Có hay không việc ‘cha đẻ’ gạo ST25 đề nghị điều tra cuộc thi Gạo ngon Việt Nam?

Chia sẻ Facebook
06/11/2022 16:56:37

Ông Hồ Quang Cua ("cha đẻ" gạo ST25) cho biết, sẽ gửi văn bản đề nghị Ban Tổ chức cuộc thi Gạo ngon Việt Nam năm 2022 đánh giá lại các mẫu gạo của các đơn vị sử dụng để dự thi.


Liên quan đến thông tin ông Hồ Quang Cua (DNTN Hồ Quang Trí, Sóc Trăng) "đề nghị điều tra lại kết quả cuộc thi Gạo ngon Việt Nam” vừa qua, trao đổi với Tiền Phong sáng 6/11, ông Hồ Quang Cua cho hay, ông đã trao đổi miệng với Ban Tổ chức và hiện đang làm văn bản, hồ sơ chính thức để gửi.

Tuy nhiên, ông Cua đính chính là không phải yêu cầu điều tra lại kết quả cuộc thi mà chính xác hơn là đánh giá lại nguồn vật liệu (mẫu gạo) được sử dụng để dự thi, xem có nhầm lẫn khi lấy giống của người khác đã được bảo hộ hay không.

Ông Hồ Quang Cua tại cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ III năm 2022.

“Tôi không khiếu nại cuộc thi mà yêu cầu đánh giá lại các mẫu gạo của các đơn vị tham gia thi, xem có sử dụng loại gạo của người khác đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ để đem đi thi hay không” - ông Cua nhấn mạnh.

Ông Hồ Quang Cua cho biết thêm, vấn đề bản quyền mới quan trọng, sự giả mạo thì dễ dàng bị phát hiện. “Anh có giống lúa phải đem ra trồng chứ không cất trong buồng được, bất cứ lúc nào người ta cũng có thể phối hợp với cơ quan chức năng để lấy mẫu của mình. Nếu làm ăn lớn mà bị phát hiện giả mạo thì phá sản thôi, vì pháp luật về sở hữu trí tuệ mỗi ngày một chặt chẽ, đi theo thế giới…” – ông Cua nói.

Ban giám khảo chấm thi.


Như Tiền Phong đã đưa tin, Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ III năm 2022 do Bộ NN&PTNT phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức ngày 4/11 tại TPHCM, với sự tham gia của 6 đơn vị gồm: Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed (Thái Bình), Công ty TNHH thương mại HK (Tiền Giang), Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Đồng Tháp), Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (An Giang), DNTN Hồ Quang Trí (Sóc Trăng) và Viện Lúa ĐBSCL.

Các đơn vị mang đến cuộc thi 12 mẫu gạo, bao gồm 8 mẫu gạo thơm (ST24; ST25; TBR39; Lộc Trời 28; VD20; Đài Thơm 8; OM8; OM48) và 4 mẫu gạo nếp (nếp A Sào; TBR78; OM406; OM38).

Ban giám khảo cuộc thi gồm đại diện VFA, các đầu bếp thuộc Hội Đầu bếp Việt Nam, đại diện Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Nam Bộ…

Kết quả chung cuộc, đối với gạo thơm, giải Nhất thuộc về gạo TBR39 của Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed; giải Nhì là gạo ST24 của DNTN Hồ Quang Trí và giải Ba là gạo Lộc Trời 28 của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời.

Đối với gạo nếp, giải Nhất thuộc về gạo nếp A Sào của Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Seed; giải Nhì thuộc về giống nếp OM38 của Viện Lúa ĐBSCL và giải Ba thuộc về giống nếp TBR78 của Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Seed.

Gạo ST25.


Ông Hồ Quang Cua là tác giả dòng lúa ST nổi tiếng tại Sóc Trăng, nổi bật nhất những năm gần đây là hai loại gạo ST24 và ST25 . Trong đó, gạo ST25 từng lên ngôi Gạo ngon nhất thế giới năm 2019 và giải nhất hai lần cuộc thi Gạo ngon Việt Nam vào các năm 2019 và 2020.

Theo ông Cua, hai loại gạo ST24 và ST25 cũng đã được Hải quan châu Âu gửi mẫu đến Viện Nghiên cứu Eurofins ở Đức để phân tích gen, niêm phong và công bố tên tác giả đối với thế giới. Đối với các loại gạo giả mạo hai loại gạo này sẽ bị phát hiện…


Về cuộc thi Gạo ngon thế giới , "cha đẻ" gạo ST25 cho biết, Tổ chức thương mại lúa gạo toàn cầu rất quý và tôn trọng việc dự thi của Việt Nam vì đã đem lại sinh khí mới cho cuộc thi.

“Tham gia cũng là cách mình giới thiệu đất nước ra thế giới. Giống lúa chúng tôi đi thi là giống lúa cải tiến ngắn ngày, có khả năng cho sản lượng đáp ứng nhu cầu xã hội rất cao. Đây là tổ chức xúc tiến giao thương lúa gạo toàn cầu, trong khi chúng ta có sản lượng lúa lớn, sản xuất nhiều vụ trong năm. 5 năm liên tiếp họ vinh danh mình trên diễn đàn thế giới, đó là vinh dự cho đất nước, nâng cao vị thế cho hạt gạo Việt Nam” – ông Cua nói.


Theo Cảnh Kỳ

Chia sẻ Facebook