Có nên quá lo lắng về việc thiếu hụt thanh khoản hệ thống ngân hàng?

Chia sẻ Facebook
29/07/2022 13:40:10

Lãi suất qua đêm của các ngân hàng vừa có một đợt tăng mạnh, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng cũng vừa có sự điều chỉnh, FED vẫn tiếp tục chưa mềm mỏng trong việc khống chế lạm phát. Thị trường tài chính sẽ thế nào trước những biến động ấy?


Có nên quá lo về lãi suất và thanh khoản?

Tại chương trình Bí mật đồng tiền số 31 "Đừng giao "chứng" cho ác", phát sóng trên VTV Digital ngày 27/7, khi được Host Ngọc Trinh hỏi về việc sẽ lựa chọn từ khóa nào để nhận định về thị trường, ông Phạm Lưu Hưng, kinh tế trưởng của chứng khoán SSI cho biết, tuần qua từ khóa được nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất đó là "thanh khoản", cụ thể là thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Chuyên gia chia sẻ, trước đây trong thời kỳ Covid, lãi suất qua đêm chỉ dao động trong mức trong mức 0%. Trong tuần vừa rồi, lãi suất đã tăng lên mức 2,8% và sang tuần này thì đang ở vùng 3-4% (thậm chí lên đến 5% - PV). Bên cạnh đó thị trường mở (OMO) cũng có những biến động, lãi suất và khối lượng giao dịch OMO đều có xu hướng tăng.

Hiện nay, trên thế giới xuất hiện xu hướng tăng lãi suất. Ở Việt Nam, có những thời điểm VND có lãi suất thấp hơn USD. Trong bối cảnh FED có thể tăng lãi suất, sự chênh lệch giữa lãi suất VND và USD cần phải giãn ra một chút và có những thời điểm trong tuần mức chênh lệch lên đến 2% là khá hợp lý.

"Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ đang chịu tác động bởi yếu tố thời vụ vì đây là tháng đầu tiên trong một quý, cũng là thời điểm các công ty phải nộp thuế. Vì thế có thể sẽ có một lượng thanh khoản bị rút khỏi hệ thống ngân hàng. Nó sẽ có một số ảnh hưởng nhất định, song không cần quá lo ngại vì chỉ mang tính chất cục bộ", ông Hưng chia sẻ.

Về việc Ngân hàng Nhà nước bắt đầu triển khai đấu giá lãi suất OMO, điều này giống như việc bình thường hóa lãi suất và không quá đáng lo ngại. Lãi suất trên kênh thị trường mở trước đây thường dao động trong khoảng 2,5%, đây là một mức khá thấp. Thời gian dịch bệnh con số này có lúc còn lên đến 4%. Mức lãi suất trúng thầu 3,8% vừa được ghi nhận có cao hơn so với mức 2,5%, song thực tế điều này không tạo ra một xu hướng tăng lãi suất. Những diễn biến vừa qua có thể được hiểu là lãi suất OMO đang được đưa đến gần hơn với mức định giá của thị trường.

Thị trường tài chính sẽ thế nào khi FED tăng lãi suất?

"Câu chuyện tăng lãi suất của FED không quan trọng, câu hỏi mang tính chất tỷ đô là bao giờ FED sẽ chấm dứt chuyện này, hay nói cách khác là bao giờ FED ‘quay xe’", Kinh tế trưởng của SSI chia sẻ.

Theo chuyên gia, hiện tại trên thị trường có ghi nhận một luồng ý kiến cho rằng FED có thể chấm dứt việc tăng lãi suất trong năm 2022. Sang năm 2023, cơ quan này có thể quay lại giảm lãi suất. Vì thời điểm đầu năm sau áp lực suy thoái lên nền kinh tế Mỹ là khá cao. Bên cạnh việc FED sẽ công bố việc có tăng lãi suất hay không, sắp tới Mỹ sẽ đón nhận thêm thông tin về tăng trưởng GDP. Ngay quý I, FED đã đón nhận thông tin tăng trưởng GDP không tích cực. Xác suất tốc độ tăng trưởng bị âm thêm một quý nữa là khá cao, nhiều chỉ báo cũng cho thấy chỉ số này sẽ tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm trong quý II.

Thị trường cũng có thể sẽ phản ứng theo kiểu quyết định tăng lãi suất FED không quan trọng bằng kỳ vọng bao giờ cơ quan này sẽ chấm dứt câu chuyện tăng lãi suất. Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có những động thái mạnh mẽ hơn như ngân hàng châu Âu (ECB) trong những tuần trước, thị trường cũng có thể sẽ kỳ vọng đà tăng lãi suất đã chấm dứt.

Theo biên tập viên Hoàng Nam, hiện tại trên thị trường có tồn tại quan điểm, nếu kinh tế Mỹ ghi nhận tăng trưởng GDP âm 2 quý liên tiếp lại đôi khi là câu chuyện tốt. Vì khi đó FED có thể sẽ có thể hạ lãi suất hoặc tăng lãi suất một cách mềm mỏng hơn. Ngược lại, nếu quý II Hoa Kỳ ghi nhận nhận tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội một cách tích cực, rất có thể FED sẽ đánh giá rằng nền kinh tế đã đủ sức chống chịu và việc duy trì đà tăng lãi suất có thể không ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Nhận định về vấn đề này, kinh tế trưởng của SSI cho biết, câu chuyện trên có 2 mặt. Thông thường khi nhắc đến các ngân hàng trung ương, người ta sẽ thường dùng công cụ Định hướng Chính sách (Forward Guidance). Nó dùng để đánh giá ngân hàng sẽ thay đổi lãi suất thế nào trước một mức lạm phát nhất định. Chẳng hạn trong quá khứ, từng có con số lạm phát 2% để FED điều tiết lãi suất.

"Tuy nhiên, cách đây vài tuần thì ECB từ bỏ Forward Guidance (Định hướng Chính sách). Vì họ nghĩ rằng thời điểm này tiếp tục sử dụng các công cụ ấy thì quá phức tạp, cần phải tăng lãi suất mạnh hơn nữa. Nếu mà FED ‘quay xe’ như thế, trong khi mấy hôm trước còn đưa ra các định hướng về lạm phát thì điều này nó ảnh hưởng rất nhiều đến độ tin cậy của ngân hàng trung ương", ông Hưng chia sẻ.

Chia sẻ Facebook