Cổ nhân dạy con: Cẩn trọng lời nói

Chia sẻ Facebook
20/08/2022 18:34:06

Có những người mẹ xưa dạy con bằng cách làm cho con cảm động, nhưng cũng có những người mẹ vô cùng nghiêm khắc uốn nắn con từ từng lời nói...


Cổ nhân có câu: “Một đời mẹ không tốt, mười đời con không tốt”, để nhấn mạnh tầm quan trọng lớn lao của người mẹ đối với việc giáo dục con cái. Thời xưa, “vợ hiền, mẹ tốt”, “giúp chồng, dạy con” vừa là trách nhiệm vừa là tiêu chuẩn và đạo đức cao đẹp của người phụ nữ. Có những người mẹ xưa dạy con bằng cách khuyên răn, làm cho con cảm động, nhưng cũng có những người mẹ vô cùng nghiêm khắc uốn nắn con từ từng lời nói…

Ngô Hạ là một học giả nổi tiếng của triều đại nhà Tống. Mẹ của ông là Tạ Thị, là người mẹ có phương pháp giáo dục con vô cùng nghiêm khắc. Trong rất nhiều câu chuyện kể về cách dạy con của Tạ Thị, có một câu chuyện được hậu nhân nhắc đến rất nhiều như sau:

Một ngày nọ, mẹ của Ngô Hạ tình cờ nghe được Ngô Hạ nói chuyện với một vị khách đến chơi nhà về những thiếu sót khuyết điểm của những người khác không có mặt tại đó. Bà đã trở nên rất nóng giận và sau khi người khách rời đi, bà đã đánh Ngô Hạ một trăm roi.


Một người họ hàng đã cố trấn tĩnh bà và nói: “Nói về những điểm mạnh hay những thiếu sót khuyết điểm của người khác là điều bình thường của những người đọc sách. Có gì sai đâu? Sao bà lại đánh con đến như vậy?”

(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)


Mẹ của Ngô Hạ thở dài và nói: “Tôi nghe nói rằng nếu cha mẹ thực sự yêu con gái của họ, họ phải cố gả con gái mình cho một học giả mà rất thận trọng về những điều mà anh ta nói ra. Tôi chỉ có một mình nó là con trai. Tôi đang cố gắng làm cho nó hiểu về đạo nghĩa và những luân lý đạo đức làm người. Nếu nó không thận trọng về những điều được nói ra, tức là nó đang quên mẹ của nó. Nó hiện giờ như vậy thì nói gì đến đạo xử thế lâu dài được đây?”

Mẹ của Ngô Hạ sau đó đã khóc và không ăn uống gì.

Vì sao mẹ của Ngô Hạ lại phản ứng như vậy?

Trong cách đối nhân xử thế của người xưa luôn nhấn mạnh rằng một người phải thận trọng về những điều mà mình nói ra. Trong giới tu hành cũng nhấn mạnh về việc tu khẩu, vì một lời bình luận có thể làm tổn thương những người khác không khác gì một con dao sắc nhọn.

Lời nói phát ra thì không thể lấy lại được. Chúng có thể tạo nghiệp và tạo ra sự thù hận, nên nó mang đến tổn thương cho người nghe và tai hoạ cho người nói. Trong Nho gia giảng, người quân tử thận trọng lời nói, lời nói phải có thành tín, không nói lời ngông cuồng, thị phi.

Bởi vậy, một người trọng đức và có đạo sẽ rất chú ý đến việc tu khẩu và thường không tập trung vào hay nói về những khiếm khuyết, những thiếu sót của người khác ở sau lưng họ. Người như vậy sẽ cho người khác một cơ hội để chính lại và sửa chữa chính họ trong một phong thái rộng mở và cao thượng.

Khi xảy ra vấn đề gì, họ cũng trước tiên hướng vào trong bản thân mình, tìm những thiếu sót khuyết điểm của bản thân mình. Từ đó, họ tu sửa, bù đắp những thiếu sót ấy để bản thân trở thành người hoàn thiện hơn, có đạo đức cao đẹp hơn. Dạy con lời ăn tiếng nói là điều mà các bậc cha mẹ thời xưa rất chú trọng.

Dưới sự dạy dỗ và kỷ luật nghiêm khắc của mẹ, Ngô Hạ đã thực hiện được việc thận trọng trong lời nói và từ đó ông luôn giữ mình theo tiêu chuẩn khắt khe. Đồng thời, ông cũng tập trung vào việc tu đức trọng đạo và những luân lý đạo đức làm người. Cuối cùng, ông đã trở thành một trong những học giả nổi tiếng nhất trong thời đại của ông và trong lịch sử Trung Hoa.


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook