Cổ nhân dùng người: Không dùng đỉnh lớn nấu trâu để nấu gà

Chia sẻ Facebook
02/12/2022 16:55:08

Người xưa nói: "Đại tài tiểu dụng", nếu dùng người mà không thích đáng thì sẽ gây ra oan uổng và lãng phí tài năng. Có một câu chuyện...


Nhìn lại lịch sử thời kỳ quân chủ có thể nhận ra rằng sự hưng suy của một triều đại thường không tách rời với việc đế vương có trọng dụng người hiền tài hay không. Việc dùng người như thế nào sẽ có ảnh hưởng to lớn đến sự thịnh suy của đất nước. Người xưa nói: “Đại tài tiểu dụng”, nếu dùng người mà không thích đáng thì sẽ gây ra oan uổng và lãng phí tài năng. Có một câu chuyện khá thú vị về việc này được ghi chép trong Hậu Hán Thư như vậy.

(Tranh minh họa: Tranh thời Minh, Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan)

Cuối thời Đông Hán, ở vùng Trần Lưu có một văn sĩ tên là Biên Nhượng rất nổi tiếng. Đại tướng quân Hà Tiến nghe danh Biên Nhượng, rất muốn mời ông đến phụ tá cho mình. Nhưng Hà Tiến lại e rằng Biên Nhượng không tuân mệnh mình, bèn lấy danh nghĩa trưng binh để ép Biên Nhượng tới.

Tuy nhiên khi Biên Nhượng đã tới rồi, Hà Tiến lại không trọng dụng Biên Nhượng, chỉ để ông làm một chức lệnh sử rất nhỏ.

Bấy giờ Thái Ung giữ chức nghị lang, biết Biên Nhượng là một nhân tài hiếm thấy nên nói với Hà Tiến rằng:

“Tướng quân, nếu dùng đỉnh lớn nấu trâu đem nấu gà thì nhất định là không thích đáng. Bởi vì làm như thế không dễ để nấu gà cho ngon. Nước nhiều sẽ khiến vị nhạt, nước ít sẽ khó làm gà chín. Đồ thì lớn mà lại dùng vào việc nhỏ, vốn là không thích hợp. Mong tướng quân không nên dùng đỉnh lớn nấu trâu để nấu gà.”

Đại tướng quân Hà Tiến nghe xong liền hiểu ý của Thiệu Ung, từ đó rất trọng dụng Biên Nhượng, phong Biên Nhượng làm Thái thú Cửu Giang.


Còn có một câu chuyện được ghi chép trong “Tống Tân ấu an điện soạn tạo triêu” của tác giả Lục Du thời Tống. Vào triều đại Nam Tống, Tân Khí Tật là một vị quan thương yêu bách tính. Chí hướng của ông rất quyết liệt. Khi thầy dạy hỏi ông đi học để làm gì, ông trả lời: “Con không muốn làm quan, con muốn dùng từ viết hết kẻ trộm trong thiên hạ, dùng kiếm để giết hết kẻ trộm trong thiên hạ”.

Sau khi quân Kim xâm chiếm, Tân Khí Tật 21 tuổi đã vứt bút tòng quân. Ông tổ chức nghĩa quân ở quê hương, đồng thời phối hợp với quân đội của triều đình, trường kỳ đánh quân Kim ở nhiều vùng phía nam.

Bởi vì Tân Khí Tật kiên quyết chống quân Kim nên ông đã bị triều đình (bấy giờ nghiêng về phía chủ hòa) bãi chức vào năm 43 tuổi. Ông đành sống ẩn dật ở nơi rừng núi một thời gian dài.


Khi Tân Khí Tật đã 64 tuổi, ông nhậm chức tri phủ Thiệu Hưng kiêm chức An phủ sử phía đông Chiết Giang. Lục Du bấy giờ đã viết thơ, than rằng “Đại tài tiểu dụng”, so sánh Tân Khí Thật với Quản Trọng, Tiêu Hà, hai nhân vật kiệt xuất là rường cột của quốc gia trong lịch sử. Lục Du cũng lấy làm nuối tiếc vì triều đình không dùng được người tài.

Cuối cùng mặc dù Tân Khí Tật được trở về triều và trình lên rất nhiều kiến nghị, triều đình đã không trọng dụng mà còn đẩy ông đi xa. Nhận thấy không có ai cùng mưu việc lớn, Tân Khí Tật đành xin từ chức trở về và mất năm 67 tuổi.


Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Nguồn gốc của cách nói “chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng bất chân nhân”


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook