Cổ nhân: Người thất tín sẽ không còn chỗ đứng trên thế gian này
Cổ nhân coi chữ tín giống như sinh mệnh thứ hai của mình. Họ giảng rằng, lời nói ra phải có sự tin tưởng tuyệt đối. Một khi đã phụ tín nghĩa, người ta cảm thấy những năm tháng cuộc đời về sau là không còn ý nghĩa gì nữa.
1. Bảo kiếm của Quý Trát
Thời Xuân Thu, có một người tên Quý Trát, là con út của vua Ngô vương Thọ Mộng. Một lần, Quý Trát đại diện cho nước Ngô đi sứ đến nước Lỗ, trên đường đi có ngang qua nước Từ. Vua nước Từ là người hiếu khách, liền tổ chức yến tiệc để chiêu đãi Quý Trát.
Trong khi dùng bữa, vua Từ thường nhìn chằm chằm vào thanh bảo kiếm mà Quý Trát đeo trên người, mấy lần muốn nói nhưng lại không tiện mở miệng.
Quý Trát là người thông minh nên chỉ liếc mắt đã hiểu thấu lòng vua Từ, định tặng lại thanh bảo kiếm cho vua nước Từ. Nhưng dựa theo lễ nghi mà nói, khi đi sứ nước khác cần phải đeo bảo kiếm, đây là một sự tôn trọng cũng là lễ tiết. Vậy nên, Quý Trát đã tự hứa trong lòng mình rằng: “Đợi khi đi nước Lỗ trở về, nhất định ta sẽ tặng lại thanh bảo kiếm này cho vua Từ”.
Sau hơn 1 năm ở nước Lỗ, Quý Trát bắt đầu trở về nước và cũng không quên lời hứa tặng lại thanh bảo kiếm cho vua nước Từ. Đáng tiếc là khi trở lại Từ quốc, thì vua nước Từ đã qua đời. Quý Trát liền đem thanh bảo kiếm treo lên cây chỗ mộ của vua Từ.
Đoàn người tùy tùng đi theo ông vội ngăn cản và nói: “Chủ nhân, thanh bảo kiếm là quốc bảo của nước Ngô, sao có thể tùy tiện đem tặng cho người khác? Huống hồ, ngài cũng chưa từng hứa sẽ tặng cho ông ta, mà cho dù có hứa tặng, thì bây giờ vua Từ cũng đã qua đời, cũng đâu cần phải treo kiếm ở lại đây chứ?”
Quý Trát nghe vậy liền trả lời: “Lần trước trong lúc nói chuyện cùng với vua Từ, ta không tặng bảo kiếm cho ngài là vì ta còn phải có nhiệm vụ đi sứ nước Lỗ. Nhưng trong lòng ta sớm đã hứa sẽ tặng nó cho vua Từ rồi.
Đã hứa rồi, sao có thể vì vua Từ đã mất mà lừa gạt lương tâm của mình đây? Hơn nữa, ta là công tử và sứ giả của nước Lỗ mà lại không coi trọng chữ tín, nếu như điều này truyền đi thì đâu còn mặt mũi nào mà đối mặt với mọi người? Người khác sẽ nhìn chúng ta như thế nào?”
Hành động này của ông khiến thần dân nước Từ ai ai cũng ngợi ca, họ còn sáng tác một ca khúc để ca tụng về ông. Cũng từ đó câu chuyện “Quý Trát treo kiếm” được lưu truyền cho đến thời nay.
2. Lời hẹn của vị Thái thú
Vào thời Đông Hán, có một viên quan đức hạnh tên là Quách Cấp, ông đảm nhiệm chức vụ Thái thú. Một hôm, trong lúc đang đi tuần tra tại một địa phương, đột nhiên có một đám trẻ nhỏ, chạy đến trước mặt ông và nói: “Đại nhân, khi nào ngài sẽ trở lại?”
Quách Cấp đối với bọn trẻ cũng rất tôn trọng, lời nói của một đứa trẻ ông cũng không thờ ơ. Ông bắt đầu tính có thể mấy tháng sau vào ngày nào đó ông sẽ lại đi tuần qua đây. Kết quả bọn trẻ vui vẻ tiễn ông lên đường rồi giải tán.
Nhưng sau đó, khi đến ngày ông đi tuần ở nơi này thì lại sớm hơn một ngày so với ngày ông đã nói với bọn trẻ trước đây. Người tùy tùng của ông muốn đi nhưng ông nói: “Không được! Ta đã có hẹn trước với bọn trẻ. Cho nên hôm nay ta hãy nghỉ đêm ở bên ngoài, trong cái đình hoang này.”
Sau đó đợi đúng ngày hẹn ước thì Quách Cấp mới tiến vào. Và quả nhiên bọn trẻ cũng đã ở đó để đợi ông. Hán Quang Vũ Đế sau khi nghe chuyện thì rất tôn kính đối với Quách Cấp, còn khen ngợi ông là “Thiện lương thái thú tín chi chí” . Chữ “tín”của ông đã đạt đến cực điểm, không còn một thiếu sót nào.
3. Chu Huy và Trương Kham
Vào thời nhà Hán, có một học nhân tên là Chu Huy. Khi ông học ở Thái học, có một người bạn học tên là Trương Kham.
Trương Kham ở bên cạnh quan sát Chu Huy rất lâu, cảm thấy con người này rất có nghĩa khí, c ho nên, Trương Kham nói với Chu Huy: “Sau này nếu tôi có mệnh hệ gì, anh có thể chăm sóc vợ con giúp tôi không?”
Hai người mặc dù không thân thiết, nhưng lời này của Trương Kham đã xem ông như người bạn rất tin cậy. Chu Huy cảm thấy rất đường đột, cho nên chưa trả lời.
Kết quả không được bao lâu, Trương Kham quả nhiên qua đời, Chu Huy nghe được tin này, liền đem rất nhiều tài vật đi thăm vợ con của Trương Kham.
Con trai của ông cũng đi cùng và thấy rất buồn, liền hỏi cha: “Cha chưa từng kết giao với người này, sao cha lại phải giúp ông ấy chứ?”
Chu Huy nói: “Trương Kham tin tưởng cha như vậy, cho thấy trong lòng ông ấy đã xem cha như người tri kỷ, mà tấm lòng này của ông ấy thôi thúc cha cũng xem ông ấy là bạn. Mà đã xem ông ấy là bạn rồi, thì nên tận tâm tận lực mà chăm sóc vợ con ông ấy chứ.”
4. Ba nghìn dặm không thất tín
Có hai người bạn nọ gặp nhau vào khoảng đầu mùa xuân. Trước khi chia tay, chủ nhà hỏi người bạn của mình rằng, khi nào thì lại đến chơi. Người bạn kia hẹn vào tết Trung thu sẽ tới để hai người cùng ngắm trăng.
Đến tết Trung thu, chủ nhà mang rượu và thức ăn ra hoa viên sau nhà, không ăn không uống mà kiên trì ngồi chờ bạn đến. Đến lúc gần tới canh ba, người bạn kia quả nhiên đi đến, đứng ngoài cửa hoa viên hỏi: “Hiện tại chưa qua canh ba nên vẫn tính đang là ngày rằm chứ?”
“Chưa qua, chưa qua, đương nhiên vẫn là rằm tháng tám rồi. Tôi biết rõ ngài nhất định sẽ đến, bởi vì trong trí nhớ của tôi thì ngài chưa thất tín với tôi bao giờ. Xin mời, mau vào cùng tôi uống rượu ngắm trăng”.
Xin ngài đừng qua đây! Vì gặp chuyện đặc biệt nên ta không thể gặp ngài đúng hẹn. Ta từng nghe có người nói, con người mà trút bỏ đi thân thể rồi thì chỉ trong tích tắc, nguyên thần có thể đi ngàn dặm đường. Cho nên, vào canh hai ta đã trút bỏ đi thân thể của mình để có thể đi ba nghìn dặm đến đây trước canh ba. Giờ ta đã ở đây rồi, xem ra lời ấy cũng không phải hư truyền. Ta với ngài giờ đã là Âm Dương cách biệt, nhưng dù sao thì ta cũng đã giữ được lời hứa với ngài.
Thủ tín, là một nhân cách đáng quý của con người mà chúng ta có dùng tiền cũng không mua được, đường đường chính chính làm người thì nên làm việc một cách rõ ràng rành mạch. Đừng bao giờ để người khác mất lòng tin vào bạn, bởi khi người khác tin bạn, đó chính là giá trị của bạn trong lòng người đó. Thất tín là sự phá sản lớn nhất của đời người!
Tuệ Tâm