Có nên bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên?

Chia sẻ Facebook
27/10/2022 20:44:28

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ giữ lại các lớp cận chuyên thì cũng nhiều ý kiến cho rằng, trường chuyên chỉ dành cho những người xuất sắc nhất, cho đội ngũ tinh hoa.


Đề xuất bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên


Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo thông tư ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên để lấy ý kiến. Điểm đáng chú ý trong dự thảo là quy định: không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên. Nội dung này đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của các phụ huynh và học sinh có con chuẩn bị thi lên bậc THPT.


Hiện nay, hệ thống trường chuyên gồm 78 trường. 10 năm trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép trong các trường này có thể có các lớp không chuyên, tức là học sinh được học chương trình như các trường ngoài nhưng do các giáo viên trường chuyên giảng dạy và được sử dụng cơ sở vật chất của nhà trường. Số học sinh trong lớp không chuyên không được vượt quá 20% tổng số học sinh của trường. Sĩ số không quá 45 học sinh/lớp.


Phải nhìn nhận một cách thẳng thắn, các lớp không chuyên trong trường chuyên cũng có những đóng góp nhất định cho công tác giáo dục với đối tượng có học lực khá. Bởi khi mở ra các lớp không chuyên trong trường chuyên, nhà trường tuyển những học sinh có điểm số sát với các em đỗ vào lớp chuyên. Khoảng cách có khi chỉ 0,25 điểm. Sự ra đời của những lớp cận chuyên này đã bồi dưỡng, nâng tầm những học sinh có tiềm năng, bổ sung vào các đội tuyển học sinh giỏi quốc gia những nhân tố mới.

Lớp không chuyên đóng góp tích cực cho trường chuyên


Đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý của Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội có 2 bạn không phải là học sinh lớp chuyên. Các em ở lớp mà điểm thi đầu vào thấp hơn một chút, là lớp cận chuyên. Thế nhưng trong quá trình học tập, các em đã bứt phá và vượt qua cả các bạn lớp chuyên để đạt các thành tích cao trong học tập.


Tại Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, các lớp cận chuyên chính là một động lực cạnh tranh với các lớp chuyên. Nếu học sinh ở lớp chuyên học kém, sẽ bị luân chuyển, nhường chỗ cho các bạn học giỏi từ các lớp cận chuyên.


Sự có mặt của các lớp cận chuyên cũng đóng góp cho mục tiêu của trường chuyên là đảm bảo giáo dục phổ thông toàn diện. Bởi có đủ học sinh mới có thể thành lập các câu lạc bộ, hội, nhóm với các hoạt động ngoại khóa đa dạng. Cô Vũ Phương Thúy (giáo viên Toán Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội) đã 10 năm tham gia dạy các lớp cận chuyên. Cô cho rằng sẽ rất đáng tiếc nếu trường chuyên không còn các lớp cận chuyên.


Tại Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, nếu học sinh chuyên đang đóng học phí là 300 nghìn đồng/tháng thì học sinh cận chuyên đóng 600 nghìn đồng/tháng. Những học sinh này đều cho rằng sẽ rất tiếc nếu không còn lớp cận chuyên.


Đại diện Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng vẫn nên giữ lớp không chuyên trong trường chuyên.


Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đang phát triển theo hướng tự chủ. Một số ý kiến cho rằng, nên tùy vào điều kiện từng nơi, trường nào có cơ sở vật chất tốt, đội ngũ nhà giáo đủ mạnh, có thể mở lớp không chuyên.


Quan điểm về lớp chuyên trong trường chuyên


Đà Nẵng có Trường chuyên Trung hoc phổ thông Lê Quý Đôn được thành lập từ năm 1986 là ngôi trường chỉ có lớp chuyên. Trong thời gian qua, nhiều thế hệ học sinh đã đem thành tích đáng tự hào về cho trường và quốc gia. Do vậy, vị thế của trường luôn nằm trong số trường hàng đầu quốc gia .

Theo quan điểm của hiệu trưởng, nếu địa phương nào có điều kiện thì nên có lớp không chuyên trong trường chuyên, tạo môi trường cạnh tranh trong học tập, nếu không có điều kiện thì chỉ nên có trường chuyên.


Còn theo Tiến sỹ Nguyễn Thanh Hưng - một nhà giáo lâu năm giảng dạy trong trường chuyên, nếu lớp không chuyên như một lớp học phổ thông bình thường thì cũng nên không có trong trường chuyên vì mục tiêu giáo dục trường chuyên rất khác biệt. Đó là phát hiện, bồi dưỡng tài năng. Nếu lớp chuyên mà học sinh không đủ điều kiện đánh giá năng lực qua kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, thì học lớp không chuyên vẫn được đào tạo, bồi dưỡng theo hướng khác, không theo chương trình nghiêm ngặt của Bộ Giáo dục và Đào tạo.


Chương trình giáo dục phổ thông không chỉ có mục tiêu định hướng nghề nghiệp mà còn để học sinh phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất. Trường chuyên bên cạnh việc phát hiện, bồi dưỡng những tinh hoa trí thức về từng lĩnh vực cụ thể thì cũng không thể đứng ngoài cuộc xu thế giáo dục để học sinh trở thành công dân toàn cầu. Do đó việc lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo việc bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên vẫn còn ý kiến đa chiều.

Chia sẻ Facebook