Có nên xét nghiệm men gan để tìm viêm gan cấp 'bí ẩn'?

Chia sẻ Facebook
09/05/2022 19:40:29

Trước các thông tin về căn bệnh bệnh gan cấp (viêm gan bí ẩn) đã được ghi nhận tại một số nước trên thế giới, một số luồng thông tin đã đưa ra khuyến cáo cho phụ huynh xét nghiệm men gan tìm ra virus bí ẩn.

Tính đến ngày 6-5, có 228 trường hợp trẻ bị viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân tại 20 quốc gia - Ảnh: AFP


Xét nghiệm để tìm virus

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 6-5 có 228 trường hợp trẻ bị viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân tại 20 quốc gia, bao gồm cả châu Âu, Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương...

Nhiều em khỏi bệnh, nhưng không ít em chuyển biến nặng, cần ghép gan và thậm chí tử vong. Hiện các quan chức y tế vẫn đang điều tra nguyên nhân của sự gia tăng tình trạng bệnh gan nghiêm trọng này.

Bộ Y tế cho biết đến nay Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh và đang theo dõi sát sao. Tuy nhiên, một số bài viết được đăng tải trên các trang mạng xã hội lại khuyến cáo phụ huynh nên xét nghiệm men gan để phát hiện được viêm gan bí ẩn ở trẻ.

Đáng nói là những bài viết này lại nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ, quan tâm của các bậc phụ huynh.

Nhiều phụ huynh bình luận tỏ ra khá lo lắng, hoang mang, đồng thời hỏi tìm các địa chỉ mong muốn đưa con mình đi xét nghiệm men gan.

Chị N.T.T. (33 tuổi, TP Thủ Đức) cho biết chị tham gia một số hội nhóm chăm sóc sức khỏe cho trẻ trên Facebook, gần đây thường thấy những dòng thông tin của một số người nhận là bác sĩ khuyên đi xét nghiệm men gan tìm virus bí ẩn khiến chị rất hoang mang.

"Theo tôi, nếu con vẫn chơi ăn ngủ nghỉ bình thường, không có biểu hiện của bệnh, không vàng da thì chưa cần thiết mà nên theo dõi sức khỏe con cũng như hướng dẫn con cách giữ gìn vệ sinh, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người lạ, không dùng đồ ăn uống chung…

Nhưng nếu các thông tin này cứ đăng liên tục sẽ làm phụ huynh rất hoang mang", chị T. chia sẻ.


Các chuyên gia nói gì?

Một chuyên gia trong lĩnh vực phân tử tại TP.HCM cho biết xét nghiệm men gan là một trong những xét nghiệm sinh hóa thông thường, rất nhiều cơ sở y tế có khả năng xét nghiệm.

Tuy nhiên, để xác định được có phải là viêm gan bí ẩn hay không không hề đơn giản, các bác sĩ phải chẩn đoán, làm chuyên sâu, không hề dễ dàng.

"Phụ huynh không nên lo lắng, rối loạn vì thông tin xung quanh bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ, chú ý xem mình có biểu hiện gì bất thường hay không. Cần thiết mới đi khám ở các cơ sở uy tín", vị này khuyến cáo.

PGS Phùng Nguyễn Thế Nguyên - trưởng bộ môn nhi Trường đại học Y dược TP.HCM - cho biết xét nghiệm men gan bình thường có thể phát hiện được những tổn thương ở gan, chức năng có tốt không...

Sau đó các bác sĩ nghiên cứu nguyên nhân gan bị tổn thương, nếu nghi ngờ do virus adeno thì tiếp tục xét nghiệm chẩn đoán.

Hiện nay muốn làm các xét nghiệm phát hiện viêm gan cấp, các cơ sở phải có phòng Lab, làm được PCR hoặc huyết thanh chẩn đoán, trang bị máy móc hiện đại…, một số cơ sở y tế lớn mới làm được xét nghiệm này.

"Xét nghiệm men gan chỉ có thể phát hiện được những tổn thương và chức năng của gan, không thể xác định được viêm gan bí ẩn. Phụ huynh nên chăm sóc trẻ như bình thường, nếu có các triệu chứng sốt, mệt mỏi, vàng da… thì nên đưa con đến các cơ sở y tế uy tín để được điều trị.

Đồng thời, phụ huynh nên đưa con đi chích ngừa đầy đủ như viêm gan A, B… vì những tác nhân này cũng rất nguy hiểm", PGS Nguyên khuyến cáo.

Trước đó, Sở Y tế TP.HCM cũng đề nghị các cơ sở y tế, đặc biệt các bệnh viện chuyên khoa nhi tăng cường phát hiện các trường hợp trẻ bị viêm gan cấp, hội chẩn với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford (OUCRU) để thu thập thông tin và bệnh phẩm, tiến hành kỹ thuật xét nghiệm PCR và kỹ thuật metagenomics tìm tác nhân gây nhiễm như Adenovirus và các tác nhân khác (nếu có).

BS CKII Lê Thanh Phuông - trưởng Đơn vị chuyên khoa gan, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - khuyến nghị nếu trẻ có 1 trong các triệu chứng sau đây nên đưa trẻ đi khám bệnh: sốt cao, rối loạn tri giác; cảm thấy mệt mỏi bất thường mọi lúc; cảm giác chung là cảm thấy không khỏe; ăn mất ngon, đau bụng, tiêu chảy, nôn ói; nước tiểu vàng sậm, phân màu xám, nhợt nhạt; vàng mắt và da, ngứa da; đau cơ và khớp.

Các bác sĩ lâm sàng được khuyến khích báo cáo các trường hợp có thể mắc bệnh viêm gan ở trẻ em không rõ nguyên nhân xảy ra vào hoặc sau ngày 1-10-2021 cần đến các cơ quan y tế công cộng để điều tra thêm.

Ngày 6-5, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết cơ quan này đang điều tra 109 trường hợp viêm gan nặng ở trẻ em, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Hướng điều tra chính là sự liên quan của Adenovirus.

Chia sẻ Facebook