Cổ nhân dưỡng sinh: Thuận theo tự nhiên
Đạo Đức Kinh viết: “Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”. “Thuận theo tự nhiên” là cách sống để có được thân tâm khỏe mạnh, cũng là phương pháp dưỡng sinh của cổ nhân.
Cuộc đời là một hành trình dài theo năm tháng, sống vui sống khỏe mỗi ngày có lẽ là điều mỗi người đều mong cầu. Nhưng chỉ có duy trì tâm thái thuận theo tự nhiên mới có thể đạt được thân không bệnh, tâm không phiền, cuộc đời tự do tự tại.
Dưỡng thân thuận theo tự nhiên
“Trang Tử. Dưỡng sinh đạo” viết: “Duyến đốc dĩ vi kinh, khả dĩ bảo thân, khả dĩ toàn sinh, khả dĩ dưỡng thân, khả dĩ tẫn niên” , ý nói thuận theo vạn vật tự nhiên thì có thể bảo trọng được thân thể, bảo toàn được thiên tính, bảo dưỡng được tinh thần, tận hưởng tuổi thọ, vui sống trăm năm.
Thuận theo tự nhiên trong dưỡng sinh chính là việc gì nên làm thì gắng sức làm, việc gì không nên làm thì không làm, không phóng túng dục vọng của bản thân, cũng không bảo hộ bản thân quá mức. Tôn trọng quy luật sinh lý, tiết chế dục vọng của bản thân, cứ như vậy thì thân thể sẽ được bình an vô sự.
Ngày nay có không ít người tận lực truy cầu sức khỏe và sự trường thọ. Cũng vì thế mà các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng xuất hiện ở khắp mọi nơi với đủ mọi loại. N hưng trên thực tế, những loại thuốc này có thuốc nào mang đến sự trường thọ không?
Danh thần cuối thời nhà Thanh, Tăng Quốc Phiên lúc trẻ có sức khỏe yếu ớt. Ông liên tiếp bị nhiều loại bệnh, nặng có, nhẹ có trong nhiều năm liền. Gần như cả cuộc đời ông không có năm tháng nào là thực sự khỏe mạnh. Mặc dù sức khỏe yếu như vậy nhưng các việc thi cử phong tước, xây dựng quân đội, quản lý gia đình, giáo dục con cái, Tăng Quốc Phiên đều làm được đến mức chu toàn. Trong khi không ít các quan lại triều đình lúc ấy chỉ sống được đến ngoài ba mươi tuổi nhưng ông vẫn sống đến hơn sáu mươi tuổi mới qua đời.
Có thể nói, nguyên nhân chính giúp ông sống được đến tuổi thọ ấy chính là vì ông coi trọng dưỡng sinh, sống thuận theo tự nhiên. Về ăn uống, Tăng Quốc Phiên rất tuân thủ quy luật. Mỗi bữa ông chỉ ăn no đến tám phần, không ham thích ăn uống cho dù đó là cao lương mỹ vị. Sau khi ăn xong, ông đi tản bộ. Về giờ giấc ngủ, ông cũng tuân thủ nghiêm ngặt ngủ sớm, dậy sớm, không mê luyến sắc dục. Hàng ngày ông đều vào lúc mặt trời mọc thì làm việc, lúc mặt trời lặn thì nghỉ ngơi. Ông ăn uống, làm việc và nghỉ ngơi đều theo thời gian biểu của tự nhiên như vậy. Chính vì thế dù có nền tảng sức khỏe yếu, nhưng ông vẫn có được tinh lực đi xử lý vô cùng nhiều sự việc, trở thành một vị quan nổi tiếng trong lịch sử.
Dưỡng tâm thuận theo tự nhiên
Cổ ngữ nói: “Trời có mưa gió bất trắc, người có phúc họa sớm chiều”. Ai cũng không thể khống chế được sự an bài của số mệnh. Rất nhiều thời điểm, tức giận cố chấp đều là lấy lỗi lầm của người khác trừng phạt chính mình. Tất cả những cảm xúc tồi tệ suy cho cùng đều là do tự mình chuốc lấy, hậu quả cũng là mình chịu.
Tục ngữ nói “bách bệnh sinh ra bởi khí” , bởi vậy dưỡng sinh cần phải dưỡng tâm trước. Trong “Trang Tử. Điền Tử Phương” có một điển cố kể rằng: Tôn Thúc Ngao là người nước Sở thời Xuân Thu. Trên con đường làm quan của mình, ông ba lần làm tới chức Tể tướng và ba lần bị cách chức làm thường dân.
Có người hỏi Tôn Thúc Ngao: “Ông ba lần làm quan to lộc hậu nhưng không khoe khoang, ba lần bị giáng chức rời đi cũng không buồn phiền. Trong lòng ông là nghĩ cái gì?”
Tôn Thúc Ngao đáp: “Được mất không phải là thứ mà tôi có thể khống chế được, cho nên khi chức tước đến thì tôi không cự tuyệt, còn khi chức tước mất đi tôi cũng không ngăn trở. Vì thế mà tâm tôi không sầu lo”.
Tư tưởng của Tôn Thúc Ngao cũng giống như tư tưởng của Trang Tử: “Tri kì bất khả nại hà nhi an chi nhược mệnh, đức chi chí dã” , biết sự tình đã hết cách sửa đổi mà lòng vẫn cứ vui vẻ chấp nhận mệnh, vậy là người chí đức.
Trong đời người có những sự tình mà chúng ta không có cách nào khống chế được, thuận theo tự nhiên, tiếp nhận sự an bài của số mệnh là cảnh giới làm người cao thượng.
Cho nên trong chuyện được mất nhân quả, thuận theo tự nhiên là tốt nhất. Không chìm đắm trong quá khứ, không đặt hy vọng nhiều ở tương lai, làm tốt những sự tình ở hiện tại, như vậy thân tâm đều ung dung tự tại, không lo phiền.
Mọi sự tình đều giữ tâm thái làm tốt nhất mà không cưỡng cầu
Tuân Tử có câu: “Thiên đạo hữu thường, bất vi Nghiêu tồn, bất vi Kiệt vong” , ý nói Đạo trời vận hành có quy luật nhất định, sẽ không thay đổi vì sự tồn tại của người có đạo đức cao như đế Nghiêu hay những kẻ vô đạo như vua Kiệt.
Vạn sự vạn vật trên thế gian đều có quy luật vận hành của nó. Hơn nữa trong sinh mệnh của mỗi sự vật cũng là có sự an bài riêng. Cho nên, càng cưỡng cầu đạt được thì lại càng không đạt được, thậm chí làm càng nhiều thì càng phạm sai lầm. Thay vì cưỡng cầu, nên thuận theo tự nhiên làm tốt chính việc mình cần làm, không cầu mọi sự đều phải được như ý mình. Như vậy rất có thể chúng ta sẽ đạt được kết quả như mong muốn, ít nhất cũng không phạm lỗi lầm trầm trọng.
Có một câu chuyện Phật gia kể rằng, một tiểu hòa thượng hỏi sư trụ trì: “Thưa sư phụ, vì sao có một số thứ con càng muốn có thì càng không đạt được?” Vị sư trụ trì đáp: “Đó có lẽ là vì ngươi chấp niệm quá nặng, nên thuận theo tự nhiên, đừng vội, thứ nên là của ngươi thì sớm muộn cũng sẽ là của ngươi.”
Người xưa nói: “Việc mình không có ý làm mà thành, đó là do ý Trời vậy. Việc mình không mong cầu mà tự nhiên tới, đó là do mệnh Trời vậy”. Vì vậy người xưa khuyên rằng: “Trong mệnh mà có cái đó thì cuối cùng cũng sẽ có, trong mệnh mà không có cái đó thì chớ cưỡng cầu”. Người xưa cũng nói: “Trời đã sinh ra ta thì ắt có chỗ dùng”.
Người hiểu mệnh, thuận theo tự nhiên sẽ biết quý trọng sinh mệnh, tận tâm làm việc nhưng không quá cưỡng cầu vào kết quả, điều gì đến sẽ đến, trong mệnh có gì rồi cuối cùng sẽ có. Họ không bị ngoại vật phiền nhiễu, cũng không bị được mất vây khốn, sống thích ứng được mọi hoàn cảnh mà không bị hoàn cảnh chi phối. Bởi vậy thân tâm của họ đều tự nhiên mà an lạc.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Vô cầu không phiền não là đạo dưỡng sinh, cũng là đạo xử thế
Mời xem video :