Cổ ngữ: Sống chết có số, phú quý do Trời

Chia sẻ Facebook
23/07/2023 02:11:06

"Sống chết có số, phú quý do Trời", dùng tâm thái lạc quan để đối diện với mọi sự tình thì sẽ tránh được mối lo được mất, sống cởi mở.


“Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên”, sống chết có số, phú quý do Trời – Đây là một câu cổ ngữ thường được người ta sử dụng từ xưa đến nay, nhất là trong những hoàn cảnh có phần bất lực. Mặc dù vậy câu cổ ngữ này không phải là cái cớ để phó mặc cuộc sống của một người, ngược lại, nó bao hàm ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.

(Tranh: Pixnet.net, Public Domain)


Câu danh ngôn “Sống chết có số, phú quý do Trời” này được ghi chép trong cuốn Luận Ngữ. Câu chuyện đầy đủ diễn ra như sau.

Đệ tử của Khổng Tử là Tử Hạ có một người bạn thân thiết tên là Tư Mã Canh, tự là Tử Ngưu, là người nước Tống. Tử Ngưu từ nước Tống đến nước Lỗ để học tập. Anh trai của Tử Ngưu là Hoàn Đồi ở nước Tống đảm nhiệm chức Tư Mã và có tham gia phản loạn. Vì thế trong lòng Tử Ngưu luôn lo lắng buồn rầu, trong tâm luôn luôn thấy sợ hãi.


Một ngày nọ, Tử Ngưu hỏi Khổng Tử như thế nào mới được gọi là quân tử. Khổng Tử giảng giải cho Tử Ngưu rằng: “Quân tử sẽ không sầu lo, cũng sẽ không sợ hãi” .


Tử Ngưu nghi hoặc hỏi lại: “Chẳng lẽ không sầu lo, không sợ hãi lại có thể được xưng là quân tử sao?”


Khổng Tử đáp lại: “Thường xuyên soi xét lại nội tâm của bản thân mình thì còn phải sầu lo sợ hãi điều gì?”.


Tử Ngưu đưa mắt nhìn các môn đệ đối xử với nhau vô cùng hòa ái và vui vẻ, cảm thấy chỉ riêng mình là lẻ loi cô độc, lại buồn phiền nói: “Mọi người đều có huynh đệ, chỉ riêng mình con là không có” .


Tử Hạ thấy vậy đã an ủi Tử Ngưu rằng: “Ta nghe nói sống chết có số, phú quý do Trời. Người quân tử thận trọng làm việc không làm điều có lỗi, đối với mọi người cung kính mà lễ độ, người trong bốn biển đều là huynh đệ. Vậy người quân tử hà cớ gì mà lo lắng không có huynh đệ?”

Trong cuốn Nhẫn Kinh viết: Đời người, lúc chưa gặp được cơ hội thì làm gì cũng khó giống như tìm thóc lúa trong ruộng toàn sỏi đá. Nhưng một khi có được cơ hội thì điều gì cũng thuận giống như hái trái trong vườn nhà. Lẽ nào chẳng phải là được mất có số mệnh, phú quý do Trời sao?


Trong cuốn Thuyết Uyển – Chính Gián có ghi chép lời Ngũ Tử Tư khuyên Ngô Vương: “Hiện tại tin vào những lời nói dối hết sức hoang đường, tham cầu đất đai của nước Tề thì cũng giống như tìm ngũ cốc nơi ruộng sỏi, không có ích gì” . Bởi vì ngũ cốc sinh ở nơi đất đai màu mỡ, không mọc ở nơi ruộng toàn sỏi đá nên có tìm cầu cũng không được. Người muốn làm gì mà không hợp ý Trời thì có làm cũng không được.


Người hiểu được nội hàm của “Sống chết có số, phú quý do Trời” thì sẽ hiểu được rằng mệnh của con người là do Thượng Thiên ban cho, không cần phải lo sinh tử, cũng không cần phải lo được mất, không cần phải sợ sống chết. Bất kể là họ có thân phận ra sao, gặp phải đại sự gì, họ cũng đều có thể tận tâm nắm giữ cơ hội và thời gian hiện tại, cố gắng hoàn thành những trách nhiệm sứ mệnh của bản thân mình. Bởi vì trong tâm đã thông thấu về sinh mệnh nên họ luôn giữ được tâm thái lạc quan tích cực để đối diện với mọi sự tình, như vậy họ cũng sẽ tránh được mối lo được mất về lợi ích cá nhân, được mất về mọi sực việc, không cố chấp quan niệm, nhờ đó sống cởi mở thông đạt.


Thời nhà Đường, Bùi Độ làm quan Thị lang có thể thay quyền Tể tướng, là người tin vào số mệnh. Ông từng nói với quan Cấp sự trung rằng: “Con đường thăng quan của tôi có rất nhiều may mắn trong khi những người khác thăng quan lại rất khó”. Ông không ham ăn ngon mặc đẹp, thường là bữa ăn có gì thì ăn đấy. Ông nói với mọi người nên sống thuận theo tự nhiên, thứ gì là của mình thì người khác có lấy cũng không được, thứ không phải của mình thì cầu cũng không được. Ông còn khuyên mọi người sống không nên chấp nhất vào sinh lão bệnh tử, nếu đã đến lúc tận số thì không nên chống cự.

Khi Bùi Độ làm Trung thư lệnh, có một lần cấp dưới sợ hãi báo với ông rằng ấn quan của ông đã bị mất. Mọi người nghe thấy điều này đều rất lo, bởi vì thời ấy đánh mất ấn quan là việc lớn, nhẹ thì mất chức, nặng thì mất mạng. Nhưng Bùi Độ nghe thấy như vậy lại không hề sợ hãi. Đến đêm khuya hôm ấy, người cấp dưới của ông lại vội vàng báo rằng đã tìm được ấn quan rồi. Bùi Độ nghe thấy vậy cũng không vui mừng gì.


Mọi người thấy thái độ của ông như vậy thì nói rằng: “Ấn quan mất vì sao ngài lại có thể giữ được bình tĩnh như vậy?”


Bùi Độ đáp rằng: “Ta cho rằng ấn quan là do viên tiểu quan cầm đi. Xử lý bình tĩnh một chút anh ta sẽ trả ấn quan về, nếu xử lý nóng nảy, anh ta rất có thể sẽ vì sợ hãi mà ném nó xuống nước hoặc vào lửa, lúc ấy thì không cách nào tìm được.” Mọi người ai nấy đều khen ngợi tấm lòng độ lượng và sự bình tĩnh của ông trước đại nạn.


Người xưa giảng rằng: “Là phúc thì không phải họa, là họa thì tránh không khỏi”, “Không làm việc đuối lý thì không sợ quỷ gõ cửa”. Một người bình thường khi làm những sự tình trái thiên lý thì gặp chuyện sẽ luống cuống, không tự nhiên. Bùi Độ bình thường làm việc quang minh chính trực, tin rằng sống chết có số nên có thể thản nhiên khi đứng trước đại nạn. Đây chính là tâm thái và cảnh giới tinh thần đáng khâm phục.


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Trí tuệ cổ nhân: Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook