Cơ hội cho ai: Ứng viên 9x lên truyền hình tìm việc kỳ vọng lương 30 triệu, nhưng từ chối offer 38 triệu vì lẽ gì?
Ứng viên 9X tốt nghiệp thủ khoa ĐH Ngoại thương đã từ chối công việc được trả lương 38 triệu đồng để chọn vị trí với mức lương 30 triệu đồng.
Tập cuối cùng của Cơ hội cho ai – Whose chance mùa thứ 4 đã lên sóng với sự xuất hiện của 2 ứng viên mới, trẻ trung, tri thức, đầy nhiệt huyết.Hà Trung Phong 29 tuổi đến từ Phú Thọ, là cử nhân loại giỏi chuyên ngành Kinh tế đối ngoại tại Đại học Ngoại Thương. Trung Phong sở hữu bề dày kinh nghiệm làm việc với hơn 7 năm làm trong lĩnh vực thương mại điện tử và bán lẻ ở nhiều vai trò khác nhau: chuyên viên, trưởng bộ phận và hơn 3 năm trong lĩnh vực bán hàng xuyên biên giới tại thị trường Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc. Đặc biệt, anh từng tham gia nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ, giúp các nhà bán hàng, đối tác Việt Nam đạt doanh thu trên 5 triệu USD sau 3 tháng ra mắt.
Nguyễn Tiến Dũng 24 tuổi đến từ Đồng Nai, tốt nghiệp Đại học Đồng Nai chuyên ngành Kỹ thuật máy tính. Anh đã trau dồi bản thân với hơn 6 năm làm trong ngành tài chính tiêu dùng tại các công ty tài chính hàng đầu Việt Nam và 5 năm làm quản lý từ vị trí trưởng nhóm kinh doanh đến trưởng phòng kinh doanh. Tiến Dũng đạt được nhiều thành tích nổi bật như làm trưởng nhóm kinh doanh xuất sắc với KPI năm đạt 130% vào những năm 2019-2020 và từng tuyển dụng, đào tạo hơn 1000 nhân viên kinh doanh.
Chủ đề tranh biện của 2 ứng viên tại vòng Đối mặt là: "Bạn có đồng tình với quan điểm: "Marketing cũng phải áp chỉ tiêu doanh số như bộ phận kinh doanh?". Là người đưa ra quan điểm trước, Tiến Dũng đồng ý Marketing cũng phải chịu doanh số như đội kinh doanh vì 3 lý do sau. Thứ nhất, Marketing là quảng bá hình ảnh sản phẩm và tiếp cận người tiêu dùng mục tiêu. Ví dụ chúng ta có sản phẩm Sáp vuốt tóc hiệu Ông Dũng Tóc Dài. Một chiến dịch thành công là khi cứ nhắc đến sáp vuốt tóc là khách hàng nhớ ngay đến thương hiệu của chúng ta. Thứ hai, mục tiêu cuối cùng của Marketing chính là bán hàng, trước khi tạo nên một chiến dịch thì phải xác định được doanh số cần bán. Cuối cùng, doanh số bán hàng chính là công cụ để đo lường hiệu quả của Marketing, tránh lãng phí ngân sách.
Hoàn toàn đồng tình với ý kiến của đối thủ, Trung phong cho hay mặc dù hơi khó khăn trong việc đo lường hiệu quả doanh số đến từ Marketing, tuy nhiên vẫn nên xét KPI này bới một số lý do. Thứ nhất, dễ dàng dàng theo dõi tiến độ trong công việc, từ đó ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn. Thứ hai, có thể đánh giá chất lượng nhân sự, hiệu quả của chiến dịch một cách đúng đắn, từ đó rút kinh nghiệm để lên kế hoạch tốt hơn cho những lần sau. Thứ ba, tạo động lực cho nhân viên luôn đổi mới sáng tạo, tìm ra các cách hiệu quả hơn trong công việc.
Trung Phong cũng bổ sung cách anh chạy một chiến dịch Digital Marketing trên nền tảng Facebook, cũng như cách đo lường hiệu quả Marketing trong trường hợp này. Thông thường, anh sẽ tạo và khởi chạy song song 20 campaign cùng một lúc với giá thầu dao động khoảng 5 đô la cho mỗi campaign. Sau một thời gian, anh quan sát, campaign nào không hiệu quả, anh sẽ tắt đi, và ưu tiên ngân sách cho những campaign tiếp cận, tương tác tốt.
Kết thúc vòng Đối mặt, Trung Phong giành chiến thắng tuyệt đối trước đối thủ với điểm số 5/5 để bước tiếp vào vòng 2 – Chinh phục. Nam ứng viên trả lời câu hỏi từ các Sếp và nhận được 2 đèn xanh từ Sếp Dũng và Sếp Nga, vừa đủ điều kiện để đi tiếp vào vòng cuối cùng Cơ hội cho ai.
Mức lương kỳ vọng của Trung Phong là 30 triệu đồng. Anh nhận được offer vị trí quản lý kênh thương mại ffiện tử với mức lương 38 triệu đồng và vị trí phụ trách sàn thương mại điện tử với mức lương 30 triệu đồng.
Kết quả chung cuộc, Trung Phong quyết định từ chối mức offer 38 triệu đồng từ Sếp Dũng, vì chưa sẵn sàng đưa cả gia đình bay vào TP.HCM nhận việc. Anh lựa chọn vị trí phụ trách sàn thương mại điện tử với mức lương 30 triệu đồng.
Có nhiều kinh nghiệm làm việc nhưng ứng viên Duy Anh đến từ TP.HCM vẫn không nhận được cơ hội vào vòng cuối cùng của Cơ hội cho ai.