Có gì trong danh sách “nhà tài trợ chiến tranh quốc tế” của Ukraine?

Chia sẻ Facebook
26/05/2023 16:14:20

“Danh sách đen” của Ukraine, nhắm vào các công ty nước ngoài vẫn đang kinh doanh ở Nga, hiện bao gồm nhiều cá nhân và công ty có liên kết với Liên minh châu Âu (EU).


Chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky có một danh sách do Cơ quan Phòng chống Tham nhũng Quốc gia Ukraine (NACP) quản lý, gọi là danh sách “các nhà tài trợ chiến tranh quốc tế”, nhắm vào các công ty nước ngoài vẫn đang kinh doanh ở Nga bất chấp áp lực phải rút khỏi thị trường béo bở này.

Khi nói đến chính sách đối ngoại, chiến lược bêu tên có thể có một sức mạnh to lớn. Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, các nhà chức trách ở Kiev đã tận dụng triệt để cách này để gây sức ép đối với mọi đối tượng mà họ cho là đang “tiếp tay” cho Điện Kremlin trong cuộc chiển ở Ukraine.

Từ các công ty đa quốc gia, các CEO đến quan chức chính quyền, nhà lập pháp, lãnh đạo đảng và nguyên thủ quốc gia đều là mục tiêu kiểm duyệt không khoan nhượng của Ukraine. Nhưng chiến lược quở trách, kết hợp các kỹ thuật ngoại giao, quan hệ công chúng và truyền thông xã hội, đôi khi đã đặt các đồng minh phương Tây vào một vị trí rõ ràng là không thoải mái, khiến họ rất bất bình.

Căng thẳng âm ỉ này một lần nữa bùng lên do danh sách “các nhà tài trợ chiến tranh quốc tế” của Ukraine, một bản tóm tắt về các công ty nước ngoài, theo quan điểm của Kiev, ủng hộ cuộc chiến thông qua quyết định tiếp tục kinh doanh ở thị trường Nga, nộp thuế cho chính quyền trung ương nước này, từ đó góp phần vào ngân sách liên bang cho quân đội Nga.

Mondelez International, một công ty bánh kẹo, thực phẩm và đồ uống đa quốc gia của Mỹ là công ty mới nhất bị liệt vào danh sách “nhà tài trợ chiến tranh quốc tế”, theo thông báo của Cơ quan Phòng chống Tham nhũng Quốc gia Ukraine (NACP) trên Facebook hôm 25/5/2023. Ảnh: Ukrinform

Các công ty và giám đốc điều hành hàng đầu của họ bị buộc tội cung cấp hàng hóa và dịch vụ quan trọng giúp duy trì chiến dịch quân sự và từ đó tài trợ cho khủng bố – một bản cáo trạng bùng nổ sẽ khiến bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải toát mồ hôi lạnh.


Khiến đồng minh “xù lông”

Kể từ khi được công bố lần đầu vào mùa hè năm ngoái, danh sách này đã tăng quy mô và hiện bao gồm 102 cá nhân và 26 công ty, 17 trong số đó có liên kết với Liên minh châu Âu (EU).

Một trong số đó là Ngân hàng OTP, ngân hàng thương mại lớn nhất Hungary, bị bổ sung vào “danh sách đen” hồi đầu tháng này, đã gây ra phản ứng dữ dội từ Budapest. Ngoại trưởng Hungary Péter Szijjártó gọi điều này là “không thể chấp nhận được” và “đáng hổ thẹn”, và yêu cầu phía Ukraine rút lại ngay lập tức.

Ngân hàng OTP, phục vụ hơn 2,4 triệu khách hàng ở Nga, bị cáo buộc đã công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Luhansk (LPR) tự xưng ở Donbass và cung cấp “các điều khoản tín dụng ưu đãi” cho các lực lượng vũ trang Nga. Các cáo buộc đã bị công ty của Hungary bác bỏ.

“Tập đoàn OTP tuân thủ tất cả các lệnh trừng phạt quốc tế và luật pháp địa phương ở tất cả các thị trường của mình, bao gồm cả Nga”, người phát ngôn của công ty cho biết trong một tuyên bố, lưu ý rằng thị phần của ngân hàng tại Nga là 0,17%. “Chúng tôi coi việc bị đưa vào danh sách trên là không chính đáng”.

Trong khi đó, NACP nói rằng OTP nằm trong số 50 ngân hàng lớn nhất ở Nga, nơi cung cấp dịch vụ cho hơn 2,2 triệu khách hàng và có văn phòng tại 1.850 địa phương đông dân cư.

Cuộc tranh cãi tiếp tục leo thang khi Chính phủ Hungary, để trả đũa việc OTP bị đưa vào “danh sách đen”, đã sử dụng quyền phủ quyết của mình để chặn một đợt hỗ trợ quân sự mới trị giá 500 triệu Euro của EU dành cho Ukraine. Budapest tuyên bố sẽ phủ quyết cho tới chừng nào ngân hàng của họ không còn bị bêu tên.

Việc Ukraine đưa OTP Bank, ngân hàng thương mại lớn nhất Hungary, vào “danh sách đen”, ngày 4/5/2023, khiến Budapest phản ứng gay gắt. Ảnh: Emerging Europe

Việc OTP bị đưa vào “danh sách đen” của Ukraine khiến Thủ tướng Hungary Viktor Orban bận tâm. Phát biểu tại một sự kiện được tổ chức ở thủ đô Doha của Qatar đầu tuần này, nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy tuyên bố, nếu Ukraine cần thêm tiền, Kiev nên tôn trọng Hungary và không trừng phạt các công ty Hungary. Ông nói thêm rằng Budapest “không thuộc cách tiếp cận chủ đạo của châu Âu”.


Tranh cãi trên đã buộc ông Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, phải làm trung gian hòa giải và liên hệ với những người đồng cấp Ukraine trong nỗ lực xoa dịu cơn thịnh nộ của Hungary và tìm kiếm một sự thỏa hiệp.

EU không xác nhận hay phản đối danh sách này và không cung cấp bất kỳ thông tin đầu vào nào cho chính quyền Kiev.


“Chúng tôi phải làm mọi thứ có thể để gói hỗ trợ quân sự tiếp theo cho Ukraine được thông qua. Nếu một quốc gia thành viên gặp khó khăn, hãy thảo luận về vấn đề đó”, ông Borrell nói.


Khó vạch ra ranh giới thuyết phục

Điều có lẽ đáng chú ý nhất về danh sách “các nhà tài trợ chiến tranh quốc tế” của Ukraine là nó hoàn toàn không có hiệu lực pháp lý. Bị liệt vào danh sách này không dẫn đến việc đóng băng tài sản, cấm đi lại, hạn chế thương mại hoặc bất kỳ hậu quả nào khác giống như một lệnh trừng phạt.

Danh sách do Cơ quan Phòng chống Tham nhũng Quốc gia Ukraine (NACP) quản lý, về cơ bản là một chiến dịch bêu tên được thiết kế để gây áp lực và gây ra một mức độ thiệt hại về uy tín đủ sâu để khiến một công ty nước ngoài cắt đứt mọi quan hệ với Nga.

Nhưng lựa chọn do NACP đưa ra dường như cực kỳ hẹp, với chỉ 26 công ty – so với thực tế rộng lớn: Theo một nghiên cứu của Đại học Yale, hàng trăm công ty đang duy trì hoạt động thương mại ở Nga bất chấp sự lên án của quốc tế.

Yale đã phát hiện ra rằng 229 công ty, bao gồm các thương hiệu nổi tiếng như Benetton của Italy và Lacoste của Pháp, vẫn “kinh doanh như bình thường” ở Nga, trong khi 175 tập đoàn khác, chẳng hạn như Bayer của Đức và Ngân hàng ING của Hà Lan, đang “câu giờ”, có nghĩa là họ đã tạm dừng các dự án đầu tư mới nhưng vẫn thực hiện các giao dịch hàng ngày.

Danh sách của Ukraine chỉ được lập một cách thủ công dựa trên logic rằng hoạt động kinh doanh ở Nga nghĩa là đóng góp vào ngân sách liên bang và do đó tài trợ cho cuộc chiến. Điều này dẫn đến một thực tế hàng chục hoặc có thể là hàng trăm công ty vẫn đang phục vụ khách hàng Nga mà không bị Kiev nhắm tới.

Với chuỗi hàng hóa thương mại lớn thứ hai ở Nga, điều hành 93 trung tâm mua sắm trên 51 khu vực, Tập đoàn Metro của Đức bị cáo buộc vẫn duy trì kinh doanh với Nga, và bị NACP đưa vào danh sách “nhà tài trợ chiến tranh quốc tế” hồi tháng 3/2023. Ảnh: DW

“Không có tiêu chí lựa chọn chính thức”, một phát ngôn viên của NACP nói với Euronews. Tuy nhiên, người phát ngôn giải thích, công ty đó không liên quan đến người Nga, hoạt động trên quy mô lớn, có thương hiệu nổi tiếng, có mặt ở nhiều khu vực pháp lý khác nhau, và quan trọng nhất là bị coi là hỗ trợ cuộc chiến theo cách gián tiếp.

“Bằng cách nộp thuế, cung cấp hàng hóa hoặc vật liệu quan trọng, tham gia các chiến dịch tuyên truyền hoặc vận động, công ty đó gián tiếp đóng góp và duy trì khả năng tiến hành cuộc chiến của Nga”, vị phát ngôn viên nói.

Mối liên hệ gián tiếp này là yếu tố phức tạp nhất đằng sau “danh sách đen” kể trên: Do bí mật doanh nghiệp và thiếu minh bạch thông tin, rất khó để vạch ra một ranh giới thuyết phục giữa việc kinh doanh và tài trợ chiến tranh.


Trang web chính thức của danh sách chỉ đưa ra những lời giải thích ngắn gọn cho từng cái tên bị liệt kê, sau đó là một số báo cáo truyền thông mô tả hành vi sai trái bị cáo buộc của công ty đó. Trong một số trường hợp, mối liên hệ với Nga không được NACP nêu rõ ràng và chỉ được hiểu nếu người đọc xem các báo cáo của các phương tiện truyền thông .


Minh Đức (Theo Euronews, Al Jazeera)

Chia sẻ Facebook