Cơ hội và thách thức khi Internet là “Kì quan vĩ đại nhất của nhân loại"
Sau 25 năm hoà mạng tại Việt Nam, đến nay Internet vẫn là “kì quan vĩ đại của nhân loại” và cần có những giải pháp quản lý để thúc đẩy phát triển.
Cách đây 25 năm, ngày 19/11/1997, Việt Nam chính thức kết nối mạng Internet toàn cầu, với nhiều băn khoăn, trăn trở của những người đứng đầu đất nước và Tổng cục Bưu điện (sau này là Bộ Bưu chính Viễn thông, hiện nay là Bộ Thông tin và Truyền thông).
Tiến sỹ Mai Liêm Trực - nguyên Tổng cục Trưởng Tổng cục Bưu điện, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông - cho biết, lo lắng về các nguy cơ lộ bí mật Nhà nước, Internet có thể lan truyền văn hoá phẩm đồi truỵ nhanh chóng, thậm chí đem đến những thông tin tiêu cực, sai sự thật,… thì đã có rất nhiều ý kiến phản đối và cho rằng: Không nên đưa Internet về Việt Nam.
Đến nay, khi nhớ lại câu chuyện đưa Internet về Việt Nam ngày ấy, TS. Mai Liêm Trực vẫn tin rằng, “kì quan vĩ đại nhất của nhân loại” đã được đưa về đúng thời điểm, nếu không Việt Nam sẽ lạc hậu.
Năm 1991, tại Hội nghị về Thông tin vệ tinh thế giới, Tiến sỹ Mai Liêm Trực - nguyên Tổng cục Trưởng Tổng cục Bưu điện, Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông - được bạn bè quốc tế giới thiệu về Internet. Ông rất ngạc nhiên khi thấy bức thư được đánh trên máy vi tính có thể gửi đến nơi khác bằng đường dây điện thoại (Internet dial up).
Từ ngạc nhiên đến hồ hởi, ông Mai Liêm Trực và các cộng sự đã quyết tâm phải đưa được Internet về với Việt Nam, để có thể giảm thời gian gửi thư bằng đường bộ đã là điều tuyệt vời. Ngày đó, nếu gửi 1 bức thư từ Hà Nội lên Mèo Vạc (Hà Giang) thường cần từ 3 đến 5 ngày, thậm chí mất 1 tuần (nếu thời tiết xấu). Để đưa Internet vào Việt Nam, Tổng Cục Bưu điện đã tiên phong sử dụng công nghệ số, hoàn thành mạng viễn thông tự động hóa (tức là có mạng điện thoại tự động trong nước và quốc tế). Đồng thời các đơn vị, các doanh nghiệp trong ngành đã tạo điều kiện để đưa các kỹ sư đi học về công nghệ Internet, cũng như đầu tư trang thiết bị để trở thành những nhà cung cấp dịch vụ Internet. Khi điều kiện cần đã sẵn sàng, thì câu chuyện đưa Internet về Việt Nam còn thiếu điều kiện đủ: Đó là sự chấp thuận của những người đứng đầu đất nước.
Tiến sỹ Mai Liêm Trực kể lại: "Thực ra là để đưa Internet vào Việt Nam, thì điều kiện rất quan trọng và có lẽ là quan trọng nhất chính là phải được sự chấp thuận cho phép của lãnh đạo cao nhất của đất nước, của Đảng và của Chính phủ. Bởi lẽ đây là một lĩnh vực rất mới, tác động mạnh, cho nên phải cân nhắc rất nhiều. Tôi vẫn nhớ rất rõ là sau khi báo cáo thường vụ Bộ Chính trị, thì chúng tôi đến báo cáo của Thủ tướng Phan Văn Khải. Cuối cùng Thủ tướng cũng chấp nhận, nhưng khi tiễn chúng tôi ra đến cổng, thì Thủ tướng Phan Văn Khải đã vỗ vai tôi và nói rằng: “Trực ơi phải cố gắng quản lý Internet cho tốt, chứ nếu mở ra mà phải đóng lại thì không biết phải ăn nói thế giới thế nào”. Tôi nhớ mãi câu nói ấy và nó cũng luôn luôn răn mình trong vấn đề làm sao để quản lý Internet và quản lý cho nó tốt, tránh được những thiệt hại lớn, thậm chí phải đóng lại thì đúng là một sự cố quá lớn cho đất nước trong thời kỳ bắt đầu hội nhập quốc tế."
Đến nay, sau 25 năm Việt Nam chính thức hoà mạng Internet toàn cầu (19/11/1997 - 19/11/2022), bất cứ ai cũng thấy rõ những lợi ích mà Internet đang đem lại: Từ việc gửi một bức thư chỉ mất vài giây, cho đến việc ai ai cũng có thể trò chuyện qua mạng chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh. Internet đã đem tới một không gian sống mới, giúp mọi người có thể tiết kiệm thời gian đi lại, mà vẫn có thể mua sắm trực tuyến, thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường mạng, có thể nghiên cứu, học tập và làm việc trực tuyến. Tuy nhiên, Internet cũng đem tới không ít các thách thức, trong đó là vấn đề an toàn thông tin trên môi trường mạng.
Ông Lê Quang Tùng - Phó Cục trưởng Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ - nêu rõ: Vấn đề an ninh an toàn thì là khó khăn và thách thức khá lớn. Như chúng ta biết là các cơ quan Nhà nước hiện nay đều hoạt động trên môi trường mạng và đa số là hoạt động trên môi trường Internet. Trên Internet thì chúng ta không thể biết trước điều gì cả. Các hệ thống thông tin thì chúng ta có thể là bị thất thoát dữ liệu, bị tấn công thường xuyên. Thế thì vấn đề về an ninh an toàn thông tin phải có người trực dịch vụ, phải có người trực an ninh mạng, rồi là phối hợp với phía giám sát phải trực chiến 24/7 và đây là một cuộc chiến không ngừng.
“Cuộc chiến” bảo vệ an toàn thông tin, an ninh mạng trong suốt 25 năm qua vẫn không ngừng nghỉ và luôn là trọng trách hàng đầu của các đơn vị chuyên trách, như Ban Cơ yếu Chính phủ, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công An), Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp Không gian mạng Việt Nam, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông…
Tuy nhiên, các đơn vị chuyên trách sẽ không thể nào đảm bảo an toàn thông tin hoàn hảo cho 100% người sử dụng, nếu như mỗi người không biết cách đảm bảo an toàn thông tin, thậm chí còn chưa biết cách sử dụng các công nghệ, các thiết bị mới.
Ông Đỗ Thái Hoà - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Giang - chia sẻ: "Cái khó khăn với Hà Giang đó là vấn đề về các kỹ năng thao tác. Thực sự, người ta sử dụng máy tính đôi lúc còn lúng túng. Mặc dù là tiếng Việt cả, nhưng vẫn có vẻ như người ta e ngại. Toàn bộ công cụ đều bằng tiếng Việt, thế nhưng họ vẫn hỏi làm kiểu gì, không dám dùng. Khi chúng tôi đi tập huấn thực tế ở cơ sở, thì nhiều người cũng nói là ôi, sợ lắm, không dám động vào".
Không chỉ trẻ em là đối tượng hàng đầu gặp phải các nguy cơ mất an toàn thông tin trên môi trường mạng, mà bất cứ ai khi sử dụng Internet đều có thể bị tấn công mạng, đánh cắp dữ liệu nhạy cảm, bị lừa đảo trực tuyến, thậm chí có thể bị nói xấu, bị bôi nhọ, xúc phạm trên mạng. Do đó, thách thức khi sử dụng Internet sẽ luôn là vấn đề cần được toàn xã hội quan tâm.
Bà Đinh Thị Như Hoa - Phòng Kiểm định Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp Không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho rằng: "Chúng ta nên trang bị cho con những kiến thức kỹ năng để con có thể tự nhận biết các rủi ro và bảo vệ môi trường mạng. Đồng thời với đấy thì cha mẹ cũng thiết lập những nguyên tắc về sử dụng Internet lành mạnh. Thế thì chúng tôi cũng phát triển thêm tính năng ở trên trang web vn-cop.vn, đó là tra cứu các website độc hại. Quan điểm của tôi là để cho trẻ có năng lực số tốt, thì ngoài việc giáo dục trẻ, chúng ta cần phải trang bị năng lực số cho chính nhà trường, cho chính cha mẹ, hay là cho chính những người xung quanh trẻ, để tất cả cộng đồng có nhiều cơ hội trải nghiệm trong môi trường Internet lành mạnh, thì việc hình thành năng lực số là không khó."
Trang web vn-cop.vn của Mạng lưới Ứng cứu, Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng còn cung cấp nhiều thông tin, kiến thức về cách bảo vệ an toàn trên môi trường mạng, đặc biệt người sử dụng có thể báo cáo các hành vi, nội dung xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, có thể đồng hành giáo dục con em mình khi mong muốn sử dụng Internet an toàn, hướng tới trở thành các công dân số tương lai.
Năng lực số đang cần được đào tạo từ khi đang đi học, bởi theo Giáo sư - Tiến sỹ Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, trẻ em đang sử dụng Internet ngày càng nhiều: "Việt Nam là một trong những nước có sự phát triển bùng nổ của công nghệ và số lượng người sử dụng Internet cũng như sử dụng mạng xã hội của chúng ta đã đạt tỷ lệ rất cao. Chúng ta có khoảng 70 % người Việt Nam có truy cập và sử dụng Internet và khoảng 67 % là sử dụng mạng xã hội, tỷ lệ rất cao trong khu vực. Chúng ta nằm trong Top 10 thế giới về sử dụng mạng xã hội. Trong đó thì cứ 10 người sử dụng Internet thì có 3 người là thanh thiếu niên ở độ tuổi dưới 18. Vì vậy, chúng tôi tin rằng nâng cao kỹ năng số là những vấn đề rất cấp thiết, rất cần thiết để giúp các thanh thiếu niên sống trong môi trường số an toàn, hiệu quả."
Sau 25 năm hoà mạng tại Việt Nam, đến nay Internet vẫn là “kì quan vĩ đại của nhân loại” và cần có những giải pháp “quản lý, để thúc đẩy phát triển” như chia sẻ của Tiến sỹ Mai Liêm Trực - nguyên Tổng cục Trưởng Tổng cục Bưu điện, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông: "Internet là công trình vĩ đại nhất của nhân loại từ trước đến nay, bởi lẽ là hàng ngày nó tác động đến hàng tỷ người trên thế giới, có thể giao tiếp tức thời ở bất cứ nơi đâu. Tất nhiên nó tạo nên những cơ hội mới và những ngành công nghiệp mới. Thế còn những mặt trái của Internet, thì cần phải có 3 giải pháp: Thứ nhất là phải có những giải pháp kỹ thuật. Ví dụ ngay trong gia đình bố mẹ có thể sử dụng phần mềm để chặn không cho con tiếp xúc với những website không cần thiết. Giải pháp thứ hai là những giải pháp về hành chính và luật pháp, nhưng điều quan trọng nhất chính là giải pháp về tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn. Người sử dụng Internet Việt Nam đã trưởng thành rất nhiều. Mức độ Internet ngày càng phổ biến rộng ngày càng phổ biến rộng, thì những an toàn an ninh mạng càng phải hết sức lưu ý. Chỉ có thúc đẩy phát triển Internet, tạo điều kiện phát triển thì mình mới có thể có cơ hội tiếp cận được không gian sống mới rất tuyệt vời, mà nhân loại đã tạo dựng được."
Phát triển Internet sẽ luôn cần những nỗ lực từ các nhà hoạch định chính sách, từ chính những người sử dụng, để môi trường Internet luôn an toàn và lành mạnh./.