Cổ nhân: Không cùng chí hướng không thể cùng mưu sự

Chia sẻ Facebook
03/08/2022 19:50:44

Sách "Luận Ngữ" viết: "Đạo bất đồng bất tương vi mưu", tức là những người không cùng chí hướng thì không thể cùng nhau mưu tính sự nghiệp được.


Trong “Luận Ngữ. Vệ Linh Công” viết: “Đạo bất đồng bất tương vi mưu”, tức là những người không cùng con đường, không cùng chí hướng thì không thể cùng nhau mưu tính sự nghiệp được, miễn cưỡng thì sự cũng không thành, thậm chí còn đem đến thương tổn cho nhau.

Thời Đông Hán, Quản Ninh và Hoa Hâm là bạn học thân thiết của nhau. Một hôm, hai người đang cuốc đất trồng rau, thì cuốc được một thỏi vàng. Quản Ninh nhìn thấy thỏi vàng liền coi nó cũng giống như hòn gạch hòn đá, cứ tiếp tục cuốc và đẩy thỏi vàng sang một bên. Hoa Hâm không đành lòng, nên cầm thỏi vàng lên xem một chút rồi mới ném xuống đất.

Mấy ngày sau, khi hai người đang ở trong phòng đọc sách thì ngoài đường có tiếng tiền hô hậu ủng vang dậy, tiếng chiêng trống quả thực náo nhiệt. Quản Ninh “mắt điếc tai ngơ”, tiếp tục chăm chú đọc sách. Nhưng Hoa Hâm lại đứng ngồi không yên, cuối cùng bỏ sách chạy ra xem. Quản Ninh thấy Hoa Hâm không phải người có cùng chí hướng với mình, liền cầm một con dao nhỏ cắt đôi chiếc chiếu mà hai người ngồi chung ra, từ đó không coi Hoa Hâm là bạn nữa.


Cổ ngữ nói: “Nhân các hữu chí, bất năng cường miễn” , nghĩa là mỗi người đều có chí hướng của riêng mình, người khác không thể miễn cưỡng được. Trong “Sử ký” cũng có câu: “Yến tước an tri hồng hộc chi chí” (Chim sẻ, chim én làm sao biết được chí hướng của chim hồng chim hộc), ví những kẻ tầm thường thì không thể biết được chí hướng của người mang hùng tâm tráng chí. Kỳ thực, những câu nói này đều mang ý tứ “Đạo bất đồng, bất tương vi mưu”. Đương nhiên, “đạo” ở đây mang hàm nghĩa rộng lớn, chỉ chí hướng, tư tưởng, quan niệm, học thuật, chủ trương, truy cầu … của mỗi người.


Bá Di và Thúc tề là hai con vua Cô Trúc, chư hầu của nhà Ân. Vua Cô Trúc muốn Thúc Tề nối ngôi nhưng khi vua mất, Thúc Tề nhường ngôi cho Bá Di, Bá Di không nhận bèn bỏ đi nơi khác. Thúc Tề cũng bỏ nước mà đi, người trong nước phải lập con thứ lên thay. Bá Di, Thúc Tề nghe tiếng Tây Bá là người hiền nên mới theo về với ông. Đến khi Tây Bá chết, Vũ Vương kéo quân sang đánh Trụ. Bá Di, Thúc tề ghìm cương ngựa can lại, cho đó là việc làm bất nhân. Khi vua Vũ diệt xong nhà Ân, dựng nghiệp nhà Chu, Bá Di và Thúc Tề lấy việc nước mất làm xấu hổ mới bỏ đi ở ẩn ở núi, hái rau mà ăn chứ không ăn thóc nhà Chu. Cả hai người đều chịu chết đói trên núi Thú Dương. Tư Mã Thiên đã cảm thán trong “Sử ký. Bá Di trường tề liệt truyện” rằng: “Đạo bất đồng bất tương vi mưu. Quả thật là mỗi người đều đi theo chí hướng của mỗi người” . Đây là điển hình về việc thái độ chính trị bất đồng thì không thể đàm mưu tính kế được.


Trong “Kinh Dịch” có câu: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, đại ý rằng những âm thanh giống nhau sẽ tạo nên sự cộng hưởng, những hương vị giống nhau sẽ tạo nên sự hoà hợp, hay những sự vật cùng loại sẽ cảm ứng lẫn nhau. Trong “Chu Dịch. Hệ từ thượng” cũng viết: “ Phương dĩ loại tụ, vật dĩ quần phân”, nghĩa là những thứ cùng loại thường sẽ tụ về cùng một chỗ.

Rất nhiều danh ngôn của người xưa đều nhắc nhở con người rằng những người có chí hướng, tính cách riêng tương đồng với nhau (không nhất thiết phải hoàn toàn giống nhau) thì mới có thể chung sống, tụ họp lại một chỗ một cách bình hòa được. Cũng có nghĩa rằng, nguyên nhân căn bản nhất  khiến người ta có thể trở thành tri kỷ, bạn tốt của nhau là vì có chí hướng giống nhau, có sự giống nhau về lập trường và quan điểm trong cách đối đãi với sự vật. Nói theo cách của cổ nhân, bạn bè chân chính là những người đồng tâm đồng đạo.

Trong cuộc sống, những người có thế giới quan, giá trị quan và nhân sinh quan (tam quan) không hợp thì rất khó trở thành những người bạn thực sự của nhau được. Ví như, một người kính sợ thiên lý, một người lại sùng bái quyền uy, đây là thế giới quan bất hòa. Một người tin tưởng lương tri, một người truy cầu vật chất, đây là giá trị quan bất hòa. Một người chỉ muốn làm người bình thường, người kia lại muốn làm người bề trên thì đây là nhân sinh quan bất hòa. Hai kiểu người như vậy rất khó để hiểu nhau và trở thành bạn thân thực sự của nhau.


“Tam quan” chính là chướng ngại lớn nhất giữa người và người. Những người có “tam quan” khác nhau, khi gặp mặt sẽ nói chủ đề khác nhau và cách lý giải sự tình cũng không giống nhau. Nếu họ gặp mặt một lát, trò chuyện một lúc thì không sao, nhưng nếu có nhiều thời gian dành cho nhau hơn, họ sẽ nói như gà với vịt, từ đó khiến cả hai đều cảm thấy nhàm chán và thậm chí có thể không hiểu mà làm tổn thương lẫn nhau.

Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng, con ếch và con chuột trở thành bạn của nhau. Vì chúng muốn lúc nào cũng được ở cùng nhau nên đã buộc hai chân vào nhau. Lúc mới buộc chân, hai con đi trên đường đất một cách bình thường, còn có thể cùng ăn với nhau, cảm thấy rất vui vẻ. Nhưng khi đi đến bên bờ ao, con ếch thoáng cái đã nhảy xuống mặt ao, khiến con chuột bị lôi xuống theo. Con ếch ở trên mặt nước cảm thấy rất vui vẻ, nhưng con chuột đáng thương lại không biết bơi. Một lúc sau, con chuột bị chết đuối. Xác con chuột nổi lên trên mặt nước trong khi chân nó vẫn buộc vào chân con ếch. Vừa lúc ấy, một con diều hâu bay qua, nhìn thấy xác con chuột nên đã sà xuống mặt nước cắp con chuột lên. Con ếch cũng bị cắp đi theo và trở thành món ngon của diều hâu.

Những người có thế giới quan, giá trị quan và nhân sinh quan bất đồng nhưng thường lui tới mật thiết với nhau sẽ giống như con chuột và con ếch trong chuyện ngụ ngôn trên, có thể đem đến thương tổn cho nhau.


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Kết giao bạn bè: Trọng nghĩa không trọng lợi

Chia sẻ Facebook