Có lãi sau nửa đầu năm, cổ phiếu VIC sắp được cấp margin?
Vingroup ghi nhận lãi sau thuế nửa đầu năm là 1.065 tỷ đồng, giảm 28,3% so với cùng kỳ.
Tập đoàn Vingroup ( HoSE: VIC ) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên với doanh thu thuần 31.623 tỷ đồng, giảm 48%. Nguyên nhân chủ yếu cho sự giảm doanh thu của tập đoàn do doanh thu chuyển nhượng bất động sản giảm 75,3% còn 9.058 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ Vingroup vẫn đạt 5.846 tỷ đồng, tăng 63,8% so với cùng kỳ.
Như vậy, cổ phiếu VIC sẽ chuẩn bị được giao dịch ký quỹ (margin) trở lại trong thời gian tới. Trước đó, mã này bị cắt margin từ ngày 5/4 vì ghi nhận lỗ 7.558 tỷ đồng năm 2021. Nguyên nhân lỗ do tài trợ 6.072 tỷ đồng cho các hoạt động phòng chống Covid-19 và trích lập dự phòng 4.494 tỷ đồng để thanh toán cho các khoản phí trả cho các nhà cung cấp do kết thúc hợp đồng liên quan đến quyết định ngừng sản xuất xe để tập trung sang xe điện. Theo quy định, cổ phiếu của một công ty sẽ bị cắt margin khi ghi nhận lỗ trên BCTC bán niên hoặc BCTC năm.
Một trong những nguyên nhân giúp Vingroup có lãi trong nửa đầu năm là do doanh thu tài chính tăng gần 91% lên 21.090 tỷ đồng. Trong đó, đơn vị này đã ghi nhận lãi từ chuyển nhượng công ty con và các khoản đầu tư tài chính là 19.591 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ. Ngoài ra, công ty còn ghi nhận thêm 4.976 tỷ đồng lãi từ các việc thanh lý tài sản. Tuy nhiên Vingroup đã phải chịu khoản lỗ ròng 1.180 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá do có nhiều khoản nợ vay bằng USD.
Tại ngày 30/6, tổng tài sản của Vingroup đạt 528.958 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm. Trong đó, các khoản tiền và tương đương tiền là 42.209 tỷ đồng, gấp 2,3 lần số ngày 31/12/2021. Hàng tồn kho tăng 61% lên 80.978 tỷ đồng, chủ yếu là do tăng khoản mục bất động sản để bán đang xây dựng dở dang tăng 80,4%.
Các khoản phải thu ngắn hạn 45% lên 104.422 tỷ đồng, tăng 45%. Trong đó phải thu ngắn hạn của khách hàng đạt 20.688 tỷ đồng. Người mua trả tiền trước là 62.718 tỷ đồng, gấp 2,9 lần số đầu năm. Doanh thu chưa thực hiện là 7.278 tỷ đồng.
Nợ vay tài chính ở mức 156.873 tỷ đồng, tăng 28,5% so với số đầu năm trong đó 70,7% là nợ dài hạn. Dư nợ trái phiếu là 57.115 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 132.043 tỷ đồng, thấp hơn tổng nợ vay.