếm thấy những trường hợp như vậy.
– Thiếu môi trường để rèn luyện các “kĩ năng mềm” như giao tiếp, hoạt động xã hội, tổ chức – lãnh đạo. Trước kia trong môi trường truyền thống của làng xã, trẻ em thường kết thành hội nhóm để cùng vui chơi, bày trò nghịch ngợm. Thông qua đó chúng tự rèn luyện lấy các kĩ năng như giao tiếp, sinh tồn, tự vệ, lãnh đạo… Tuy nhiên môi trường này hiện tại gần như bị phá vỡ hoàn toàn. Trẻ em nông thôn học xong cũng chỉ về nhà mình chơi trong một không gian nhỏ hẹp. Rất nhiều học sinh suốt 12 năm cũng chỉ biết đến trường rồi về nhà. Cha mẹ cũng cứ thấy con học là vui nên không cho lao động cùng gia đình, không cho làm việc nhà. Nhiều học sinh vì thế sinh ra, lớn lên trong gia đình nghèo nhưng không hề… khổ! Mọi thứ được bố mẹ bao bọc, hi sinh hết.
Hệ quả của những hạn chế trên là học sinh ở nông thôn vẫn có thể vào đại học, vẫn có thể đỗ thủ khoa trong các kì thi như thi chuyển cấp, thi đại học. Tuy nhiên, khi bước vào đời sống và sống như một người độc lập, học sinh nông thôn thường bộc lộ rõ hạn chế của mình khi thiếu vắng nền tảng văn hóa nói chung và các kĩ năng xã hội. Điều này làm hạn chế cơ hội vươn cao, vươn xa trong nghề nghiệp và tự hoàn thiện mình. Những ai sinh ra ở nông thôn và có được thành công đều là những người có ý thức sâu sắc về hạn chế này để tự học, tự hoàn thiện.
So với các con đường khác, học tập để trưởng thành, thành công vẫn là một con đường tương đối công bằng. Cho dù xuất thân thế nào, học sinh vẫn có thể trở thành một người học giỏi, thi đỗ, trở thành bác sĩ, kĩ sư, nhà khoa học. Cơ hội vì thế chia đều cho tất cả mọi người. Đấy cũng là niềm hi vọng và sự an ủi lớn lao cho những gia đình thuộc giới bình dân hoặc nghèo khổ.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải can đảm để thừa nhận một sự thật là trên thế giới và có lẽ cả ở Việt Nam “con nhà giàu ngày càng học giỏi” . Các số liệu thống kê trên thế giới ở Mĩ, Nhật Bản đều cho thấy tỉ lệ các sinh viên là con nhà giàu vào học các trường danh tiếng ngày càng cao và chiếm tỉ lệ áp đảo so với con nhà bình dân. Thậm chí ở Nhật Bản người ta còn nói rằng rất khó để con nhà bình dân có cửa chen chân vào các đại học như Waseda, Tokyo, Đại học nghệ thuật Tokyo. Để thi vào những trường đó phải chuẩn bị từ rất sớm và đó là cuộc chơi vô cùng tốn kém.
Nghèo đói và chênh lệch giàu nghèo gây ra sự bất công bằng trong tiếp cận cơ hội giáo dục.
Xét trong lịch sử, có lẽ số lượng những cá nhân kiệt xuất về khoa học, văn học, nghệ thuật, tư tưởng xuất thân từ tầng lớp trung lưu trở lên cũng nổi trội hơn.
Nghèo đói là gánh nặng làm cho nhiều cá nhân có trí thông minh không thể nghĩ được gì xa hơn miếng cơm, manh áo và cuộc sống đời thường. Trong một môi trường rất ít người mơ ước viển vông và xa vời – cũng là môi trường không tôn vinh cuồng nhiệt các giá trị tinh thần, người ta sẽ mỏi cổ chờ đợi thiên tài. Văn hóa nói chung của cộng đồng cũng là một thứ gì đó giống như mặt hàng xa xỉ.
Đấy là một điều thật đáng buồn và đáng tiếc.
Bởi thế, không nên nghĩ một cách giản đơn và xuôi chiều rằng nghèo đói tạo ra động lực và nghèo đói tạo nên ý chí. Nghèo đói còn thực sự là một lực cản lớn. Nó không có gì đáng tự hào mà nó là thứ cần phải nỗ lực để vượt qua.
Tái bút: Khi còn là một anh “giáo khổ trường công” (xin lỗi cụ Nam Cao), tôi có không ít lần có cảm giác nổi giận lẫn xót xa, ngậm ngùi khi chứng kiến những sinh viên xuất thân từ nông thôn, bố mẹ là nông dân nhưng khi sống ở thành phố và đi học đã không hề có ý chí và động lực vươn lên mạnh mẽ. Những thanh niên sống vật vờ về tinh thần kiểu này gây cho tôi một sự chán nản vô cùng. Nó làm cho tôi cạn nguồn năng lượng. Thật buồn là trong những cơ thể khỏe mạnh, trẻ trung và thậm chí là xinh đẹp nữa (về ăn uống có lẽ các thế hệ sau này được hưởng thụ tốt hơn rất nhiều) là những tinh thần rệu rã, hời hợt và phù phiếm. Nhiều sinh viên đã đến giảng đường chỉ để… ngủ, chơi điện thoại và… chờ tốt nghiệp. Đấy là một sự thật mà bố mẹ ở quê không muốn tin. Không sao! Các phụ huynh hãy thử bí mật xâm nhập vào đời sống sinh viên và quan sát con của mình, chắc chắn nhiều người sẽ giật mình.
Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả :
Mời xem video :