Cô học trò nghèo xuất sắc đỗ thủ khoa ĐH: "Học là hạnh phúc duy nhất"
Một cô nữ sinh gia đình vô cùng nghèo khó, 'nghèo còn hơn chữ nghèo nữa' nhưng em luôn cố gắng phấn đấu học tập và trở thành thủ khoa đại học. Câu chuyện của cô bé chính là một điều kỳ diệu ở một xóm nhỏ nơi miền quê thuộc tỉnh Bình Định.
“Ở đây ai mà chẳng biết nó. Nhà nó khổ nhưng học giỏi lắm”, đó là chia sẻ của một người hàng xóm về hoàn cảnh của em Nguyễn Thị Bốn (ở tại thôn Bình Long, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định). Đối với bà con ở thôn nhỏ này, việc Bốn trở thành thủ khoa đại học chính là phép màu.
Nữ sinh nghèo vượt khó thành thủ khoa đại học
Báo Tuổi Trẻ chia sẻ, Nguyễn Thị Bốn dù “cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc” nhưng em đã xuất sắc đạt được 27,75 điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia và trở thành thủ khoa đầu vào ngành giáo dục tiểu học và mầm non Trường ĐH Quy Nhơn.
Thế nhưng con đường đến với giảng đường đại học của em muôn vàn gian nan. Bốn sinh ra trong một gia đình nghèo khó, dưới em còn có 1 em trai hiện đang học lớp 1. Nhiều người trong xóm vẫn rỉ tai nhau nói nhà em nghèo đến mức không còn mồng tơi để mà rớt. Bởi ba của Bốn bị bệnh, không được tỉnh táo suốt 14 năm qua, mẹ chẳng đi làm được vì suốt ngày phải đưa ba vào viện chữa trị rồi lại đưa về nhà chăm.
Toàn bộ tài sản, của cải trong nhà dần dần đều bị đem bán đi để lấy tiền mua thuốc chữa trị cho ba của em. Trong ngôi nhà Bốn ở, mọi thứ đều cũ kỹ, rách nát. Từ trên xuống dưới, nhà cửa trống trơn, không có vật gì giá trị, không giếng, không có cả một cái nhà vệ sinh.
Cô nữ sinh nghèo nghẹn ngào tâm sự về hoàn cảnh ngặt nghèo của gia đình mình với báo Tuổi Trẻ: "Khi vừa học hết lớp 9, vì nhà quá khó khăn, mẹ em định cho em nghỉ học để đi làm kiếm tiền. Khi nghe mẹ nói vậy, em chỉ biết ôm mẹ và khóc. Em biết vì sao mẹ lại có ý định đó và em cũng biết sẽ sớm có ngày này. Tuy nhiên, em không muốn như vậy vì đi học là niềm an ủi, niềm hạnh phúc duy nhất của em từ trước tới giờ".
Đối với cô bé có lẽ chỉ có học mới giúp em phần nào quên đi những khó khăn, quên đi cái nghèo đang bủa vây gia đình mình. Cô Lê Thị Thuận (40 tuổi) - mẹ của Bốn ôm mặt rồi khóc nức nở kể: "Tôi nào muốn như vậy đâu. Trong nhà giờ không còn gì, miếng ăn cũng không có thì lấy đâu cho con đi học”.
Nhiều năm qua hai chị em Bốn phần lớn được bà nội nuôi dưỡng. Bà nội em là Phạm Thị Bỉ đã 80 tuổi nhưng vẫn cố gắng chắt chiu từng đồng tiền nuôi bò và khoản tiền chế độ cho người có công cách mạng để các cháu được ăn học đến nơi đến chốn. Bởi bà nghĩ chỉ có con chữ mới có thể thay đổi cuộc đời của những đứa cháu tội nghiệp của bà.
Không phụ công mong mỏi của bà, Bốn luôn là học sinh xuất sắc, đứng đầu lớp, được thầy yêu, bạn mến. Nhận xét về cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của mình, thầy Nguyễn Văn Thành – giáo viên chủ nhiệm năm lớp 12 của Bốn chia sẻ với báo Tuổi Trẻ: “Bốn là học sinh có nghị lực, rất kiên cường và mạnh mẽ. Dù gia đình vô cùng khổ cực nhưng em lại rất ham học và học rất giỏi. Ở lớp, Bốn chính là tấm gương sáng cho bạn bè học tập”.
Đối với Bốn, suốt 14 năm qua được đi học đã là điều kỳ diệu đối với cô bé này. Tương lai em dự định sẽ vừa học vừa làm để có thể được tiếp tục viết lên ước mơ của mình.
Từ cô công nhân may trở thành thủ khoa đại học
Cũng ở trong một gia đình vô cùng khó khăn, điều kiện kinh tế không có, cô nữ sinh nghèo Trịnh Thị Thanh Huyền (19 tuổi, quê Hà Nam) đã từng phải tạm dừng ước mơ đến trường và đi làm công nhân may. Báo Tuổi Trẻ viết, Huyền cố gắng ngày đi làm, tối về học thêm để không quên kiến thức.
Em đã từng đêm nào cũng về khóc với mẹ, xin để được đi học nhưng gia đình thực sự quá khó khăn. Huyền biết, chỉ có thể nỗ lực bằng chính khả năng của mình vì vậy tiền lương mỗi tháng Huyền sẽ cố gắng đưa mẹ 2 triệu, số còn lại em giữ lại để làm học phí sau này.
Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, em đã trúng tuyển vào Học viện Ngân hàng. Với số điểm 28,05 khối A00 chưa tính điểm cộng, em trở thành thủ khoa đầu vào của ngành kế toán.
Có thể nói, chỉ cần có sự quyết tâm thì khó khăn cỡ nào cũng chỉ là một chướng ngại nhỏ. Trong gian khó thì nghị lực và sự cố gắng của em Nguyễn Thị Bốn hay Trịnh Thị Thanh Huyền càng sáng rõ.
Cùng cập nhật những tin tức hấp dẫn tại YAN !
"Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", chẳng phải ai cũng được may mắn ở trong một gia đình có đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhiều những cô bé, cậu bé dù tuổi còn rất nhỏ đã phải tự gồng gánh, sống độc lập, động viên bản thân phải biết vươn lên trong cuộc sống. Đối với các em chỉ có học tập mới giúp bản thân "đổi đời", không còn sớm tối lo việc thiếu cái ăn, thiếu cái mặc nữa. Dù con đường này cũng chẳng bằng phẳng, cũng vô cùng gập ghềnh và gian nan nhưng với quyết tâm cùng tinh thần thép thì các em chắc chắn sẽ hái được "trái ngọt".
Cùng tìm hiểu những câu chuyện thú vị khác TẠI ĐÂY !