Có nên giao địa phương tự chủ kỳ thi tốt nghiệp THPT?
Các chuyên gia cho rằng để một địa phương tự tổ chức và ra đề thi vẫn cần phải cân nhắc và xem xét kỹ, tránh gây khó khăn cho người học và các trường.
Vừa qua, Sở GD&ĐT Tp.HCM kiến nghị Bộ GD&ĐT giao UBND thành phố này chịu trách nhiệm toàn diện chỉ đạo thực hiện tất cả các khâu tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương.
Đề thi do các Sở GD&ĐT tự xây dựng theo quy định của quy chế thi và bảo đảm đúng cấu trúc, định dạng đề thi do Bộ GD&ĐT ban hành.
Đây không phải lần đầu tiên, thành phố lớn nhất cả nước có đề xuất này, trước đó vào năm 2016, ý kiến tự tổ chức kỳ thi THPT đã được đưa ra, nhưng không được Bộ thông qua.
Theo Luật Giáo dục hiện hành, quy định, học sinh hoàn thành chương trình THPT, đủ điều kiện thì được dự thi, đạt yêu cầu sẽ được cấp bằng tốt nghiệp. Ở đây, không nói rõ kỳ thi cần triển khai ở cấp quốc gia hay cấp tỉnh, nên Bộ có thể giao việc tổ chức cho các địa phương.
Cần phải cân nhắc, xem xét kỹ
Trao đổi với Người Đưa tin , TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT nêu quan điểm: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT là một kỳ thi quan trọng, đây cũng là cơ sở để đánh giá chất lượng ngành giáo dục.
Để đạt hiệu quả nhất, Bộ GD&ĐT vẫn nên là cơ quan ra đề thi nhằm đảm bảo đạt chuẩn chung trên cả nước. Việc tổ chức thi, các địa phương có thể tự tổ chức, tự chịu trách nhiệm”.
Ở đây, ông Vinh giải thích thêm, mặc dù chương trình học giống nhau, có giới hạn nội dung ra đề thi. Tuy nhiên, vẫn cần có sự so sánh giữa các địa phương, vì vậy cần một cơ sở, mặt bằng chung để thuận tiện đánh giá.
“Hơn nữa, từng tỉnh/thành phố tự tổ chức như vậy sẽ gây tốn kém. Có thể Bộ GD&ĐT không tổ chức thi, nhưng vẫn cần có thước đo chung”, ông Vinh bày tỏ.
Thi tốt nghiệp THPT Quốc gia vẫn cần có sự thống nhất
Trên thực tế, để làm ra một bộ đề thi đảm bảo chất lượng không hề đơn giản, cần có kỹ thuật, cơ sở vật chất, ngân hàng đề thi, kèm theo đội ngũ giáo viên, chuyên gia có đủ trình độ để xây dựng.
Điều này, khiến cho chuyên gia lo ngại rằng các địa phương khó đảm bảo độ công bằng, tin cậy để các trường đại học lấy kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT làm cơ sở cho việc xét tuyển đại học.
TS.Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh: “Nếu xảy ra những bất cập sẽ rất ảnh hưởng tới các thí sinh. Đây là điều mà người làm chính sách cần phải cân nhắc và xem xét kỹ”.
Việc tự tổ chức và ra đề thi cần có sự thống nhất chung, nếu chỉ có số ít những nơi làm riêng sẽ tạo khó khăn cho quá trình tuyển sinh sau này.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục , Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nêu quan điểm: “Việc này không phù hợp với thực tiễn hiện nay, ngay trong tên gọi kỳ thi THPT Quốc gia, cuộc thi được tổ chức thống nhất, dưới sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và đây cũng là cơ quan ra đề thi.
Nếu kỳ thi quốc gia nhưng một địa phương không tham gia sẽ không phù hợp với tiêu chí, mục tiêu và tên gọi của nó”.
Việc địa phương tự ra đề khiến Đại biểu Quốc hội lo ngại rằng sẽ dẫn đến tình trạng những thí sinh ở địa phương này có nguyện vọng xét tuyển tại các nơi khác, từ đó tạo ra thiếu tương đồng về điểm số, khó khăn cho việc tuyển sinh.
“Trong thời điểm hiện nay, nếu Tp. Hồ Chí Minh tự ra đề khi sẽ khập khiễng, gây khó cho người học và các trường. Thời gian tới, khi có những đổi mới quy định trong xét tuyển đại học có thể xem xét sau”, bà Nga đánh giá.
Tự tổ chức thi sẽ là xu hướng tất yếu
Trên thực tế, những năm trở lại đây, do mức độ phân hóa học sinh của đề thi tốt nghiệp THPT không còn được rõ nét, nhiều trường đại học đã có những phương án xét tuyển riêng, đa dạng hình thức.
Đặc biệt là phối hợp tổ chức những kỳ thi đánh giá năng lực, nhằm mục địch chọn lựa được những thí sinh phù hợp với định hướng đào tạo.
Đến nay, nhiều trường đại học trên cả nước đã công bố chỉ tiêu của kỳ thi năm 2022. 50% chỉ tiêu của các trường hiện nay đã dành cho những phương thức xét tuyển khác thay vì chỉ chú trọng lấy điểm từ kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Và có hơn 50 đại học đăng ký sử dụng kết quả bài thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội làm một trong những phương thức xét tuyển đại học.
Thậm chí năm nay, trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ dành 10 – 15% chỉ tiêu cho hình thức xét tuyển theo kết quả thi THPT. Phía Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do trường tổ chức để tuyển 60-70% tổng chỉ tiêu.
Còn Đại học Luật Hà Nội có thêm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho từng tổ hợp (thấp nhất là 18 điểm).
Trước vấn đề này, TS.Nguyễn Tùng Lâm, thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục – đào tạo cho rằng giao đánh giá tốt nghiệp THPT cho các địa phương là phương hướng lâu dài, cần thiết. Bởi thực chất kỳ thi chỉ nhằm đánh giá học sinh có đạt được trình độ THPT hay không.
Việc của Bộ GD&ĐT là quy định mức sàn yêu cầu của đề thi, tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục của từng nơi theo những quy chuẩn. Một vấn đề khác được chuyên gia nêu rõ, muốn thực hiên vấn đề này hiệu quả. Các trường đại học cần chủ động trong công tác xét tuyển bằng việc tự tổ chức kỳ thi riêng hoặc trung tâm khảo thí tổ chức thi cho trường đại học sử dụng kết quả.
Tuy nhiên, thầy Lâm vẫn bày tỏ băn khoăn: “Công tác quản lý của chúng ta hiện nay chưa đồng đều, đặc biệt cần phải kiểm soát chất lượng giáo dục chung. Nếu để hoàn toàn các địa phương thực hiện sẽ dễ dẫn đến trì trệ”.
Việc quan trọng, là các tỉnh, thành phố phải có quy chuẩn ra đề thi, chất lượng đào tạo, quản lý phải đảm bảo thống nhất thì kết quả mới phản ánh đúng.
Theo Nguyễn Hoa Trà
Theo Người đưa tin