Có nên tiếp tục thực hiện 5K hay cần bỏ bớt quy định?
Nhiều người dân và chuyên gia cho rằng cần xem xét lại, linh hoạt trong việc thực hiện 5K, ví dụ như "khoảng cách" thời điểm hiện nay không còn phù hợp nữa.
Đã đến lúc thay đổi những các biện pháp phòng chống dịch?
Từ ngày 15/3, Việt Nam đã mở cửa đón khách du lịch quốc tế - đồng thời các hoạt động kinh doanh, văn hóa trong nước cũng đã trở lại bình thường. Ví dụ tại Hà Nội, phố đi bộ đã hoạt động trở lại, hoạt động kinh doanh, dịch vụ không phải đóng cửa trước 21h hay rạp chiếu phim sẽ không còn hạn chế số người… Điều này đồng nghĩa với việc một số quy định trong 5K như: khoảng cách, tụ tập hay khai báo y tế sẽ không còn phù hợp nữa.
WHO vẫn đưa ra cảnh báo về tình dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường, vì vậy vẫn cần phải có những biện pháp phòng ngừa.
Từ 19h tối thứ 6, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội chính thức mở cửa phố đi bộ sau gần 1 năm dừng hoạt động. Người dân, du khách và các chủ nhà hàng rất vui, phấn khích trước chủ trương này của UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách khi đến vui chơi tại phố đi bộ vẫn được đặt lên hàng đầu.
Tại 35 chốt kiểm soát dịch của Quận Hoàn Kiếm, người dân bắt buộc phải thực hiện quét mã QR code, đeo khẩu trang và sát khuẩn tay. Các chủ nhà hàng trên các phố Đinh Lễ, Tạ Hiện, Mã Mây đều có ý thức phòng chống dịch.
Tuy nhiên, lượng du khách đổ về đây rất đông. Việc thực hiện tiêu chí 5K về giữ khoảng cách trong phòng chống dịch cũng cần phải xem xét lại cho phù hợp. Với người dân, được tận hưởng cảm giác này vẫn rất đặc biệt sau gần 1 năm Hà Nội đóng cửa phố đi bộ.
Trong chương trình Sống mới, bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn) đã phân tích và đưa ra những lý do việc có nên tiếp tục thực hiện 5K hay bỏ một số quy định cho phù hợp với tình hình mới.
Bác sĩ Trần Văn Phúc nhận định, từ tháng 2 trở lại, chúng ta khống chế cơ bản làn sóng dịch thứ 4. Nhưng khi bước sang tháng 3, số ca mỗi ngày lên tới 150-160 nghìn ca, ở Hà Nội đã lên tới hơn 30.000 ca, chưa kể thực tế số người không khai báo rất nhiều. Thế nhưng trong khoảng một tuần vừa rồi, chúng ta thấy các con số đi xuống, có nghĩa rằng chúng ta đã vượt qua đỉnh dịch.
Với biến thể Omicron, tất cả các quốc gia trên thế giới có hệ thống y tế hùng mạnh đến đâu đi chăng nữa cũng không thể nào áp các biện pháp y tế công cộng vào để chống dịch được. Nhiều nước như Anh, Pháp… đã phải dừng các biện pháp chống dịch công cộng lại.
Bác sĩ Trần Văn Phúc cho biết, trong bối cảnh của Việt Nam đi qua đỉnh dịch và đã phổ cập được vaccine, chúng ta đã xoay chuyển tình hình chống dịch. Người dân đến bây giờ đã biết cách để phòng bệnh. Với tình hình như vậy, chúng ta đã đến lúc để có thể chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Chúng ta có thể thay đổi những các biện pháp phòng chống dịch mang tính chất y tế công cộng.
"Điều quan trọng là ‘5K’ cần thiết phải thay đổi đối với toàn xã hội và cả cá nhân. 5K vẫn còn giá trị chừng mực nào đó nhưng nếu áp dụng nguyên 5K bây giờ thì theo tôi không còn phù hợp nữa" - bác sĩ Trần Văn Phúc nhận định.
Không cần bắt buộc phải thực hiện hết tất cả Thông điệp
Người dân và các chuyên gia cũng có quan điểm khác nhau về việc thực hiện 5K trong thời điểm này. Nhưng quan điểm chung vẫn là phải tự bảo vệ mình trước dịch bệnh.
Đeo khẩu trang đã trở thành thói quen đối với người dân, sau khi trải qua hai năm dịch bệnh. Dù trong công viên ít người nhưng không vì thế mà họ bỏ khẩu trang và cho rằng việc tuân thủ 5K là cần thiết. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng cần linh hoạt trong việc thực hiện 5K, ví dụ như "khoảng cách" thời điểm hiện nay không còn phù hợp nữa.
Một số chuyên gia cho rằng, Thông điệp 5K gồm "khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế" của Bộ Y tế đưa ra từ tháng 8/2020 hiện đã không còn phù hợp với tình hình mới. Để phòng chống dịch hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu mở cửa, hồi phục kinh tế, cần thay đổi, linh hoạt thích ứng với từng khu vực, thời điểm khác nhau.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Ở giai đoạn mới này, thực ra 5K không còn hoàn toàn chính xác nữa. Chúng ta đã chích ngừa rồi thì chúng ta không quá quan trọng vấn đề 5K. Như chuyện khai báo y tế hiện nay nên bỏ bớt đi".
Ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế phân tích: "Quan điểm của tôi là các biện pháp 5K cần phải cân nhắc. Chúng ta có thể không cần bắt buộc phải thực hiện hết tất cả 5K, nhưng tùy vào những điều kiện nhất định thì chúng ta phải lựa chọn cái nào cần thực hiện nhưng tinh thần không bắt buộc như trước đây. Chúng ta trên tinh thần Nghị định 128: Không tụ tập đông người; đám ma, bệnh viện phải đeo khẩu trang; những người đi ra đường phải đeo khẩu trang, rửa tay... Theo tôi, Bộ Y tế xem xét và tổng kết lại, cái nào cần tiếp tục, cái nào là khuyến cáo để có hướng dẫn cụ thể...".
Nhiều nước dỡ bỏ hạn chế, kể cả quy định đeo khẩu trang
Trên thế giới, Mỹ cũng nhiều nước ở Châu Âu đã coi COVID-19 là bệnh đặc hữu và dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế kể cả đeo khẩu trang. Các nước Châu Á cũng từng bước sống chung với COVID-19 nhưng vẫn khuyến khích người dân đeo khẩu trang để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Người dân Pháp đang quay trở lại cuộc sống bình thường như trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Họ không phải đeo khẩu trang khi ra đường, đến nơi công cộng, công sở hay trường học.
Tuy nhiên, người dân vẫn phải đeo khẩu trang khi sử dụng các phương tiện giao thông đường dài như xe liên tỉnh, tàu hỏa, hoặc máy bay và tại bệnh viện, các trung tâm dưỡng lão. Việc đeo khẩu trang cũng vẫn được khuyến khích đối với những người mắc COVID-19 và các trường hợp tiếp xúc có nguy cơ cao, những người có triệu chứng và các chuyên gia chăm sóc y tế.
Tại Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19, hầu hết các bang và thành phố của nước này đã hủy bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang, kể cả nơi công cộng trong nhà, trường học
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ, nguy cơ hệ thống y tế nước này bị quá tải rất thấp, do đó có thể nới lỏng quy định đeo khẩu trang và các biện pháp hạn chế khác.
Các nước Châu Á thì thận trọng hơn trong việc dỡ bỏ qui định đeo khẩu trang. Malaysia đã bắt đầu chuyển sang coi COVID-19 là bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, nước này vẫn áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại những nơi công cộng.
Singapore thì không bắt buộc nhưng khuyến khích người dân đeo khẩu trang. Những người không đeo khẩu trang sẽ phải thực hiện giãn cách ít nhất 1m.
Còn đối với người dân các nước Nhật Bản, Hàn Quốc thì đeo khẩu trang đã trở thành thói quen thường ngày. Những chiếc khẩu trang giúp họ ngăn chặn virus, tránh ánh nắng mặt trời, bụi bẩn.
Nhiều quốc gia xác định chuyển từ ngăn cấm sang kiểm soát rủi ro, chuyển từ "Zero F0" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19 có hiệu quả. Do vậy, chúng ta cũng lưu ý, một số biện pháp được "nới lỏng" chứ không phải buông lỏng.
Pháp chính thức bỏ quy định đeo khẩu trang và kiểm tra thẻ tiêm chủng Ngày 14/3, Pháp chính thức bỏ lệnh bắt buộc đeo khẩu trang và kiểm tra thẻ tiêm chủng trong nhiều hoạt động xã hội.