Cổ nhân coi trọng sự thuần chính trong âm nhạc
Văn hóa truyền thống phương Đông có nội hàm vô cùng thâm sâu, trong đó nhân tố “chính” được nhắc đến rất nhiều, và là nhân tố vô cùng quan trọng trong mọi mặt của cuộc sống. Trong nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng cũng vậy, thuần chính là tiêu chuẩn đầu tiên cần phải đạt được và duy trì xuyên suốt.
Xưa nay, “chính” và “tà” là hai nhân tố không dung hợp cùng nhau, như nước và lửa vậy. “Chính” có thể duy trì và thúc đẩy sự sinh tồn, phát triển của nhân loại. “Bất chính” sẽ khiến con người tranh đấu lẫn nhau và đi đến tuyệt diệt. Lẽ âm dương thì “chính” và “tà” thay nhau chuyển hoán, nhưng về cơ bản điều duy trì xã hội và hoàn cảnh sống bình thường của con người là “chính” . Bởi vậy “chính” có thể ước chế được “tà”.
Cổ nhân giảng rất nhiều về chính: chính nghĩa, chính niệm, chính khí, chính trực, chính kiến, chính quả, chính đạo, công chính… Có thể hiểu ngắn gọn rằng, hết thảy những nhân tố thuộc về tốt đẹp, lương thiện, từ bi, hòa thuận, chân thật, khiêm tốn, nhường nhịn… đều có thể quy về một chữ “chính”.
Bởi vậy, nếu con người, xã hội, vạn vật mà “chính” thì đều sẽ khởi những tác dụng tốt và đem lại kết quả tốt đẹp. Ngược lại, con người, sự vật, sự việc, xã hội “bất chính” thì sẽ mang đến kết quả tồi tệ, thậm chí đi đến suy yếu và diệt vong.
Trong âm nhạc truyền thống cũng đề cập đến khái niệm này, gọi là “chính”, “hòa”, “đồng”. Chẳng hạn đối với Cổ Cầm, 5 chính âm của loại đàn này bao gồm: Cung, Thương, Giác, Chủy, Vũ. Mỗi loại âm này đều có thang âm và đặc tính riêng biệt. Trước khi gảy Cổ Cầm, người ta nhất định phải điều chỉnh tiếng đàn cho chuẩn, cho “chính”.
Nếu 5 âm này đều được điều chỉnh chuẩn rồi thì khi người chơi đàn gảy bất kỳ dây nào, âm từ dây khác đều sẽ tự nhiên có sự cộng hưởng, người chơi đàn không cảm thấy có sự bất hòa. Nhưng nếu chỉ cần một âm không “chính” thì khi người chơi đàn gảy bất kỳ dây nào, âm từ dây khác cũng sẽ không hòa hợp. Điều này thể hiện ra mối liên hệ mật thiết giữa “chính”, “hòa” và “đồng”. “Chính” là trụ cột, là cơ sở, là nền tảng của “hòa” và “đồng”.
Âm nếu không “chính” tất sẽ không “hòa” , không “hòa” thì tất sẽ thể hiện ra là không “đồng” . Cho nên, cũng có thể thấy “hòa” là kết quả của đặc tính “chính” . Trong âm nhạc, nếu ngũ âm không thuần chính thì tất sẽ không có sự phối hợp, từ đó cũng sẽ không thể tấu nên được một bản nhạc mỹ diệu, tuyệt vời.
Sự thuần chính trong âm nhạc cổ đại còn thể hiện ở những quy định nghiêm khắc về hoàn cảnh, tâm trạng của người gảy đàn. Riêng với Cổ Cầm mà nói, từ ghi chép lịch sử có thể thấy loại nhạc cụ này không đơn thuần là vì giải trí mà xuất hiện. Người xưa trước khi đánh Cổ Cầm, phải thắp hương đả tọa, tịnh tâm điều hòa hơi thở rồi mới gảy đàn… Họ không tùy tiện gảy Cổ Cầm, hay nói cách khác, Cổ Cầm không phải nhạc khí mà cổ nhân muốn gảy lúc nào cũng được.
Có thuyết gọi là “lục kỵ, thất bất đàn” (6 điều kiêng kỵ và 7 điều cấm khi đàn). “Thất bất đàn” bao gồm bảy tình huống là: nghe tin có tang ma, khi có tấu nhạc ồn ào, khi có sự cố lộn xộn, khi người không sạch sẽ, khi áo mũ không ngay ngắn, khi không đốt hương, và khi không gặp tri âm. Những yếu tố này cũng có thể được xem là “bất chính”.
Âm nhạc đã yêu cầu thuần chính như vậy, thì lẽ dĩ nhiên, yêu cầu đối với con người của cổ nhân cũng là như vậy. Mỗi người tựa như một nốt nhạc riêng biệt có đặc tính riêng của mình. Kinh Dịch có câu “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” , nghĩa là những âm thanh giống nhau sẽ tạo nên sự cộng hưởng, những hương vị giống nhau sẽ tạo nên sự hoà hợp, hay những sự vật cùng loại sẽ cảm ứng lẫn nhau. Con người khi cùng chí hướng, thú vui và ý kiến tương đồng thường hô ứng cho nhau, tự nhiên sẽ muốn kết hợp lại với nhau. Những người bạn chân chính thì từ thú vui cho đến lý tưởng đều tương đồng với nhau, hay nói cách khác bạn bè là những người cùng bước trên một con đường.
Bởi thế Nho gia giảng rằng: “Người quân tử hòa mà không đồng, kẻ tiểu nhân đồng mà không hòa” . Người quân tử có thể lấy đạo nghĩa mà bao dung hết thảy các ý kiến, cũng không giấu diếm quan điểm bất đồng của mình, chân thành đối xử với người khác, từ đó xây dựng một bầu không khí hài hòa. Kẻ tiểu nhân thường có thói quen nói theo ý người khác, vào hùa và phụ họa theo, nhưng trong lòng lại không nghĩ giống như lời nói, bằng mặt mà không bằng lòng, đó là hòa hợp giả tạo. Khi thời cơ thích hợp, hoặc khi lợi ích bị tổn hại, thì kẻ tiểu nhân sẽ không còn hòa hợp với người khác nữa.
Thời cổ đại, “chính” cũng là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá phẩm đức của một người. Cổ nhân cho rằng, người tràn ngập tư tâm, tà niệm thì tất sẽ bất trung, bất chính, người ngay chính thì tất sẽ trung thành. “Chính” là tiêu chuẩn đầu tiên để kết giao và là tiêu chuẩn để bậc hiền nhân dùng người.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Âm thanh có đức mới được coi là âm nhạc chân chính
Mời xem video :