Có nên săn nhân tài như thế?
Trước thông tin TPHCM thu hút nhân tài: 19 người vào làm việc, 14 người ra đi, ba năm qua không tuyển thêm được người nào, thực sự tôi không lấy làm lạ vì bản thân đã từng tham gia vào công việc này. Tôi bàn về nó với tư cách là người trong cuộc và kể những câu chuyện rời rạc để mọi người xâu chuỗi lại và tự rút ra kết luận thì tốt hơn.
Có nên săn nhân tài như thế?
Người tài họ là ai?
Chương trình thu hút người tài ở TPHCM và các trường đại học đưa ra từ năm 2005, có lúc sôi động, có lúc trầm lắng, nhưng về cơ bản cho đến nay chưa bao giờ thành công.
Lương, thưởng, nhà ở, môi trường làm việc, quan hệ đa bên, sử dụng kết quả, thái độ trọng thị,… năm nào cũng được đặt ra như một điệp khúc. Không chỉ cơ quan công quyền, một vài trường đại học lớn ở TPHCM có tiếp nhận một số người được coi là tài từ nước ngoài về đầu quân, nhưng rốt cuộc thì cũng lại đường ai nấy đi, số trụ lại chỉ còn 1-2 người và dường như họ cũng chìm nghỉm đâu đó.
Việt Nam (và nhiều quốc gia nghèo trên thế giới) cần những người có tài năng đặc biệt trong lĩnh vực “tổ chức”. Họ là “nhà tổ chức” thực thụ, tài năng. Họ là những người giỏi chuyên môn, nhưng điều quan trọng nhất là họ có khả năng tập hợp xung quanh mình những người tài, rất tài, và tài năng hơn cả mình nữa, lập thành một ê kíp mạnh. |
Họ là ai thế? Có thể chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất là một số người Việt Nam có tài ở các trường đại học nước ngoài, nhưng đã nghỉ hưu. Người dẫu có tài nhưng nghỉ hưu và không còn chức vụ gì nữa thì năng lực thực tế bị hạn chế vì họ không có danh nghĩa chính thức mang tính đại diện một thiết chế để mời, bảo lãnh cho đồng nghiệp, tổ chức hợp tác với đối tác theo kiểu hai chiều… Nhóm thứ nhất này dường như không có động lực.
Nhóm thứ hai, tài vừa phải nhưng có khả năng “nói” rất giỏi. Một vài người có chút năng lực, nhưng họ không chơi được với ai, và ngược lại không ai chơi với họ. Họ nhận được đề tài, được đầu tư lớn, nhưng ôm một mình, không chia sẻ quyền lợi và cả kiến thức cho ai, họ tự tỏa sáng một mình…
Nơi nào cần người tài?
TPHCM trải chiếu cạp điều tiếp nhận người tài, nhưng giả sử có người tài thật về thì làm ở đâu? Những người tài năng đặc biệt như thế cần có một môi trường và chế độ làm việc không chỉ rất tốt mà còn phù hợp với công việc và cả cá tính nữa.
Các cấp quản lý hành chính và quản lý nhà nước như phường, quận và các sở cần người tài và người tài đặc biệt? Thực tế ở Đà Nẵng cho thấy hầu hết các thạc sĩ, tiến sĩ học bài bản ở nước ngoài về làm việc ở các cơ quan này một thời gian rồi bỏ việc, chấp nhận đền bù chi phí đào tạo. Công việc ở các đơn vị này không cần đến người có bằng cấp cao, bởi bộ máy ở đó hoạt động theo chức năng, quy chế, quy định có sẵn theo luật định…, một người học trung cấp là đủ hoàn thành tốt công việc ở phường hay quận. Những người có năng lực rất dễ bị quy cho là “phá đám” khi đưa ra những sáng kiến làm thay đổi một quy trình đã có.
Tôi là người hiếm hoi tham gia rất lâu dài, hơn 25 năm, vào hoạt động của thành phố ở hai lĩnh vực khá quan trọng là quy hoạch – kiến trúc và giao thông. Tôi chưa bao giờ thấy một cán bộ cấp phó của lãnh đạo thành phố và cấp sở tranh luận với người đứng đầu. Khi người lãnh đạo cao nhất đã “kết luận” thì coi như đó là pháp lệnh, là đúng. Lãnh đạo phát biểu thì các lãnh đạo sở, ban ngành ghi chép lia lịa, gật đầu tán thành. Nếu có một ai đó được mời tới coi như đại diện giới khoa học thì đó hầu hết là “thợ nói chuyên nghiệp”. Cái họ nói rất đúng nhưng không trúng, đại loại như “nhiều thách thức, lắm cơ hội; hãy biết biến nguy thành cơ; cần huy động tối đa nguồn lực”.
Chính vì thế mà trên thế giới những người tài năng trong lĩnh vực tổ chức được coi là “Tài năng đặc biệt”, trong vài chục triệu người, vài chục năm mới xuất hiện được vài người. Họ là báu vật của quốc gia là vậy. |
Thực ra điều này đã diễn ra lâu nay cả ở nhiều tỉnh thành khác. Trong những cuộc họp như thế, nếu có chuyên gia nào phản bác trực diện điều sai hoặc đặt vấn đề khác đi là từ đó không mấy khi thấy xuất hiện nữa. Có những điều sai mười mươi, nhưng cấp dưới chỉ than ở bàn nhậu thôi, và khi vị đó bị kỷ luật hay về hưu thì ai cũng nói “biết từ hồi đó”. Cách làm việc như thế liệu có chuyên gia nào hội nhập được?
Nhà tham mưu giỏi không chỉ là người tài ba, nhìn xa trông rộng mà cón có phẩm chất cao quý của nhà “phản biện”. Trong xã hội hiện đại, bên cạnh thị trưởng, hội đồng thành phố bao giờ cũng có hội đồng cố vấn đóng vai trò tham mưu. Bên cạnh Tổng thống Mỹ có hàng chục cố vấn danh tiếng là vậy.
Ngoài ra, có một chuyện cần nói đến, đó là dù anh là người tài nhất thì vẫn có thể bị coi là người ngoài hệ thống (ví dụ Việt kiều, chuyên gia nước ngoài, người ngoài Đảng) và anh cũng phải làm việc trong một tập thể chính danh. Hàng năm anh vẫn phải làm báo cáo công việc, giải trình, cuối năm phải làm bản kiểm điểm cá nhân, phải qua bình bầu để có thể được tiếp tục ký hợp đồng, được tăng lương, nhận thưởng hay không. Và điều khó chịu nhất là các quy định ngặt nghèo, nhiều vô lý khi tiến hành làm thủ tục kết thúc một hợp đồng nghiên cứu. Những thứ đó không hợp với chuyên gia từ bên ngoài hệ thống. Đó là một thực tế.
Chúng ta thiếu người tài nào?
Trước khi mời người tài về thì câu hỏi quan trọng nhất đặt ra là chúng ta đang thiếu loại người tài nào? Đất nước cần ưu tiên thu hút loại người tài nào trước tiên, quan trọng nhất và sử dụng họ ở những lĩnh vực nào? Nếu không xác định đúng được điều này thì công cuộc tìm kiếm người tài vừa mất công, tốn sức, phí của mà lại vô vọng.
Việt Nam không thiếu người tài, nhất là trong các đơn vị công lập. Nhưng chính cách thức vận hành và quy chế của bộ máy đã làm cho người tài cùn lụt đi. |
Thực sự thì chúng ta không thiếu người tài ở các lĩnh vực cụ thể, nhưng thật sự thiếu những “nhà tổ chức đại tài” có khả năng thu hút những người tài khác, kể cả những người tài hơn mình và khác biệt mình để cùng tham gia cuộc chơi, cùng nhìn về một hướng, cùng nhau thực hiện những chương trình có khả năng đột phá, xoay chuyển cả một lĩnh vực. Chúng ta hãy bắt đầu từ một ví dụ rất điển hình trong khoa học.
GS. Trần Thanh Vân, không hẳn là nhà vật lý xuất sắc nhất thế giới, nhưng theo ý kiến cá nhân tôi, ông là nhà tổ chức khoa học xuất sắc nhất ở Việt Nam hiện nay. Ông đã tổ chức thành công Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành Quy Nhơn (ICISE) nổi tiếng với một cơ ngơi bề thế trên diện tích 20 héc ta, có đầy đủ không gian làm việc cho hàng trăm nhà khoa học. Nơi đây đã tổ chức được 15 lần gặp gỡ Việt Nam thu hút hàng ngàn nhà khoa học nổi tiếng thế giới, rất nhiều trong số họ là những nhà khoa học đoạt giải Nobel và các giải thưởng danh giá trên thế giới. Họ không chỉ tự bỏ mọi chi phí cho mỗi lần đến Quy Nhơn mà còn đóng góp kiến thức, uy tín và cả tài chính cùng GS. Trần Thanh Vân thực hiện dự án của mình.
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam (và nhiều quốc gia nghèo trên thế giới) cần những người có tài năng đặc biệt trong lĩnh vực “tổ chức”. Họ là “nhà tổ chức” thực thụ, tài năng. Họ là những người giỏi chuyên môn, nhưng điều quan trọng nhất là họ có khả năng tập hợp xung quanh mình những người tài, rất tài, và tài năng hơn cả mình nữa, lập thành một ê kíp mạnh.
Ở Việt Nam hiện nay, nhìn đi nhìn lại quả thật có quá ít những người vừa có tầm bao quát đủ rộng vừa có khả năng tổ chức thực hiện trong thực tiễn. Có người có nhiều ý tưởng hay, nhưng không biết phải làm thế nào hiện thực hóa nó; có người lại chỉ biết thừa hành như là các kỹ thuật viên theo kiểu chỉ đâu đánh đấy mà không biết đầu quân vào đâu.
Một bác sĩ xuất chúng, một chuyên gia công nghệ thông tin siêu hạng, một nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng, một vận động viên thể thao đỉnh cao, thậm chí là một bác học được giải Nobel “đầu quân” cho TPHCM là điều tốt, họ sẽ phát huy trong lĩnh vực hẹp của mình (giả định là mọi chuyện hanh thông) nhưng thực tế cho thấy một bác sĩ giỏi chưa chắc đã làm thay đổi được đơn vị (bệnh viện, khoa) nơi anh ta làm việc, chưa kể hoàn cảnh làm hỏng anh ta, hoặc anh ta làm hỏng cái tổ chức đó. Chính những người được coi là tài năng đơn lẻ ấy rất cần một nhà tổ chức hướng dẫn, dẫn dắt mình để phát huy tài năng.
Nhà tổ chức giỏi là người có khả năng phát kiến ra ý tưởng mới, biết tìm hướng đi cho nó sao đúng quy trình pháp lý, biết bày binh bố trận, biết tìm kiếm nguồn lực tài chính, lôi kéo mọi người phù hợp vào cuộc chơi, biết tìm kiếm sự hỗ trợ từ các phía (chính quyền, nhà tài trợ, đối tác) đồng thời tổ chức triển khai từ A-Z để hiện thực hóa ý tưởng đó trong thực tế, kể cả việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Đôi ở khi một trường đại học, một thành phố, một lĩnh vực hoạt động rộng lớn chỉ cần một vài nhà tổ chức như thế là làm thay đổi hẳn diện mạo, chất lượng hoạt động và sản phẩm đầu ra. Nhà chính trị giỏi lãnh đạo quốc gia, bộ ngành, các thành phố lớn không cần cất công trải chiếu cạp điều đi tìm từng nhà kỹ thuật, nghệ thuật giỏi mà chỉ cần tìm cho được vài “nhà tổ chức giỏi”, khi ấy những nhà tổ chức này sẽ biết làm cách nào để hút người giỏi vào đội mình, còn làm cách nào hút được người tổ chức giỏi như thế lại là một nghệ thuật. Nếu TPHCM thu hút được dăm người như GS. Trần Thanh Vân ở các lĩnh vực như y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao thì tự khắc sẽ hình thành nên mạng lưới những người tài, người có năng lực, những người có khả năng sáng tạo ở các cấp độ khác nhau. Chính vì thế mà trên thế giới những người tài năng trong lĩnh vực tổ chức được coi là “tài năng đặc biệt”, trong vài chục triệu người, vài chục năm mới xuất hiện được vài người. Họ là báu vật của quốc gia là vậy.
Do vậy mà nơi thu nạp người tài năng và đặc biệt trước hết là các trường đại học, viện nghiên cứu, khu công nghệ cao; còn với cơ quan công quyền thì thường là ở các bộ phận và vị trí đóng vai trò “tham mưu”. Với một quốc gia, cũng như thành phố, bộ phận và cá nhân đảm nhiệm tham mưu đóng một vai trò vô cùng quan trọng, bởi họ là người tham gia vào việc nghiên cứu ban hành các chính sách mới, ra các quyết sách, các quyết định quan trọng liên quan đến quốc kế dân sinh.
Nhìn sang Singapore, chúng ta sẽ thấy các đời lãnh đạo đều thu hút những người cực tài từ các quốc gia khác nhau vào bộ máy tham mưu cho chính phủ (60% thành viên trong bộ máy tham mưu của ông Lý Quang Diệu là người nước ngoài). Ngoài ra chính phủ khuyến khích các trường đại học, các doanh nghiệp thu hút người tài thông qua các chính sách về thu nhập, đào tạo, nhập cư, sở hữu bất động sản,… Những doanh nghiệp phát triển bền vững đều có trong tay vài ba nhà tổ chức giỏi. Họ chính là hạt nhân quyết định sự tồn vong của doanh nghiệp, do vậy họ luôn là hàng hiếm trên thị trường quốc tế và trở thành mục tiêu của hoạt động “săn đầu người”.
Hãy quay trở về với người tài nội địa
Với tất cả kinh nghiệm làm việc trong thể chế này gần 50 năm, tôi cho rằng với các chuyên gia từ bên ngoài thì hãy đưa vào diện cộng tác viên (có nhiều cấp độ), như thế rất dễ ứng xử. Cái quan trọng nhất là hãy “thâm canh” ngay trên mảnh đất của mình. Sao cứ phải cho là người ở đâu đó giỏi hơn người bản địa. Thực tế cho thấy ngay trong một việc (dự án, công trình, đơn vị), nếu được cung cấp đầy đủ điều kiện (thiết bị, công nghệ, cơ chế), chuyên gia Việt Nam làm không kém gì chuyên gia nước ngoài. Trọng dụng người tài của đất nước là con đường bền vững và đi xa nhất; chỉ sử dụng người bên ngoài ở những lĩnh vực quá mới trong những giai đoạn cần thiết.
Việt Nam không thiếu người tài, nhất là trong các đơn vị công lập. Nhưng chính cách thức vận hành và quy chế của bộ máy đã làm cho người tài cùn lụt đi. Cùng một công việc, trách nhiệm như nhau, lương của người Việt chỉ bằng một phần ba đến một phần năm chuyên gia nước ngoài. Nhiều vị là hiệu trưởng, trưởng khoa, giám đốc trung tâm, trưởng ban, giám đốc sở thực tài, nhưng cứ hết nhiệm kỳ (không qua 10 năm) hay đến 60 tuổi là nghỉ cho dù còn sức khỏe, uy tín cao; người trẻ lên chưa kịp trưởng thành thế là lĩnh vực đó suy giảm, thậm chí suy tàn. Chính do cách hành xử như vậy mà một đội ngũ hùng hậu các nhà khoa học sau 60 tuổi, và có xu hướng ngày càng trẻ hóa, đi sang khối các trường tư thục và các công ty tư nhân.
Nguyễn Trãi từng nói rằng “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”, vấn đề là ở chỗ có tìm ra người tài và biết trọng dụng người tài hay không thì cần phải có người thực tài, có con mắt tinh tường và hơn hết là một tấm lòng cầu hiền, bởi “Tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu”. Nếu không cẩn thận thì chỉ có được “những nhà giả thuật kim” mà thôi.
Theo Michael Nguyễn Minh, Chuyên gia kinh tế, tài chính Singapore thì hàng năm trường đào tạo quản lý uy tín hàng đầu thế giới INSEAD đều có Báo cáo đánh giá mức độ cạnh tranh về nhân tài trên toàn cầu (Global talent competitiveness index) của 134 quốc gia. Theo Báo cáo 2021, Singapore đứng thứ nhất đạt 79,4 điểm, Việt Nam đứng thứ 82, đạt 40,85 điểm, xếp sau các nước trong khu vực như Thái Lan ( thứ 68) Philippines (70) và Indonesia.
TS. Nguyễn Minh Hòa
TBKTSG