Cơ hội ổn định lãi suất cho vay
Đã có vài tín hiệu tích cực trên thị trường lãi suất khi tỉ giá tiếp tục hạ nhiệt, một số ngân hàng giảm lãi suất cho vay trong 2 tháng cuối năm
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, lãi suất huy động tiếp tục nhích lên ở một số ngân hàng (NH) thương mại, mức lãi suất 9%/năm xuất hiện ngày càng nhiều ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lại. Dù vậy, đã có những tín hiệu tích cực nhất định khi một số NH thương mại công bố giảm lãi suất cho vay.
Bất ngờ lãi suất cho vay
Mới đây, NH TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) cho biết đang triển khai chương trình giảm lãi suất cho vay lên đến 3,5%/năm đối với hơn 43.000 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp (DN) ở các nhóm ngành nghề khác nhau. Tổng số tiền giảm lãi suất lên tới 120 tỉ đồng. HDBank còn miễn, giảm các loại phí kèm theo như phí cam kết rút vốn, phí trả nợ trước hạn cho khách hàng. Các khoản vay được giảm lãi suất từ ngày 1-11 đến 31-12-2022.
NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng công bố giảm lãi suất cho vay tới 1%/năm đối với các khoản vay bằng VNĐ cho khách hàng DN và khách hàng cá nhân hiện hữu trong 2 tháng cuối năm. Các khoản vay sẽ được giảm lãi suất từ ngày 1-11 đến 31-12.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết cơ quan này cũng vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng trên địa bàn yêu cầu tiếp tục khai thác, sử dụng vốn hiệu quả, mở rộng và phát triển dịch vụ để tạo điều kiện ổn định lãi suất cho vay với khách hàng, nhằm chia sẻ, tạo điều kiện hỗ trợ DN phát triển. Các NH tiếp tục thực hiện tốt chương trình tín dụng của Chính phủ, NH Nhà nước và UBND TP HCM, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh; kiểm soát chất lượng tín dụng...
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, phó tổng giám đốc một NH TMCP tại TP HCM cho hay vài tháng nay, NH này mới điều chỉnh tăng lãi suất cho vay với khách hàng cá nhân; riêng khách hàng DN chưa điều chỉnh, nhất là các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu. Chủ trương của NH là tập trung vốn dịp cuối năm cho các DN sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu và giữ ổn định mặt bằng lãi suất.
Các NH khác cũng khẳng định đang ưu tiên vốn cho sản xuất - kinh doanh dịp cuối năm với lãi suất cho vay ổn định.
Doanh nghiệp nói khó tiếp cận vốn vay
Một số chuyên gia cho rằng trong bối cảnh tỉ giá USD/VNĐ ổn định những ngày qua, lãi suất liên NH cũng không còn quá căng thẳng, nếu cuộc họp tháng 12 tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định lộ trình tăng lãi suất chậm lại như dự kiến, sẽ góp phần có thêm dư địa để NH Nhà nước cân nhắc chính sách lãi suất điều hành trong bối cảnh lạm phát của Việt Nam tiếp tục được kiểm soát tốt.
Tuy nhiên, các DN vẫn phản ánh khó tiếp cận vốn vay bao gồm cả vay mới và giải ngân các khoản vay theo lộ trình đã cam kết. Chia sẻ tại tọa đàm về trái phiếu vừa diễn ra, bà Lâm Thúy Ái, Chủ tịch HĐTV Mebi Group, băn khoăn không hiểu room tín dụng của các NH như thế nào? Bởi các NH cứ hẹn tháng 10, tháng 11 và giờ đã là tháng cuối năm, DN vẫn không biết khi nào mới tiếp cận được vốn tín dụng. "Chúng tôi đã gặp phải tình trạng không được cấp hạn mức vay một cách khó hiểu. Như hạn mức cho vay được cấp 80 tỉ đồng nhưng nếu trả xong mà không có kế hoạch giải ngân tiếp, sẽ bị dừng luôn không cho vay hoặc đang cần tiền trả cho nhà cung cấp thì NH thông báo room tín dụng không còn" - bà Lâm Thúy Ái nói.
Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cũng dẫn chứng một số DN ông tư vấn hoặc quen biết bị đột ngột cắt chỉ tiêu vay vốn lưu động, gây khó khăn cho họ trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Điển hình có DN chỉ tiêu vốn lưu động 20 tỉ đồng đến khi đáo hạn thì bị cắt bớt 5 tỉ đồng, có người đang chỉ tiêu vốn lưu động 10 tỉ đồng bị cắt bớt 4 tỉ đồng dù doanh thu công ty vẫn tăng, lãi suất vẫn trả đều đặn... Những hệ lụy này do các NH thương mại hết room tín dụng.
Liên quan đến room tín dụng, mới đây NH Nhà nước đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, nêu rõ hiện tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 11,5% so với chỉ tiêu tăng trưởng cả năm là 14%. Do vậy, vẫn còn dư địa để các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn của DN, người dân và góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Vì vậy, lãnh đạo NH Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức cho vay chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỉ lệ bảo đảm an toàn, tích cực giải ngân vốn vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao... "Thời gian tới, căn cứ vào diễn biến của tình hình hệ thống và từng tổ chức tín dụng để có giải pháp điều hành phù hợp" - lãnh đạo NH Nhà nước nêu rõ.
Tín dụng "dễ thở" hơn vào đầu năm 2023
Theo các chuyên gia, từ đầu năm 2023, khi hạn mức tín dụng được cấp mới vào quý đầu năm sẽ góp phần giúp thị trường "dễ thở". TS Đinh Thế Hiển phân tích điều quan trọng là các DN phải có phương án kinh doanh tốt. Nguồn vốn cũng cần xuất phát từ vốn tự có, vốn gia đình, sau đó mới huy động trên sàn chứng khoán khi niêm yết và các đối tác, nhà đầu tư tổ chức, cổ đông...