Cổ nhân: 2 chữ giúp xu cát tị hung trong đối nhân xử thế

Chia sẻ Facebook
16/07/2022 11:04:28

Trong đối nhân xử thế, một người chỉ cần làm được chữ "nhường" và chữ "kính" thì mọi sự thông đạt, cuộc đời bình an. Trong "Vi lô dạ thoại...


Theo kinh nghiệm đúc kết của cổ nhân, trong đối nhân xử thế, chỉ cần chúng ta có thể nhớ kỹ và làm được hai chữ dưới đây thì cuộc đời sẽ có thể xu cát tị hung, đắc được phúc báo, đảm bảo được sự bình an.

(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)


Trong “Vi lô dạ thoại” , văn học gia cuối đời nhà Thanh là Vương Vĩnh Bân viết rằng: Làm việc thiện thì có vô cùng vô tận phương pháp nhưng chỉ cần có thể làm được chữ “nhường” , đạo lý xử thế cũng có trăm ngàn phương cách nhưng chỉ cần làm được chữ “kính” thì có thể giải quyết được hết thảy sự tình.

Nhường


Chữ “nhường” ở đây bao hàm hai tầng ý nghĩa. Thứ nhất, “nhường” là không tranh. Thứ hai, “nhường” còn có ý nghĩa cao hơn, tức là xả bỏ. Còn trong “Tự hối” khái quát lại rằng: “ Người trước, mình sau thì được gọi là nhường” .


Trong công việc, trong cuộc sống, nếu một người có thể làm được “không tranh”, mọi sự đều tùy duyên, thì tự nhiên người ấy sẽ không còn tâm tính toán so đo với người khác. Khi ấy, họ lại càng không làm ra những việc lừa người gạt người, những việc làm tổn hại người khác.

Nếu trong xã hội, mỗi người đều ít đi một phần tranh giành thì cuộc sống sẽ ít đi rất nhiều những mâu thuẫn vì lục đục tranh giành mà sinh ra. Khi ấy xã hội cũng sẽ giảm đi rất nhiều những xung đột hại người hại mình.


Khi một người làm được không tranh, nếu có thể tiến thêm một bước nữa làm được “xả bỏ”, không chấp nhất giữ bằng được hết thảy thứ mình muốn, thì người ấy cũng sẽ vui vẻ trợ giúp người khác, vì người khác phục vụ. Người như vậy sẽ sinh ra dũng khí đi trợ giúp chính nghĩa. Trong quá trình đó, họ tự nhiên cũng có thể hành thiện tích đức.

Bởi vậy, nếu một người có thể làm được nhường nhịn thì cũng có nghĩa là người ấy đã làm được mấu chốt của việc hành thiện. Vì thế, làm được chữ nhường thì trăm việc thiện đều có thể làm được. Như vậy cũng chính là vì bản thân và con cháu mà tích âm đức đắc phúc báo.


Chữ “kính” bao hàm ba phương diện là kính người, kính việc và kính mình. Nếu có thể luôn mang trong mình tâm thái kính trọng người khác thì tự nhiên trong mọi mối quan hệ sẽ sinh ra hòa khí hữu hảo. Người như vậy lúc nào cũng vui vẻ đối đãi với người, cho dù đó là người trên hay người dưới.

Còn đối với sự việc, nếu một người có thể làm được chữ kính thì tự nhiên sẽ sinh ra ý thức trách nhiệm mạnh mẽ. Họ tự nhiên cũng sẽ làm việc một cách tận tâm tận sức, suy nghĩ chu toàn, chú ý cẩn thận. Người như vậy cho dù là đối với chuyện nhỏ hay chuyện lớn, chuyện của bản thân hay của người khác cũng không làm qua quýt cho xong chuyện.

Một người nếu thời thời khắc khắc đều kính trọng chính mình thì người ấy sẽ luôn có trách nhiệm với cuộc đời của mình. Họ làm gì cũng suy xét trước sau, không làm những sự tình tổn hại phẩm đức của mình, bôi nhọ thanh danh của mình, cũng sẽ không được chăng hay chớ. Họ sẽ luôn nghiêm khắc với bản thân, không ngừng học tập, cố gắng tu dưỡng, nâng cao đạo đức của mình, cũng đồng thời nâng cao giá trị của bản thân.


Những đạo lý đối nhân xử thế có rất nhiều, nhưng một người chỉ cần làm được chữ “nhường” và chữ “kính” thì các sự tình liên quan đến họ sẽ tự nhiên thông đạt, ít mâu thuẫn với người khác và bản thân gia đình họ cũng sẽ luôn hòa thuận bình an.


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

7 cách đối nhân xử thế đem lại cuộc đời thông thuận


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook