Có lý do... tâm tư

Chia sẻ Facebook
20/10/2023 04:55:04

Gần đây báo chí và mạng xã hội lên tiếng nhiều về lương của nhân viên trường học, tức những người làm việc trong các trường học nhưng không phải là giáo viên, rằng lương họ rất thấp nếu so với giáo viên đứng lớp.

Được biết, trong một trường học, nếu đủ, thì ngoài giáo viên là chính, tất nhiên rồi, còn các thành phần sau: kế toán, thủ quỹ, văn thư, y tế, thiết bị dạy học, giáo vụ, bảo vệ..., nhưng đa phần hiện nay phải kiêm nhiệm hoặc thiếu. Thì đến giáo viên còn thiếu mà. Hiệu trưởng một trường tôi quen cho biết, trường chị không có nhân viên thủ quỹ, y tế, văn thư.

Và cũng có người nói cho tôi thế này nữa, thực ra họ được hưởng lương đúng như họ làm, như mọi viên chức Nhà nước ở các cơ quan ngành nghề khác. Nếu kêu lương thấp phải kêu... Chính phủ chứ ngành thì chịu. Đa phần họ hưởng lương trung cấp nên thấp. Thực ra các cơ quan hành chính sự nghiệp khác, lương một viên chức tốt nghiệp đại học ra trường dăm năm cũng trên dưới 5 triệu chi đó. Năm 2020 một văn bản của Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho rằng “Có thể nói, nhân viên trường học đang được hưởng chế độ chính sách đầy đủ như nhân viên trong các ngành, lĩnh vực khác và được chuẩn hóa bởi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như các viên chức khác. Đồng thời, các nhân viên trường học cũng được quan tâm, chú ý bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của công tác giáo dục và đào tạo”.


Và nữa, nếu so với viên chức xã phường, cùng công việc ấy, thì ở nhà trường dường như vẫn... nhàn hơn.
Nhưng nếu so với cùng môi trường làm việc, tức trường học ấy, thì quả là sự chênh lệch đáng... khó coi. Một tờ báo tính toán cho biết, một kế toán trường học công tác 15 năm (2009 – 2023) mã ngạch 06032 kế toán viên trung cấp hệ số lương 3.26 + 0,1 (phụ cấp kế toán - nếu có), mức lương thực nhận là 4.496.373 đồng, trong khi giáo viên đứng lớp bây giờ trung bình cũng phải trên dưới chục triệu, chưa kể số có điều kiện dạy thêm. (tôi có tham khảo mức lương một giáo viên dạy Văn THCS là 11 triệu và một giáo viên mỹ thuật tiểu học là 8 triệu một tháng trong thời điểm hiện tại. Một Hiệu phó tiểu học của trường vùng 3 tất tật nhận khoảng 25 triệu, đi về 40 km một ngày).

Ảnh minh họa.


Nên nếu lướt qua các tít báo thời gian này thấy các kế toán trường học ào ào nghỉ việc. Trang tin điện tử của Tỉnh ủy Gia Lai cũng dẫn bài của báo Gia Lai: “Nhân viên kế toán trường học ở Gia Lai nghỉ việc hàng loạt”. Bài báo dẫn lời một kế toán “Tôi bắt đầu đi làm từ năm 1989. Ban đầu, tôi làm trong một cơ quan bảo hiểm xã hội rồi chuyển sang làm nhân viên kế toán trường học. Tôi làm kế toán ở Trường THCS N.D mấy chục năm rồi, mới đây phải kiêm nhiệm thêm kế toán tại Trường Mầm non T.M. Riêng ở Trường THCS N.D, mỗi tháng, tôi phải tính toán, chuyển lương, chế độ hơn 1 tỷ đồng cho giáo viên, nhân viên rồi thu các khoản tiền của 2.000 học sinh đã bù đầu, mấy tháng nay còn phải kiêm nhiệm thêm việc kế toán trường khác nữa. Tuổi tôi đã lớn, nhiều hôm phải làm đến 7-8 giờ tối và liên tục di chuyển giữa 2 trường, tôi lo lắng có sai sót về số liệu khi tính toán. Chưa kể mức lương chỉ 4,2 triệu đồng/tháng ở trường chính và 1,5 triệu đồng ở trường kiêm nhiệm là quá thấp. Vì vậy, tôi đã viết đơn xin thôi việc”. Rồi là: “Gần 80 nhân viên kế toán trường học tại Nghệ An kêu khổ”, “Gia Lai: Một nửa số kế toán ngành giáo dục huyện Chư Pưh nghỉ việc cùng lúc”... vân vân...

Một hiệu trưởng cho biết, họ thiệt thòi so với giáo viên đứng lớp đã đành, so với viên chức bên ngoài thì họ không có phụ cấp công vụ, không có những khoản lặt vặt bù vào, nên trường nhiều khi cũng phải linh động bù thêm cho họ, ví dụ nhân viên thư viện kiêm... vệ sinh, tháng cũng được thêm vài triệu. Kế toán, thủ quỹ thì được nhà trường hỗ trợ tiền xăng vì họ phải đi giao dịch bằng xe cá nhân, nhân viên y tế được thêm vài trăm tiền điện thoại vì họ phải liên lạc với phụ huynh... rồi các ngày lễ tết, ngày nhà giáo... giáo viên đứng lớp được nhận quà từ phụ huynh, họ không có, trường cũng tìm cách bù sớt, ngay giáo viên cũng tìm cách san sẻ ví dụ tặng nhau cây son, xấp vải áo dài...

Nhân nói về nhân viên y tế trường học, là các trường có suất này, nhưng hầu như nhân viên lại không có quyền, vì muốn chữa bệnh hay làm bất cứ điều gì liên quan tới sức khỏe học sinh, phải có chứng chỉ. Nên có trường được bảo hiểm y tế trích lại để chăm sóc sức khỏe học sinh nhưng không thể tiêu vì không có quyền tiêu, không có chức năng tiêu, trả lại thì bảo hiểm không nhận, thế là cứ để trong kho bạc năm này sang năm khác đến... mốc cả tiền...

Và lý do để nhân viên họ tủi thân nữa là họ là một phần của đời sống giáo dục, của trường, của ngành... nhưng những ngày liên quan thì họ “có vẻ” như bị lãng quên, chỉ lo phục vụ.

Lương và phụ cấp ở ta có lúc như... "mê hồn trận", những người lơ mơ chịu chết, không biết tính lương của mình như thế nào, thôi thì phó mặc cho... kế toán tính hộ. Chưa kể những cuộc cải cách tiền lương còn nhớ mãi, kiểu như năm nào gộp ba bậc lương làm một, anh ở cuối bậc với anh đầu bậc cách nhau ba bậc giờ bằng nhau. Còn giờ, phụ cấp cũng thế, cùng một việc như nhau, ngạch bậc như nhau, nhưng nếu cơ quan khác nhau có khi phụ cấp chênh nhau khá lớn...

Nên những nhân viên trường học, họ có lý do để... tâm tư.


*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Chia sẻ Facebook