Có nên đợi đến già mới mua bảo hiểm?
Nhiều người đang có quan niệm khi trung niên hoặc già mới cần bảo hiểm. Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng điều này là chưa đúng.
Thông thường, người trẻ sẽ có xu hướng thích khám phá, dấn thân làm giàu, song lại ít nghĩ về chuyện an toàn cho bản thân, cũng như sự thịnh vượng tài chính về lâu dài.
Theo CTCK Yuanta Việt Nam, khoảng 2/3 số tài khoản chứng khoán đã mở tại công ty này do những người trẻ từ 20 đến 30 tuổi sở hữu. Hay như khảo sát của InforQ trên 703 người Việt Nam vào cuối năm 2021 cũng cho thấy, có hơn 50% người đang có tài khoản chứng khoán dưới 30 tuổi.
Trong khi đó đối với bảo hiểm, dù ngành thường xuyên ghi nhận tăng trưởng doanh thu ở mức 2 chữ số, song tỷ lệ thâm nhập vẫn còn thấp.
Theo báo cáo của Vietnam Report hồi giữa năm nay, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm ở Việt Nam hiện chỉ dao động ở mức 2,3% - 2,8%, thấp hơn so với các thị trường mới nổi và cách xa mức 9,6% tại các thị trường phát triển.
Số người tham gia bảo hiểm nhân thọ chỉ khoảng 10 triệu người tương đương với khoảng 10% dân số. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với Malaysia (~50%), Singapore (~80%), và Mỹ (~90%).
Theo ông Nguyễn Thanh Minh, chuyên gia tài chính cá nhân, thành viên Hiệp hội Các nhà Hoạch định Tài chính Hoa Kỳ, một bức tranh tài chính cá nhân hoàn chỉnh cần có ba khía cạnh bao gồm 1) tạo dòng thu nhập, 2) bảo vệ an toàn tài chính, 3) tích lũy và tăng trưởng tài sản. Trong đó, bảo hiểm thuộc vào phần bảo vệ an toàn tài chính và rất cần thiết. Tuy nhiên, một số người lại xem nhẹ việc mua bảo hiểm, đặc biệt là người trẻ.
Không ít người trẻ đang có lầm tưởng rằng vì chưa lập gia đình và chưa có người phụ thuộc nên chưa cần bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, chuyên gia lại không đồng tình với quan điểm này.
"Trên lý thuyết, bảo hiểm nhân thọ dùng để bảo vệ cho một nguồn thu nhập có thể bị mất đi. Trên tinh thần đó, trong mỗi gia đình cứ một thành viên có khả năng tạo ra dòng tiền, nên có một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ để bảo vệ người thân đó. Mặc dù chưa lập gia đình, song người trẻ cũng có ba hoặc mẹ, đó cũng là những người phụ thuộc. Trong trường hợp, không có người phụ thuộc nào, người trẻ sẽ không cần bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, lúc này các bạn cũng nên nghĩ đến sức khỏe của bản thân. Khi gặp rủi ro về ốm đau, chi phí chữa trị đôi khi có thể rất lớn, có thể vài chục triệu, hàng trăm triệu cho đến hàng tỷ đồng đối với các bệnh hiểm nghèo. Nếu không có bảo hiểm, người trẻ sẽ dễ dàng trở thành người phụ thuộc vào người khác, tệ hơn là bỗng dưng trở thành ‘con nợ’ hoặc thành gánh nặng xã hội. Vì lẽ đó, dù không tham gia bảo hiểm nhân thọ, song người trẻ cũng nên có bảo hiểm sức khỏe", ông Minh cho biết.
Trên thị trường, các sản phẩm cũng đã rất đa dạng và phù hợp với từng nhu cầu riêng biệt. Điển hình có thể kể đến BIDV MetLife có sản phẩm Quà Tặng Sức Khỏe chi trả chi phí điều trị cho bệnh tiểu đường tuýp 2, đồng thời hỗ trợ điều trị bệnh ung thư ngay từ giai đoạn sớm, hay như Bảo Việt An Gia của Bảo hiểm Bảo Việt, Món quà sức khỏe của Manulife,…
Theo các chuyên gia, đôi lúc nếu phạm vi bảo hiểm và quyền lợi như nhau, trong một số trường hợp như người tham gia sống độc thân, không có người phụ thuộc,… lựa chọn bảo hiểm nhân thọ để bảo vệ sức khỏe sẽ có ưu thế hơn về mặt tiết kiệm chi phí. Đồng thời, nên mua bảo hiểm càng sớm càng tốt, đặc biệt là ở thời điểm sức khỏe còn tốt.