Có nên đưa thuốc lá mới vào quản lý như thuốc lá truyền thống?
Có nên đưa thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng vào quản lý như thuốc lá truyền thống?
Vấn đề quản lý thuốc lá thế hệ mới (hay thuốc lá mới, thuốc lá làm nóng) hiện vẫn gây tranh cãi ở Việt Nam. Trong khi Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới để bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là thế hệ học sinh, thì Bộ Công thương, Bộ Tư pháp và Bộ KH&CN lại đề nghị đưa thuốc lá mới vào quản lý theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Tháng 11 năm nay, dự kiến thuốc lá mới sẽ là tâm điểm thảo luận tại hội nghị COP 10. Vì thế, Việt Nam cần sớm thống nhất giữa các bộ, ngành trong việc kiểm soát thuốc lá mới.
Đó cũng là lý do để hội thảo “Kiểm soát thuốc lá mới có trách nhiệm” được Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức vào sáng nay, 5/7, tại Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT và ông Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế , là người đã rất am hiểu về lĩnh vực này - đã không tham dự, dù được mời.
Tại hội thảo, ông Lê Thành Hưng - Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bộ KH&CN - cho biết ngày 9/3/2020, Bộ KH&CN đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ “nhất trí với đề nghị cần sớm rà soát, xây dựng văn bản pháp luật, chính sách quản lý thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng (TLLN) ở Việt Nam cho phù hợp. Bộ KH&CN thống nhất với đề xuất của Bộ Công thương là quản lý TLLN theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá”.
Ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Bộ Tư pháp - chia sẻ: Những lo ngại của Bộ Y tế về tính mới mẻ của sản phẩm và cần thời gian để thẩm định khoa học, những tác hại lâu dài mà TLLN có thể để lại cho người hút thuốc, cũng như làm sao để tránh tình trạng sử dụng trong giới trẻ - mặc dù việc này chỉ mới ghi nhận có xảy ra ở thuốc lá điện tử, nên cũng cần trang bị những biện pháp để tránh nguy cơ sử dụng sản phẩm bắc cầu. Bên cạnh đó, cũng cần thực hành luật chặt hơn để bảo vệ giới trẻ, như xử phạt cả người mua và người bán thuốc lá cho trẻ dưới 18 tuổi.
Đại diện Bộ Tư pháp cho rằng thuốc lá mới (đặc biệt loại có chứa nguyên liệu thuốc lá) phù hợp với định nghĩa của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, cần đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật hiện hành.
Theo ông Cao Trọng Quý - Trưởng phòng Công nghiệp thực phẩm, Cục Công Nghiệp Bộ Công thương - từ năm 2018-2019, Bộ Công thương đã hoàn thiện đề tài nghiên cứu và đề xuất chính sách quản lý đối với mặt hàng này.
“Bộ dự kiến trình Chính phủ trong thời gian tới trên cơ sở tiếp tục trao đổi để thống nhất với Bộ Y tế về dự thảo Nghị định 67 sửa đổi về kinh doanh thuốc lá, đề xuất quản lý TLLN theo luật hiện hành như khuyến nghị của WHO. Đối với thuốc lá điện tử do tính chất đa dạng về sản phẩm có thể có hoặc không có nicotine, cũng như không có nguyên liệu thuốc lá, sẽ cần thẩm định về tính pháp lý trước khi thống nhất phương án kiểm soát phù hợp”.
Ở góc độ chuyên gia thuế, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế - cho rằng, thuốc lá mới không phải là thuốc lá truyền thống nhưng là thuốc lá. Do đó, để góp phần giảm việc tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khỏe theo khuyến cáo của WHO, cần đưa thuốc lá mới vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Điều này còn giúp người dùng được tiếp cận với những sản phẩm chính danh, được kiểm soát chất lượng, vì nếu dùng phải hàng nhập lậu, kém chất lượng thì tác hại rất lớn đến sức khỏe.”
Đại diện Cục chính sách thuế Bộ Tài chính, bà Lê Thùy Linh thận trọng đề xuất cần tham khảo ý kiến của Bộ Y tế và WHO trong vấn đề quản lý thuốc lá mới. Vì WHO thông tin thuốc lá mới có hại như thuốc lá truyền thống, và khuyến nghị cấm hoặc quản lý như thuốc lá truyền thống. Nếu không cấm, phải có văn bản và biện pháp quản lý, áp dụng chính sách thuế đặc biệt với việc sản xuất, nhập khẩu và lưu hành.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội - cho rằng phản ứng chính sách của ta còn chậm, không hiệu quả. Trên thực tế các loại thuốc lá được sử dụng bất cứ lúc nào, ở đâu, kể cả ở máy bay. Trong 5 năm tỉ lệ hút thuốc ở giới trẻ tăng 18 lần, là một vấn đề đáng báo động, trong khi chúng ta đang “bỏ trống trận địa” về quản lý, thuế với TLLN, kể cả chính sách đối ngoại khi cam kết quốc tế về môi trường, phòng, chống tác hại thuốc lá …
Ông Nhưỡng cho rằng, nên đưa TLLN vào quản lý chứ không cấm hẳn. Chỉ cấm sử dụng ở nơi công cộng, có mái che, trường học vv…
Đại diện Bộ Công thương cho biết thêm đã làm việc với Bộ Y tế 2 lần nhưng vẫn chưa thống nhất về quan điểm với TLLN là cần đưa vào quản lý để đảm bảo sức khỏe nhân dân và có nguồn thu cho ngân sách Nhà nước; có biện pháp xử lý với hàng nhập lậu. Tới đây, Bộ Công thương tiếp tục làm việc với Bộ Y tế và trình Chính phủ về vấn đề này để xin ý kiến.