Cơ hội việc làm cho phụ nữ ngành đường sắt Nhật Bản
Nếu như năm 1991, tỷ lệ phụ nữ trong ngành đường sắt Nhật Bản chỉ là 2,9%, thì đến năm 2016 đã tăng lên 10% và hiện nay còn tăng cao hơn.
Ngành đường sắt được cho là vất vả nhất tại Nhật Bản, do thời gian làm việc quá khắt khe, nhân viên có thể phải bắt đầu làm từ 5h sáng hoặc đến tận 24h. Chính vì vậy, không nhiều phụ nữ được tuyển dụng vào ngành đường sắt. Nhưng tình hình hiện nay đã thay đổi, cơ hội làm việc đã mở ra hơn đối với phụ nữ trong ngành này.
Chị Yui Imanari đã có thời gian gắn bó với ngành đường sắt hơn 15 năm, hiện chị đã là trạm trưởng tại công ty đường sắt Seibu, chị cho biết tỷ lệ nữ làm việc trong công ty của chị hiện nay vẫn khá là thấp, nhưng cơ hội cho các nữ nhân viên đang ngày nhiều hơn, khi hệ thống thời gian làm việc được cải thiện, phù hợp cho từng nhân viên, cả nam và nữ, đặc biệt là những người có con nhỏ.
Chị Yui Imanari - Công ty đường sắt Seibu, Nhật Bản nói: "Khi tôi mới vào làm tại công ty này thì chỉ có khoảng 4 nhân viên nữ, nhưng đến nay đã có hơn 100 nhân viên nữ đang làm việc trong toàn công ty, tôi rất mừng vì cơ hội cho phụ nữ đang tăng lên trong ngành đường sắt".
Trước đây, nhân viên nữ vốn bị hạn chế làm việc vào ban đêm, tuy nhiên quy định này đã được dỡ bỏ vào năm 1991, tỷ lệ nhân viên nữ ngày càng tăng theo từng năm. Các công ty đường sắt cũng đặt mục tiêu tuyển dụng nhân sự nữ cao để tỷ lệ nhân viên nữ có thể chiếm từ 20-30% trong tổng số nhân viên.
Không chỉ số lượng được tuyển dụng nhiều hơn mà công việc của nhân viên nữ cũng được bố trí đa dạng hơn. Ngoài công việc hành chính, nhân viên nữ còn được làm việc tại các sân ga như nhân viên soát vé hay lái tàu, một công việc vốn chỉ dành cho nam giới trước đây. Tỷ lệ nữ lãnh đạo cũng nhiều hơn, từ mức gần như bằng 0 đã tăng lên gần 5%.
Theo bà Chika Takeda - Giám đốc điều hành công ty đường sắt JR Tokai, Nhật Bản: "Điều quan trọng là các nhân viên đều có thể đóng vai trò quan trọng như nhau, chúng tôi cũng cùng nhau đưa ra các ý tưởng, kết hợp làm việc giữa nhân viên có nhiều kinh nghiệm và nhân viên mới, như thế chúng tôi có thể cùng nhau phát triển".
Đặc thù thời gian của ngành đường sắt sẽ là đi sớm về muộn, đây là trở ngại lớn đối với những phụ nữ đang trong giai đoạn nuôi con nhỏ. Để hỗ trợ, các công ty đường sắt đã đưa ra chế độ ưu đãi mới, đồng thời thành lập nhà trẻ hay trung tâm chăm sóc trẻ em ngay tại công ty để giúp những nhân viên này có thể cân đối giữa công việc và chăm sóc gia đình.