Cơ hội huy động tài chính xanh để phát triển bền vững của Việt Nam
Theo ước tính, Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030.
Trong đó, nguồn Ngân sách Nhà nước ước tính chỉ đáp ứng tối đa 30% nguồn lực, do đó cần coi trọng tăng cường huy động nguồn tài chính từ các định chế tài chính, các quỹ và các nhà đầu tư tư nhân quốc tế. Thông điệp này được đưa ra trong hội nghị quốc tế "Tăng cường hợp tác với các quỹ đầu tư nhằm huy động tài chính xanh phục vụ tăng trưởng bền vững và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước". Hội thảo do Bộ ngoại giao, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tổ chức.
Hội nghị có sự tham sự trực tiếp và trực tuyến của 30 quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính quốc tế như Warburg Pincus, Credit Suisse, Temasek hay Standard Chartered Bank… Nguồn đầu tư ngoài nhà nước được đánh giá là mang tính quyết định đảm bảo thành công trong thực hiện chiến lược xanh.
Ông Giorhio Aliberti - Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết: "Bắt đầu từ cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam ở COP26, là đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Từ góc độ thế giới, chúng tôi rất ấn tượng với điều này. Việc các doanh nghiệp hay các quỹ đầu tư tìm đến một đất nước có quyết tâm chuyển đổi xanh cao như Việt Nam là điều dễ hiểu".
Chính phủ Việt Nam đã ban hành "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050". Việc thu hút nguồn vốn xanh trên toàn cầu sẽ góp phần phục vụ mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, bao gồm cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
"Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ đạo 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước xây dựng đề án tái cơ cấu, đề án chiến lược tổng thể và đề án kế hoạch trong thời gian tới nhằm thu hút tối đa các nguồn lực trong quá trình tái cơ cấu cũng như là cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước", ông Nguyễn Ngọc Cảnh - Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho hay.
Khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài mua phần vốn cổ phần hoá tại doanh nghiệp nhà nước sẽ giúp tiếp nhận thêm năng lực về nguồn vốn và là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận các mô hình quản trị mới của nước ngoài, ứng dụng khoa học kĩ thuật trong quá trình chuyển đổi số.