Cổ nhân dạy con bằng đức, cha mẹ hiện đại dạy con bằng tiền?

Chia sẻ Facebook
21/03/2022 20:52:16

Thời Đạo Quang nhà Thanh, Khâm sai Thừa tướng Lâm Tắc Từ phụng lệnh triều đình về Quảng Châu để ngăn chặn sự hoành hành của tệ nạn buôn bán và sử dụng thuốc phiện. Trong suốt khoảng thời gian Lâm Tắc Từ đương quyền, có rất nhiều người đã mang tài vật đến để hối lộ ông, tuy nhiên ông đều từ chối…

Nếu Lâm Tắc từ mắc vào lòng tham với kim tiền phú quý, quả thật ông đã có thể dễ dàng kiếm được hàng triệu ngân lượng để gia tộc có thể sống sung túc trong nhiều đời mà chẳng phải lo cơm áo gạo tiền. Tuy nhiên, Lâm Tắc Từ là một vị thanh quan yêu nước và lo lắng cho bách tính, hiểu rõ tác hại to lớn của thuốc phiện, ông đã từ chối tài vật hối lộ từ rất nhiều thương nhân và đích thân ra lệnh đốt tiêu hủy hơn 20 nghìn thùng thuốc phiện tại cổng Hổ Môn.

Lâm Tắc Từ thanh liêm chính trực, cháu con nhận phúc báo

Vài năm sau, quân đội Anh dùng vũ lực uy hiếp nhà Thanh, triều đình đã lấy Lâm Tắc Từ như vật tế thân để hòa giải, trục xuất và đày ông ra vùng biên ải xa xôi. Lâm Tắc Từ đã phải sống lưu vong trong 5 năm.

Lâm Tắc Từ đã sống một đời chính trực như vậy, điều gì đã đến với con cháu của ông? Sau khi vị quan thanh liêm này qua đời, gia đình ông không hề có một tài sản tích lũy nào. Tuy nhiên dòng họ Lâm không vì điều này mà suy thoái. Ngược lại, có không ít con cháu nhiều đời của ông thành đạt, và cũng không ít người có học vấn cao, đỗ đạt trong các kỳ thi tại tỉnh Tế Nam. Vào thời Trung Hoa Dân Quốc, rất nhiều người của Lâm gia làm quan lớn, trong đó có Chánh án tòa án tối cao Lâm Tường cũng là nhân vật nổi danh thời đại, có tài năng và phẩm đức rất cao.

Lâm Tắc Từ một đời thanh liêm trung thực, không nhận hối lộ, việc này cũng chính là tích đức, chính vì vậy mà con cháu nhiều đời sau của ông mới nhận phúc đức lớn như vậy.

Tăng Quốc Phiên một đời trong sạch, hậu nhân được thơm lây

Cũng vào thời nhà Thanh, Tăng Quốc Phiên lãnh đạo Tương Quân, có vị trí và quyền lực rất lớn, nắm giữ đặc quyền tài chính lúc bấy giờ. Nhưng ông không hề mang bất kể một tài vật nào của quốc khố về vun vén riêng cho gia đình. Dù nắm giữ đặc quyền về tài chính nhưng Tăng Quốc Phiên cũng không màng đến lợi ích to nhỏ. Ông không động tâm trước của cải, cũng không muốn tích góp của cải cho con cháu. Tăng Quốc Phiên thậm chí còn từng nhiều lần bày tỏ nỗi lo lắng con cháu mình bị cuốn theo chiều gió của sự xa xỉ, bởi vì như vậy sẽ chẳng thể làm được việc lớn.

Nhận ảnh hưởng của Tăng Quốc Phiên, gia tộc họ Tăng luôn tự chủ và theo đuổi tinh thần tự lực, nhờ đó đã sản sinh ra rất nhiều thế hệ con cháu tài năng xuất chúng. Theo thống kê, dòng họ Tăng, bắt đầu từ Tăng Quốc Phiên, trải qua 8 thế hệ trong vòng 200 năm, không hề có một ai suy thoái. Trong số con cháu của dòng họ Tăng, có khoảng 200 người hoàn thành giáo dục phổ thông trung học, và có hơn 240 người có tài năng danh giá.

Tăng Quốc Phiên (ảnh: Wikipedia).

Vậy thì rốt cuộc người tham của cải bất chính sẽ như thế nào?

Các đại gia tộc kinh doanh bất nghĩa, đời sau phá sản

Cũng là câu chuyện trong thời nhà Thanh. Tại Quảng Đông có 3 gia tộc giàu có là nhà họ Ngô, họ Ban và họ Không.

Ba gia tộc này đã lợi dụng lúc đất nước khó khăn vì chiến tranh thuốc phiện để kiếm những khoản tiền lớn và tích lũy hàng chục triệu ngân lượng. Tổng tài sản của họ gần như đủ để lo việc nước. Họ sống cuộc sống vô cùng xa hoa lãng phí, quần áo sang trọng, cưỡi những cỗ xe trang hoàng bằng báu vật, ăn sơn hào, ngủ nhung lụa.

Hầu hết các bức tranh thư pháp nổi tiếng thời bấy giờ đều mang con dấu của họ Ngô, họ Ban hoặc họ Không, điều này cho thấy sự lũng đoạn tài chính trong ba gia tộc này lớn mạnh như thế nào. Tuy nhiên, sau vài thập kỷ, con cháu của ba dòng họ này hầu như không có ai thành công, và như tiên liệu, cả ba gia tộc dần đi vào con đường suy vong.

Thời đó ở Thượng Hải có một thương nhân giàu có họ Trần được mệnh danh là vua đầu tư bất động sản. Tài sản của ông chủ họ Trần lên tới 40 triệu lượng bạc và 2 con trai của ông mỗi người nhận 20 triệu. Ta có thể tưởng tượng được mức độ giàu sang xa xỉ của họ Trần bởi họ sở hữu gần một nửa số đồ cổ nổi tiếng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, 7 năm sau, giá đất ở Thượng Hải đột ngột lao dốc, Trần gia đầu cơ thất bại dẫn đến phá sản. Gần như toàn bộ đồ cổ và bất động sản quý hiếm của gia tộc họ Trần, bao gồm cả ngôi biệt phủ mà Trần gia đang ở đã bị tịch thu và bán cho ngân hàng.

Sách ‘Đại học – Lễ Ký’ có một câu nói:

“Của cải đến không đúng cách cũng ra đi không đúng cách”.

Nói cách khác, của cải có được bằng những phương tiện bất hợp pháp hoặc bất chính, thì cũng bằng cách đó, nó sẽ bị mất đi theo cách bất thường và phi lý.

Đôi chút luận bàn…

Những bậc cổ nhân tiên hiền trong quá khứ là những người coi trọng phẩm cách và đức hạnh, có nội hàm phẩm đức sâu sắc, từ tổ tiên trải qua bao thế hệ, họ đời đời tích đức, mang lại phúc báo cho con cháu mai sau. Đây là điều mà những người Trung Quốc hiện đại vốn chịu ảnh hưởng của quan niệm vô thần và văn hóa biến dị ngày nay khó có thể mường tượng ra được.

Con người ngày nay dường như đã bỏ đi đức tính cơ bản nhất quyết định vận mệnh tương lai của mình. Họ coi trọng tiền bạc – thứ mà cổ nhân vốn coi là “đất bùn bẩn thỉu”, họ tin rằng có tiền thì sẽ có cuộc sống hạnh phúc, có địa vị cao sang, vì tiền mà có thể dùng mọi cách để tham lam trục lợi. Quan chức dùng tiền tham ô để mua nhà lầu xe hơi cho con cháu. Nhiều người Trung Quốc coi điều này là tốt cho con cái của họ và bỏ qua việc giáo dục đạo đức cơ bản. Liệu thế hệ mai sau của họ có thể giữ được của cải mãi không? Con người cứ rớt vào mê hoặc phù phiếm, chỉ có ai tin vào mệnh Trời mới có trải nghiệm được rằng mệnh người là mối quan hệ nhân quả do Trời cao quyết định.


Theo Zhengjian
An Nhiên biên dịch

Chia sẻ Facebook